(kontumtv.vn) – Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trực tiếp công bố học thuyết đối ngoại quân sự mới. Theo đó, ông cam kết quân đội Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Afghanistan.
Ông nói: “về mặt trực cảm, ông muốn rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, về mặt lịch sử, ông cũng muốn tuân theo cảm giác đó”. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền ông nhận thấy việc vội vàng rút quân khỏi đất nước này sẽ khiến nó rơi vào tay các nhóm khủng bố.
Từ chủ trương tăng quân…
Cuộc chiến tranh ở Afghanistan do Mỹ tiến hành là cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trải qua 16 năm từ 2001 đến nay, cuộc chiến đã tiêu tốn của nước Mỹ 110 tỷ USD, làm cho 2.400 binh sĩ Mỹ và 31.000 dân thường Afghanistan thiệt mạng.
Được biết, thực trạng ở Afghanistan hiện nay là, chính quyền trung ương suy yếu, các nhóm nổi dậy và khủng bố lợi dụng tình thế để “ăn sâu bám rễ”. Ngoài Taliban, Al Qaeda kiểm soát một phần lãnh thổ, thì IS cũng nhen nhóm ngay sau khi chúng bị đánh bật ra khỏi các căn cứ ở Iraq và Syria.
Thủ đô Kabul cũng không được yên ổn. Ông Saalem Ehsas, chỉ huy trưởng cảnh sát cho biết: “Chúng tôi đã phải thiết lập các điểm kiểm soát an ninh tại các khu vực trọng yếu và sẽ luân phiên nhân viên tại những điểm này”.
Ngay khi còn vận động tranh cử, ông Trump đã nhiều lần quả quyết rằng, khi cầm quyền ông sẽ cho rút quân ra khỏi Afghanistan, vì cuộc chiến này đã mất mát quá lớn và quá tốn kém cho người dân Mỹ.
Tuy nhiên, trong chiến lược mới vừa công bố, ông Trump lại chủ trương đưa thêm quân đội Mỹ tới Afghanistan chỉ vài ngày sau khi ông sa thải chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon vốn là người thúc giục ông rút hết quân về nước, vì hoạt động đó không phục vụ quyền lợi của Mỹ.
Đài Foxnews (Mỹ) dẫn nguồn tin mật từ một quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết, Tổng thống Trump đã nhất trí điều động thêm 4.000 binh sĩ Mỹ tới tham chiến tại Afghanistan, cùng với 8.400 quân nhân Mỹ đang có mặt trước đó, đưa tổng quân số Mỹ tại chiến trường lên 12.400.
Chiến lược mới này có thể được xem là một thắng lợi với Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, vì hai ông này luôn thúc giục Tổng thống Trump quyết liệt hơn ở Afghanistan để tiêu diệt khủng bố và củng cố thành quả mà nước Mỹ đạt được tại đây.
Đến thay đổi cách tiếp cận…
Tổng thống Trump cho biết, “phần cốt lõi” trong chiến lược của ông là “sự thay đổi từ phương thức tiếp cận theo thời gian, sang phương thức căn cứ vào tình hình thực tế”. Ông cho rằng: “sẽ rất phản tác dụng khi nước Mỹ công bố trước kế hoạch ngày tháng dự kiến bắt đầu hay kết thúc với các hoạt động quân sự”.
Ông Trump nói: “Chúng tôi sẽ không nói về số lượng binh sĩ cũng như các kế hoạch mở rộng hoạt động quân sự của chúng tôi. Từ nay trở đi, những diễn biến của tình hình thực tiễn sẽ định hướng cho chiến lược của chúng ta”.
Đồng tình với quan điểm của Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn an ninh quốc gia cũng khẳng định, việc rút quân quá nhanh khỏi Afghanistan sẽ tạo ra một khoảng trống nguy hiểm và là cơ hội tốt để lực lượng khủng bố trỗi dậy. Vì thế, số quân Mỹ được tăng thêm sẽ tập trung vào khâu chủ yếu là xây dựng quân đội Afghanistan đủ mạnh để có thể đảm bảo an ninh của họ.
Quan điểm “Mỹ không muốn đổ thêm tiền vào cuộc xung đột”, nhưng không có nghĩa là Mỹ sẽ chọn giải pháp đơn giản nhất, như bỏ mặc Afghanistan. Bởi xét về lâu dài, đây sẽ là một thảm họa trong chính sách đối ngoại Mỹ khi tạo cơ hội cho các lực lượng khủng bố và cực đoan phục hồi.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định, Washington sẵn sàng ủng hộ các cuộc hòa đàm giữa chính phủ Afghanistan và Taliban mà không cần tới các điều kiện tiên quyết.
Chiến lược mới mà ông Donald Trump đưa ra cũng nhận được sự hoan nghênh từ phía các nhà lãnh đạo NATO, Ấn Độ và Afghanistan. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bày tỏ vui mừng về quyết định của ông Trump và cho rằng, Mỹ đã thể hiện sự cam kết lâu dài đối với “cuộc xung đột mang tính toàn cầu này”.
Ấn Độ cũng hoan nghênh Tổng thống Mỹ tăng cường nỗ lực để vượt qua những thách thức mà Afghanistan đang phải đối mặt. New Dehli còn cam kết ủng hộ chính phủ và người dân Afghanistan trong nỗ lực mang lại hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng cho nước này.
Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg cũng hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ Trump gửi thêm quân tới Afghanistan, đồng thời khẳng định NATO giữ vững cam kết đầy đủ với chính quyền Afghanistan.
Khó tránh khỏi sa lầy
Giới chuyên gia quân sự Mỹ nhận định, chiến lược của ông Trump có thể có lợi cho Afghanistan nhưng ít cơ hội đưa Mỹ đến chiến thắng. Thậm chí những người ủng hộ chiến lược của ông Trump cũng lo ngại nguy cơ sa lầy.
Chuyên gia Michael O’Hanlon tại Viện Brookings (Mỹ), là người từng ủng hộ việc đưa thêm quân Mỹ đến Afghanistan cho rằng, viễn cảnh tốt nhất cũng chỉ giúp quân đội Afghanistan áp đảo hơn trên chiến trường, rằng “Tôi không nghĩ sẽ có nhiều người tin vào một chiến thắng”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông James Mattis từng nhiều lần đề xuất với Tổng thống Trump tăng thêm quân tới Afghanistan, nhưng ông cũng cho rằng, chỉ điều này thôi là không đủ. Mỹ cần phải kêu gọi được sự hỗ trợ về vật chất cũng như nguồn lực từ bên ngoài.
Hãng tin Interfax dẫn một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow không tin rằng chiến lược mới ở Afghanistan của Tổng thống Mỹ sẽ dẫn tới bất cứ thay đổi tích cực đáng kể nào ở quốc gia Tây Nam Á này.
Mới đây, Taliban đã gửi cho ông Trump một bức thư ngỏ dài 1.600 từ, trong đó cảnh báo Mỹ không được tăng quân ở Afghanistan, và khẳng định họ không sẵn sàng cho bất cứ cuộc hòa đàm nào, ít nhất cho tới khi Mỹ và NATO công bố khung thời gian cho việc rút quân.
Giới phân tích quốc tế nhận xét, các đời Tổng thống Mỹ, từ ông George Bush, tiếp đến là ông Obama, đều đưa ra những cách tiếp cận khác nhau nhằm sớm khép lại cuộc chiến dai dẳng tại Afghanistan, song kết quả đã không như mong đợi.
Giờ đây, Tổng thống Trump cũng nói sẽ thay đổi cách tiếp cận, song ông khẳng định: “Tôi đã tiếp nhận một mớ hỗn độn và chúng tôi sẽ giải quyết nó. Song đây không phải một việc dễ dàng. Afghanistan là cuộc chiến tranh tại lãnh thổ nước ngoài kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ và chúng tôi sẽ sớm đưa ra quyết định cụ thể”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng, ít có khả năng ông Trump sẽ thực hiện một chính sách quá khác biệt so với người tiền nhiệm, nhất là trong bối cảnh bạo lực và các vụ tấn công khủng bố có dấu hiệu gia tăng thời gian vừa qua./.