(kontumtv.vn) – Ngày 30/10, Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “ Giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông” đã diễn ra tại thành phố Busan, Hàn Quốc.

Hội thảo do Viện Khoa học Kỹ thuật Hải Dương, Hội Luật Biển quốc tế Hàn Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Luật Biển- Đại học Youngsan, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đại học Youngsan, Hội người Hàn Quốc yêu Việt Nam phối hợp tổ chức.

Đây là Hội thảo về Biển Đông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Hàn Quốc, qui tụ 80 chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu cùng nhiều khách mời tới tham dự.

hoc gia quoc te ban ve giai phap hoa binh cho tranh chap o bien dong hinh 0
Chủ tịch Hiệp hội chính sách Hàng hải Hàn Quốc phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trong đó, có nhiều chuyên gia hàng đầu về quan hệ quốc tế, chính sách biển như Giáo sư Christopher Roberts thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng, Đại học News South Wales, Australia; Giáo sư Go Ito Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách quốc tế, Đại học Meiji, Nhật Bản; GS-TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng  Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội; Tiến sỹ Chu Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí.

Trong lời phát biểu khai mạc, ông Kwon Moon-Sang, Chủ tịch Hiệp hội Chính sách Hàng hải trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật hải dương Hàn Quốc nhấn mạnh, mọi quốc gia đều phải đưa ra các tuyên bố về chủ quyền biển đảo, quyền chủ quyền và quyền tài phán dựa trên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và luật pháp quốc tế.

Vì vậy, đây là dịp để giới học giả trao đổi các vấn đề mang tính pháp lý quốc tế liên quan đến thực trạng tranh chấp tại Biển Đông qua đó đề xuất phương hướng giải quyết manh tính hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Phạm Hữu Chí cho rằng việc các tổ chức, đoàn thể dân sự của Hàn Quốc tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông là việc làm có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh tranh chấp ở biển Đông trở nên ngày càng phức tạp có nguy cơ dẫn tới xung đột, đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải không chỉ đối với các nước trong khu vực mà còn đối với tất cả các nước trên toàn thế giới.

Đại sứ bày tỏ tin tưởng rằng, trên tinh thần khoa học các nhà khoa học tham dự hội thảo lần này sẽ có những đóng góp quý báu trong việc đưa ra các giải pháp hoà bình nhằm giải quyết các tranh chấp hiện nay ở Biển Đông.

Các phiên thảo luận của Hội thảo tập trung vào các chủ đề chính gồm: Triển vọng ngăn ngừa và giải quyết hoà bình các tranh chấp tại biển Đông; ý nghĩa của việc áp dụng luật pháp quốc tế đối với hoà bình và an ninh tại biển Đông…

Ngoài ra, các học giả cũng dành nhiều thời gian thảo luận về yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” và các hoạt động cải tạo, bồi đắp bất hợp pháp trên quy mô lớn của Trung Quốc tại biển Đông dưới góc độ pháp lý quốc tế, tác động của các hoạt động này tới hòa bình, an ninh trong khu vực. Một số học giả cũng chia sẻ về vai trò trọng tâm của ASEAN trong đảm bảo an ninh khu vực.

hoc gia quoc te ban ve giai phap hoa binh cho tranh chap o bien dong hinh 1
Các học giả tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tiến sỹ Chu Mạnh Hùng cho biết: “Qua nội dung mà các học giả trình bày, các học giả rất quan tâm và chia sẻ về vấn đề đảm bảo an ninh cũng như hòa bình trên Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và đảm bảo những qui tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.

Còn Giáo sư Jeong Gap Yong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu luật biển Trường Đại học Youngsan cho rằng: “Dư luận và học giả Hàn Quốc rất quan tâm đến diễn biến tình hình ở biển Đông vì đây là tuyến hàng hải quan trọng đối với Hàn Quốc.

Có tới 30% lượng hàng hóa xuất khẩu và 90% lượng nhập khẩu nhiên liệu của Hàn Quốc đi qua khu vực này. Biển Đông phải ổn định thì nền kinh tế Hàn Quốc mới phát triển ổn định được.

Nếu Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế trong các hoạt động của họ tại biển Đông thì Hàn Quốc cần đưa ra một lập trường rõ ràng và minh bạch hơn trong vấn đề này. Một quốc gia không đưa ra được chủ trương rõ ràng trong một vấn đề quốc tế là điều không thể được”.

Hầu hết các ý kiến nêu ra tại Hội thảo đánh giá cao cơ sở lịch sử, khoa học và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, nhất trí cho rằng  tuyên bố về đường lưỡi bò của Trung Quốc không có sơ sở lịch sử và pháp lý, các hoạt động cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây đang đe dọa hòa bình, ổn định tại khu vực.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc cần phải giữ nguyên trạng thực địa ở Biển Đông, chấm dứt các hành động gia tăng căng thẳng…để tạo môi trường thuận lợi đàm phán ký kết Bộ quy tắc ứng cử của các bên ở Biển Đông (COC), giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông./.

Việt Dũng/VOV- Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *