(kontumtv.vn) – Việc Trung Quốc cố xây đảo nhân tạo ở Biển Đông trên quy mô cực lớn đã tạo ra các tác động tiêu cực trên nhiều mặt cho khu vực và thế giới.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington (Mỹ) cho biết: Bắc Kinh có thể chuẩn bị xây dựng một đường băng thứ hai trên một hòn đảo do Trung Quốc mới bồi đắp trái phép. Trước đó, Trung Quốc đã xây dựng trái phép một đường băng 3.000m trên đảo Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đường băng đó có thể được sử dụng cho các hoạt động quân sự.

hau qua khon luong tu viec "dao hoa" cua trung quoc hinh 0
Các học giả trong nước và quốc tế tham dự một hội thảo quốc tế về Biển Đông

Những mục tiêu và hoạt động này của Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra tác động bất lợi đến hòa bình và an ninh trong khu vực, thương mại toàn cầu, hàng hải, hàng không, môi trường và quan hệ với các nước láng giềng.

Đe dọa hòa bình, an ninh khu vực

Những đảo mà Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng có được bằng việc chiếm đóng quân sự là vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Tiếp đó, họ lại tiến hành cải tạo trên chính những bãi đá đó nhằm thay đổi tình trạng pháp lý – đó lại là sự vi phạm tiếp theo… Nhằm mục đích bảo vệ các đảo nhân tạo phi pháp đó, Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố thiết lập một vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo và cấm tàu thuyền, máy bay của các quốc gia khác hoạt động trong vùng biển và vùng trời trên các đảo nhân tạo này. Thực tế, Trung Quốc luôn lớn tiếng đe dọa sẽ sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền và máy bay “xâm phạm” vùng biển xung quanh đảo nhân tạo và vùng trời trên đó.

Tiến sĩ Alena Ponkina, Giảng viên Đại học Luật Kutafin – Moscow, Liên bang Nga nhận định: Các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên vùng Biển Đông đưa đến một số vấn đề pháp lý và chính trị quan trọng chưa được giải quyết và có thể dẫn đến nhiều rắc rối trong trật tự thế giới hiện nay.

Bà Ponika nói: “Việc xây dựng và khai thác các đảo nhân tạo trên biển quốc tế nhằm mở rộng chủ quyền và bỏ qua quy tắc “Không một nhà nước nào có thể đòi hỏi một khu vực bất kỳ ngoài biển khơi làm chủ quyền riêng”.

Và theo quy tắc này, đảo nhân tạo trên biển quốc tế sẽ cản trở và thậm chí gây nguy hiểm nghiêm trọng đến hoạt động tự do hàng hải và đánh bắt cá. Sự hiện diện của các đảo nhân tạo cũng có thể gây ra những xung đột vũ trang.

Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu thì mục đích cuối cùng của việc xây dựng các đảo nhân tạo là nhằm tuyên bố chủ quyền. Nhưng theo luật quốc tế thì các đảo này không được xem là đảo có đầy đủ quy chế pháp lý để tuyên bố chủ quyền.”

hau qua khon luong tu viec "dao hoa" cua trung quoc hinh 1
Tiến sỹ Anna Pokina, Đại học Luật Kutafin, Liên bang Nga

Không chỉ vậy, hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam còn đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, làm gia tăng chạy đua vũ trang trong khu vực và thế giới. Để bảo vệ các đảo nhân tạo phi pháp, Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố thiết lập một vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo và cấm tàu thuyền, máy bay của các quốc gia khác hoạt động trong vùng biển và vùng trời trên các đảo nhân tạo đó. Thực tế, Trung Quốc luôn lớn tiếng đe dọa sẽ sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền và máy bay “xâm phạm” vùng biển xung quanh đảo nhân tạo và vùng trời trên các đảo này.

Ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại

Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, việc xây dựng đảo nhân tạo trên các vùng biển phải tuân thủ các quy định và tôn trọng các quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học về biển của các quốc gia khác.

Điều 60 khoản 7 của UNCLOS quy định: “…không được thiết lập các khu vực an toàn xung quanh các đảo, thiết bị, công trình đó có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế”. Do đó, hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc làm cho tiến trình giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia liên quan trên Biển Đông ngày càng bế tắc, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến quần đảo Trường Sa ngày càng phức tạp và nguy hiểm.

Biển Đông là tuyến đường biển quốc tế huyết mạch nhộn nhịp thứ hai của thế giới, chiếm hơn 45% khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Chính vì điều đó mà luật pháp quốc tế không cho phép bất cứ một quốc gia nào có thể lợi dụng các căn cứ quân sự để tiến hành các hoạt động kiểm soát, giám sát các hoạt động hàng hải cũng như hàng không quốc tế trên khu vực này. Ngay cả khi Trung Quốc hứa hẹn rằng tàu các nước tự do đi lại trong vùng biển đó thì người ta cũng không thể tin được lời hứa này.

Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Việc Trung Quốc xây dựng, tôn tạo trên các đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp và đe dọa trực tiếp hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại và đặc biệt là các quyền về tự do hàng hải, tự do hàng không của chính Việt Nam, của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.”

Phá hoại môi trường biển

Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 – UNCLOS, các quốc gia có nghĩa vụ phải bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa khiến môi trường biển bị tàn phá nghiêm trọng.

Bằng việc sử dụng công nghệ nạo vét hiện đại với quy mô lớn và tốc độ cao để lấy hàng triệu tấn đá, cát từ đáy đại dương bơm lên các thực thể tạo thành đảo mới, Trung Quốc đã vi phạm các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển và sự đa dạng sinh học, gây mất cân bằng sinh thái. Hậu quả là một vùng rộng lớn rạn san hô biến mất, tài nguyên hải sản cạn kiệt, làm hàng trăm triệu ngư dân sống bằng nghề đánh cá, khai thác thủy hải sản của các quốc gia ven Biển Đông bị ảnh hưởng nặng nề…

Hành động vi phạm luật pháp quốc tế về biển của Trung Quốc đã và đang bị dư luận trong nước và thế giới lên án mạnh mẽ.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức nói: “Những vấn đề về khả năng gây ô nhiễm, liên quan việc xây dựng hoặc sử dụng các đảo nhân tạo, dẫn đến các khía cạnh pháp lý cụ thể… Việc gây ô nhiễm đó có thể được coi như một tội phạm quốc tế, thậm chí là một hành vi xâm lược.”

Chính vì vậy, việc duy trì môi trường ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương nói chung, khu vực Biển Đông nói riêng là bổn phận, trách nhiệm của các quốc gia trong khu vực và thế giới nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, tự do hàng không, bảo vệ môi trường biển và cuộc sống của hàng trăm triệu ngư dân trong khu vực./.

Huy Sơn/VOV-TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *