(kontumtv.vn) – Ngày 24/8, theo đề nghị của Pakistan – Điều phối viên của Tổ chức hợp tác Hồi giáo về các vấn đề nhân quyền và nhân đạo, và của Afghanistan, với sự ủng hộ của 35 nước thành viên và 70 nước quan sát viên, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến hành Phiên họp đặc biệt lần thứ 31 thảo luận về những quan ngại nhân quyền nghiêm trọng và tình hình tại Afghanistan.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình Afghanistan, tại New York (Mỹ) ngày 16/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phát biểu tại phiên họp, Cao ủy Nhân quyền LHQ, Chủ tịch Ủy ban Điều phối các Thủ tục đặc biệt, và đại diện 73 quốc gia, gồm 4 nước ASEAN là Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam, tổ chức quốc tế, trong đó có 4 quốc gia phát biểu ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động bạo lực, vi phạm và lạm dụng nhân quyền và những vi phạm luật nhân đạo quốc tế tại Afghanistan; kêu gọi Taliban và tất cả các bên liên quan đến xung đột tại Afghanistan chấm dứt các hành động bạo lực, tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế, tôn trọng và tạo thuận lợi cho người nước ngoài và người dân Afghanistan mong muốn rời Afghanistan được rời nước này một cách an toàn và có trật tự; nhấn mạnh cần bảo vệ dân thường, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, học giả, nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền và những người thuộc các nhóm dân tộc, tôn giáo và các nhóm thiểu số khác, đồng thời lên án việc tấn công những người này; khẳng định ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp chính trị bao trùm, toàn diện và lâu dài, và hòa giải dân tộc tại Afghanistan; kêu gọi những tiến bộ xã hội, dân chủ và nhân quyền đạt được tại Afghanistan trong 20 năm qua, đặc biệt là những tiến bộ về bảo vệ quyền của phụ nữ, cần được duy trì; kêu gọi các nước tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan và tạo điều kiện cho người dân Afghanistan được tị nạn.

Cũng tại phiên họp, nhiều quốc gia Hồi giáo khẳng định ủng hộ tiến trình hòa bình và hòa giải do người dân Afghinstan làm chủ và dẫn dắt nhằm đạt được một giải pháp chính trị bao trùm và toàn diện tại Afghanistan; nhấn mạnh việc tiến hành đối thoại rộng rãi giữa tất cả các bên và đại diện của người dân Afghanistan đóng vai trò quyết định trong việc đạt được hòa bình, ổn định và phát triển lâu dài tại Afghanistan.

Trong khi đó, Italy đề nghị thành lập Báo cáo viên đặc biệt có nhiệm vụ giám sát và báo cáo về tình hình nhân quyền tại Afghanistan; Thụy Sĩ kêu gọi tiến hành điều tra độc lập, minh bạch, đáng tin cậy và công bằng đối với những vi phạm và lạm dụng nhân quyền và những vi phạm luật nhân đạo quốc tế để truy tố những nghi phạm liên quan.

Về phía Việt Nam, đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva phát biểu thông báo Việt Nam theo dõi sát và mong muốn tình hình Afghanistan sớm đi vào ổn định vì lợi ích của người dân Afghanistan, cũng như hòa bình và ổn định tại khu vực.

Đại diện Phái đoàn Việt Nam cũng bày tỏ ủng hộ và kêu gọi LHQ, cộng đồng quốc tế, các đối tác quốc tế và khu vực tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan trong thời điểm khó khăn hiện nay. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề nhân quyền tại Afghanistan, đại diện Phái đoàn Việt Nam bày tỏ mong muốn Hội đồng Nhân quyền tiếp tục phát huy vai trò để thúc đẩy đối thoại, hợp tác về các vấn đề nhân quyền, trên cơ sở tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Kết thúc phiên họp, Hội đồng Nhân quyền đã nhất trí thông qua Nghị quyết với tiêu đề “Tăng cường việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền tại Cộng hòa Hội giáo Afghanistan”. Nghị quyết yêu cầu Cao ủy Nhân quyền báo cáo miệng về tình hình nhân quyền tại Afghanistan tại Khóa 48 Hội đồng Nhân quyền và trình Hội đồng Nhân quyền báo cáo toàn diện bằng văn bản, trong đó tập trung vào việc xác định trách nhiệm của những người vi phạm và lạm dụng nhân quyền trong xung đột và tổ chức phiên đối thoại về tình hình nhân quyền tại Afghanistan tại Khóa 49.

Tố Uyên-Xuân Hoàng (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *