(kontumtv.vn) – Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đã gửi “lời chúc phúc” tới cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều để có thể chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Ông Trump tuyên bố cuộc gặp giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 có thể là “cơ hội lớn để giải quyết một vấn đề thế giới” và khôi phục hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

hiep uoc hoa binh lien trieu can nhieu hon loi chuc phuc cua ong trump hinh 1
Hàn Quốc và Mỹ có thể thúc đẩy ký một hiệp định hòa bình với Triều Tiên nếu Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ tham vọng hạt nhân. Ảnh minh họa: Yonhap.

Về mặt kỹ thuật Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải là một Hiệp ước hòa bình.

Giới chức an ninh Hàn Quốc ngày 17/4 cũng cho biết Seoul và Washington có thể thúc đẩy ký một hiệp ước hòa bình với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng hoàn toàn từ bỏ các tham vọng hạt nhân. Vấn đề này sẽ là một trong những mục tiêu của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tại khu phi quân sự vào ngày 27/4 tới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ hội về việc thực sự ký hiệp định hòa bình trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 là khá thấp.

Những trở ngại tiềm tàng

Ông Daniel Pinkston, nhà nghiên cứu quốc tế tại Đại học Troy (Hàn Quốc) nói rằng: “Nếu bạn nghĩ về việc làm sao để có được một hiệp định hòa bình hợp lý và nó sẽ được thực hiện như thế nào, các nội dung chi tiết sẽ bao gồm những gì, cộng thêm mức độ nghi ngờ trong khu vực, thì còn có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Chúng ta phải thực tế về các trở ngại cần phải vượt qua”.

Phi hạt nhân hóa

Trong quá khứ Mỹ tuyên bố, phi hạt nhân hóa cần phải đến trước bất cứ Hiệp ước hòa bình nào. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng nói rằng, ông muốn nhìn thấy “những hành động đáng tin cậy” đối với việc phi hạt nhân hóa từ Bình Nhưỡng trước khi các cuộc đối thoại bắt đầu.

Ông John Delury, trợ lý giáo sư tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc) cho rằng, chính quyền Triều Tiên có thể sẽ phải làm nhiều hơn việc “đóng băng” chương trình hạt nhân và cam kết sẽ giảm bớt dần tham vọng hạt nhân trong những năm tới.

Theo ông Delury, dù nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nói về “các bước tiến” có thể dẫn tới tiến trình từ bỏ hạt nhân, nhưng một hiệp ước hòa bình vẫn nhiều khả năng bị sụp đổ khi nó đi vào chi tiết.

Nhà nghiên cứu Pinkston cũng cho rằng: “Tất cả đều ổn khi đưa ra những tuyên bố rộng rãi hay những “lời chúc phúc”, nhưng khi đi vào thực tế, các nhà đàm phán cần phải nhất trí về nhiều chi tiết, như việc làm thế nào để hoàn thành kiểm kê chương trình hạt nhân của Triều Tiên và sau đó là làm sao để đảm bảo và giải giáp hạt nhân. Nếu không làm được điều đó, bạn sẽ có nguy cơ đi vào vết xe đổ của những sai lầm trong quá khứ”.

Thiếu niềm tin

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đang chịu sức ép từ những người bảo thủ vốn nghi ngờ về chiến lược ngoại giao của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Phe bảo thủ không muốn ông Moon Jae-in nhượng bộ với Bình Nhưỡng.

Giới phân tích cũng dẫn lịch sử dài các thỏa thuận bị đổ vỡ như một yếu tố làm suy giảm niềm tin vào một hiệp ước hòa bình.

“Niềm tin là thứ khởi đầu từ con số 0. Hàn Quốc và Triều Tiên đã có một lịch sử dài liên tục cáo buộc lẫn nhau phá vỡ thỏa thuận. Không thể cứ nói có niềm tin thì sẽ nó sẽ mang lại niềm tin. Niềm tin là thứ cần phải được xây dựng”, ông Delury nói.

Andrew O’Neill, giáo sư tại Đại học Griffith ở Australia cũng cho rằng ở cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều có các thế lực dường như đang muốn ngăn chặn bước tiến của một hiệp ước hòa bình. “Ở Triều Tiên, quân đội – yếu tố mà ông Kim Jong-un vẫn phải phụ thuộc sâu sắc, sẽ phản đối mạnh mẽ việc cắt giảm chương trình tên lửa và hạt nhân cùng với việc hướng tới phi hạt nhân hóa. Tương tự, Quân đội Hàn Quốc cũng rất hoài nghi về việc “mặc cả” với Triều Tiên về các vấn đề chủ quyền và lãnh thổ”.

Mỹ rút khỏi Hàn Quốc

Một điểm xương sống khác trong hiệp định hòa bình có thể là điều kiện Mỹ rút quân đội khỏi Hàn Quốc.

Một số nhà phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đề xuất việc Mỹ rút các lực lượng khỏi Hàn Quốc trong một khung thời gian được thỏa thuận. Tuy nhiên điều này sẽ khiến phía Hàn Quốc lo ngại về khả năng “bị xâm lược” từ Triều Tiên.

Bản thân Washington cũng sẽ không muốn mang phương án loại bỏ lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc ra bàn đàm phán để đối lấy cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Lạc quan thận trọng

Mặc dù có nhiều rào cản tiềm tàng cho một hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, các nhà phân tích vẫn cho rằng, các hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ mang lại những kết quả nhất định.

“Nếu các bên có thể nhất trí hợp tác để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập một hiệp ước hòa bình thì đó đã là một thành công. Nội dung cụ thể của hiệp ước hòa bình này có thể sẽ được bàn thảo sau”, ông Pinkston nói.

Ông Pinkston cũng nhấn mạnh: “Tôi muốn hy vọng. Một thế kỷ trước, ai có thể tin được Đức và Pháp sẽ trở thành đồng minh của nhau?”./.

 

Thùy Linh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *