(kontumtv.vn) – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEM khẳng định cam kết cùng nỗ lực bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không…

Tiếp tục ngày làm việc thứ 2 Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á – Âu lần thứ 10 (ASEM 10), chiều 17/10 theo giờ Việt Nam, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Milan, Italy,  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEM tham dự phiên họp về “Tăng cường đối thoại và hợp tác Á – Âu và tương lai ASEM”.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Để duy trì hòa bình, thực tiễn đã khẳng định, cần kiên trì xây dựng lòng tin chiến lược – sự tin cậy lẫn nhau bền vững, lâu dài – trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và tăng cường đối thoại về các khác biệt, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á – Âu lần thứ 10 (ASEM 10)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEM tập trung thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt các vấn đề liên quan hòa bình, an ninh, chủ nghĩa khủng bố, không phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt, buôn bán người, an ninh hàng hải, cướp biển… Các nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá về tình hình phức tạp tại Trung Đông – Bắc Phi, tiến trình hòa bình Trung Đông, Libya, Syria, Iraq, Afghanistan, Bán đảo Triều Tiên… Nhiều thành viên ASEM bày tỏ quan ngại trước những diễn biến mới đang tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có Biển Đông và Hoa Đông.

Phiên họp nhất trí về yêu cầu cấp thiết cần tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEM khẳng định cam kết cùng nỗ lực bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại; đề cao nguyên tắc kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982. Phiên họp cũng đặc biệt đánh giá cao vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.

Các nhà lãnh đạo ASEM hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực của ASEAN thúc đẩy liên kết khu vực, hoàn tất Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Các nhà lãnh đạo ASEM đề cao nỗ lực của ASEAN trong thúc đẩy quan hệ với các đối tác, trong đó có Liên minh châu Âu và các đối tác khác ở châu Âu, thể hiện sinh động qua kết quả đạt được tại Cuộc họp Cấp cao không chính thức ASEAN – EU tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEM 10 lần này.

Trong bài phát biểu tại phiên họp về “Tăng cường đối thoại và hợp tác Á – Âu và tương lai ASEM”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: trong năm 2014 bất ổn chính trị, xung đột cục bộ, các hành động khủng bố và tranh chấp lãnh thổ…diễn biến rất phức tạp và quy mô lan rộng. Các điểm nóng khu vực căng thẳng hơn. Lòng tin giữa nhiều quốc gia bị suy giảm. Các nước vừa và nhỏ đang đứng trước thách thức lớn về an ninh và phát triển. Nhu cầu hợp tác để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, đúng 100 năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và gần 70 sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bài học xương máu là chiến tranh hay hòa bình hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm và ý chí chính trị của các quốc gia. Để duy trì hòa bình, thực tiễn đã khẳng định, cần kiên trì xây dựng lòng tin chiến lược – sự tin cậy lẫn nhau bền vững, lâu dài – trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và tăng cường đối thoại về các khác biệt, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất ASEM cần tiếp tục nâng cao vai trò và cùng nỗ lực củng cố các cơ chế đối thoại và hợp tác khu vực, liên khu vực và toàn cầu; tăng cường các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, góp phần hình thành một cấu trúc an ninh bền vững, minh bạch, có khả năng đáp ứng thay đổi của tình hình và bảo đảm lợi ích của tất cả các quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nêu bật thực tế châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển năng động, khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, môi trường hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực này đang đứng trước nhiều nguy cơ bất ổn. Thủ tướng bày tỏ quan ngại đặc biệt của Việt Nam về những diễn biến nghiêm trọng, vi phạm luật pháp quốc tế gần đây tại Biển Đông mà thế giới đều biết. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn kiên định và nhất quán cùng các thành viên ASEAN và cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên ASEM, thúc đẩy đối thoại và thực hiện mọi nỗ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và cùng hợp tác phát triển ở Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương.

Thủ tướng nêu rõ: Vấn đề quyết định là phải kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không để tái diễn các hành động gây căng thẳng, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982, thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) và cùng nhau xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Là một dân tộc chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh ngoại xâm, Việt Nam nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình và sẽ tiếp tục cùng các thành viên ASEM đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Đông Nam Á cũng như ở hai châu lục Á – Âu và trên toàn thế giới.

Cũng trong chiều tối 17/10 theo giờ Việt Nam, Hội nghị Cấp cao ASEM 10 đã bế mạc sau hai ngày làm việc. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch với nhiều quyết định quan trọng, chuyển thông điệp mạnh mẽ của các vị Lãnh đạo ASEM về quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác Á – Âu vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở hai châu lục và thế  giới, đồng thời định hướng cho hợp tác của Diễn đàn trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEM đã thông qua 27 sáng kiến mới do các thành viên đề xuất và thành lập 16 Nhóm hợp tác chuyên ngành nhằm hiện thực hóa các định hướng hợp tác trong giai đoạn 2014 – 2016. Trong đó, có ba sáng kiến mới của Việt Nam về “Hội thảo ASEM về quản lý bền vững nguồn nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực”, “Tuần lễ thanh niên ASEM: Hành động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết thách thức về không đói nghèo” và “Hội nghị về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững”. Hội nghị cũng đánh giá cao tính thiết thực của các sáng kiến của Việt Nam và nhiều thành viên đã tham gia đồng bảo trợ.

Tại lễ bế mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên ASEM hoan nghênh và chúc mừng Mông Cổ đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 vào năm 2016 và Luxemburg tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 12 vào năm 2015, đồng thời khẳng định cùng nỗ lực phối hợp bảo đảm thành công của các hội nghị này. Đây là hai hội nghị có ý nghĩa quan trọng, cùng nhiều hoạt động thiết thực khác hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập ASEM (1996 – 2016).

Hội nghị Cấp cao ASEM 10 kết thúc tốt đẹp, đề ra những định hướng và các biện pháp cụ thể nhằm nâng tầm hợp tác của ASEM trong giai đoạn sắp tới. Những kết quả tích cực đạt được tại Hội nghị tiếp tục khẳng định vai trò của ASEM là một cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, với nhiều sáng kiến hợp tác mới, đa dạng, thể hiện sinh động quyết tâm chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa hai châu lục Á – Âu.

Đối với Việt Nam, Diễn đàn ASEM tiếp tục là một cơ chế hợp tác quan trọng ở tầm liên khu vực để thúc đẩy các lợi ích, quan tâm về kinh tế, phát triển và an ninh cũng như nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam. Tất cả các đối tác chiến lược, hầu hết các đối tác toàn diện và các đối tác thương mại tự do của Việt Nam là thành viên ASEM. Đây là những cơ hội đầy tiềm năng để các Bộ, ngành, địa phương và từng người dân tận dụng trong giai đoạn phát triển mới./.

Thành Chung/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *