(kontumtv.vn) – Theo các học giả Mỹ, để làm được điều này lãnh đạo Mỹ và Việt Nam cần huy động các nguồn lực và tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan điều hành.

Trước chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (1-2/10/2014), giới học giả Mỹ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã đưa ra một số đánh giá và khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện và tăng cường quan hệ Việt- Mỹ trong thời gian tới, đặc biệt là hướng tới kỷ niệm 20 năm hai bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt- Mỹ vào năm 2015.

Trong chuyến thăm Mỹ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ tiến hành hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về các vấn đề cụ thể hơn nhằm thúc đẩy thực hiện mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên đã được thiết lập trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7/2013.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Năm 2015, Mỹ và Việt Nam sẽ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thời điểm hiện nay là điều kiện thuận lợi để lãnh đạo hai bên có các bước đi cụ thể nhằm bình thường hóa đầy đủ quan hệ giữa hai nước. Để thực hiện được điều đó sẽ đòi hỏi sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.

Nền tảng cho sự hợp tác như vậy đã được thiết lập. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, Mỹ và Việt Nam đã mở Đại sứ quán ở thủ đô của mỗi nước đối tác và ký kết một hiệp định thương mại song phương. Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tiến hành các cuộc gặp gỡ cấp cao và quân đội hai nước đã mở rộng hợp tác an ninh.

Mỹ ủng hộ tư cách thành viên của Việt Nam trong các cuộc đàm phán thương mại Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hai bên đã đàm phán một hiệp định về hợp tác năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Ngày nay các nhà hoạch định chính sách Mỹ coi Việt Nam là một đối tác “đầy hứa hẹn” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong một khu vực năng động và đang chuyển mình nhanh chóng này, Washington và Hà Nội ngày càng chia sẻ nhiều lợi ích chung về địa chính trị, an ninh và kinh tế.

Hai bên có mối quan tâm chung trong việc bảo vệ tự do hàng hải và thương mại ở Biển Đông, ngăn ngừa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ và đảm bảo giải quyết tranh chấp lãnh hải thông qua các biện pháp hòa bình.

Quan hệ thương mại và đầu tư song phương đã phát triển mạnh mẽ kể từ khi Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt thương mại năm 1994. Tính đến năm 2013, thương mại hai chiều đã đạt 25 tỷ USD. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Việt Nam.

Hướng tới kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ đối ngoại, Mỹ và Việt Nam đều có lợi ích quốc gia to lớn trong việc đưa quan hệ hai bên phát triển lên một cấp độ mới. Để thực hiện điều đó, lãnh đạo Mỹ và Việt Nam cần huy động các nguồn lực tham gia ở mỗi nước, đồng thời thiết lập được sự ủng hộ và đồng thuận trong các cơ quan điều hành.

Theo các học giả, Mỹ và Việt Nam cần thực hiện các giải pháp cơ bản như sau:

·        Lên kế hoạch để Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam vào năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, có thể là gần thời điểm ông Obama tham dự các hội nghị kinh tế và a ninh hàng năm của ASEAN.

·        Thảo luận về các vấn đề nhằm tiến tới việc Mỹ nới lỏng và cuối cùng xóa bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

·        Mở rộng quy mô hợp tác hải quân Mỹ – Việt Nam, bao gồm các chiến dịch cứu trợ nhân đạo và thiên tai chung, chú trọng hoạt động hiệp đồng và mở cửa cho tàu của Mỹ vào cảng của Việt Nam bảo dưỡng.

·        Thiết lập một khuôn khổ đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan chính phủ Mỹ và Việt Nam về các vấn đề nhân quyền nhằm đạt được tiếng nói chung giữa hai bên.

·        Làm việc với các đối tác để hoàn thiện và phê chuẩn một hiệp định thương mại TPP tiêu chuẩn cao, phối hợp trong Hội nghị Đông Á để cụ thể hóa các bước tiếp theo cho sự hội nhập kinh tế khu vực thông qua một khu vực mậu dịch tự do của châu Á – Thái Bình Dương.

·        Làm việc để tiến tới dỡ bỏ cơ chế coi Việt Nam không phải là một nền kinh tế thị trường trên tinh thần cải thiện các mối quan hệ song phương.

·        Hoàn thành việc xử lý chất độc dioxin ở Đà Nẵng vào năm 2016 và xác định kế hoạch cụ thể xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa.

·        Thiết lập khuôn khổ đối thoại chiến lược Mỹ – Việt Nam hàng năm để thúc đẩy các tưởng phát triển quan hệ song phương./.

CTV Ngọc Hiêp/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *