(kontumtv.vn) – Hôm qua (12/2), các nhà lãnh đạo châu Âu đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về chống khủng bố.
Vào thời điểm này, các nước châu Âu ý thức được rất rõ rằng, họ đang là các mục tiêu rất dễ bị tổn thương trước chủ nghĩa khủng bố. Bởi lẽ, những kẻ khủng bố không đến tử bên ngoài mà đến từ ngay chính trong lòng đất nước họ.
Đặc biệt, sau vụ Charlie Hebdo tại Paris vào đầu tháng 1, dư luận châu Âu có một nhận thức chung rằng: nếu như ngay cả nước Pháp – vốn nổi tiếng nhờ có lực lượng an ninh hoạt động hiệu quả, mà cũng không thể ngăn được các vụ khủng bố dã man thì nguy cơ khủng bố sẽ đe dọa bất cứ một thành viên nào trong khối EU.
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU về chống khủng bố, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tiếp tục nhắc lại đề nghị thiết lập hệ thống trao đổi thông tin hành khách giữa các quốc gia, gọi là PNR, để theo dõi sự di chuyển của các đối tượng bị tình nghi. Ông Cazeneuve cho rằng, châu Âu cần phải sửa đổi Hiệp ước Schengen để có thể kiểm soát tốt hơn sự di chuyển của các đối tượng bị tình nghi.
Nếu đề nghị được thông qua, các nước châu Âu có thể thiết lập lại các trạm kiểm soát hải quan ở các biên giới để hạn chế các đối tượng tình nghi xâm nhập vào không gian Schengen – không gian tự do đi lại không kiểm soát giữa gần hai chục quốc gia châu Âu.
Ngoài ra, các nước còn thống nhất sẽ đẩy mạnh việc trao đổi thông tin tình báo để hỗ trợ nhau trong việc sớm phát hiện các đối tượng khủng bố, đẩy mạnh cuộc chiến truyền thông, xóa bỏ các trang web mang tư tưởng cực đoan hay dụ dỗ lôi kéo thanh niên, trừng phạt những kẻ biện hộ cho chủ nghĩa khủng bố…
Việc một lượng lớn thanh niên châu Âu gia nhập các tổ chức thánh chiến như IS có thể coi là nguy cơ lớn nhất về khủng bố. Các nước châu Âu nắm khá rõ con số của các phần tử này và đề nghị cấm xuất cảnh tất cả những người có ý định đến Iraq và Syria để chiến đấu cho IS. Tiếp theo là theo dõi chặt chẽ tất cả các đối tượng này sau khi về nước.
Đa số thanh niên châu Âu tìm đường sang Syria hay Iraq đều là các thanh niên nghèo, sống trong các khu vực ngoại ô nghèo khổ. Do không thể hòa nhập vào xã hội nên nảy sinh các tư tưởng bất mãn, cực đoan và dễ dàng bị lôi kéo vào các hành động khủng bố. Vì thế, chừng nào chưa xóa bỏ hay hạn chế được đói nghèo và bất công xã hội, tình trạng tội phạm, khủng bố… của những “con sói đơn độc” này sẽ ngày càng lớn. Bởi, một thế hệ thanh niên bị mất phương hướng và luôn mang cảm giác bị gạt ra ngoài lề xã hội sẽ rất dễ biến thành những kẻ khủng bố.
Ở Pháp, sau vụ Charlie Hebdo, rất nhiều người đã lên tiếng kêu gọi chính quyền phải thay đổi toàn diện chính sách phát triển các thành phố ngoại ô, vốn gần như bị quên lãng suốt nhiều năm qua bởi nếu không thay đổi, nó sẽ tạo ra hai thế giới hoàn toàn đối nghịch ngay trong lòng một quốc gia./.