(kontumtv.vn) – Xung đột đang bùng lên giữa Israel và Iran tại Syria, khiến tình hình căng thẳng khu vực leo thang lên một nấc thang mới và phức tạp hơn.

Iran đã lần đầu tiên từ lãnh thổ Syria tấn công trực tiếp vào các mục tiêu của Israel tại Cao nguyên Golan. Israel đáp trả bằng chiến dịch không kích lực lượng Iran đang triển khai tại Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman tuyên bố, sáng 10/5, Không quân Israel đã phá hủy “gần như hoàn toàn” các cơ sở quân sự của Iran tại Syria.

israel iran thach thuc gioi han do cua nhau tai syria hinh 1
Binh sĩ Israel được triển khai tại Cao nguyên Golan. Ảnh: Reuters

Cộng đồng quốc tế đang không ngừng kêu gọi ngừng xung đột Israel-Iran tại Syria, với quan ngại căng thẳng khu vực leo thang lên một nấc thang mới và phức tạp hơn. Trong khi đó, cả Israel và Iran đều cảnh báo giới hạn đỏ đã bị phá bỏ.

Tại sao Iran có mặt tại Syria?

Cùng với Nga, Iran là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Do đó, quân đội Iran có mặt tại Syria trước tiên là để bảo vệ chính quyền al-Assad trong cuộc nội chiến với các lực lượng đối lập và sau đó là hỗ trợ quân đội Syria chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tận dụng tình hình nội chiến rối ren tại Syria, Iran đã xây dựng lực lượng và cơ sở quân sự vững chắc tại quốc gia đồng minh này.

Theo các nguồn tin, Iran đã xây dựng các khu trại quân sự và đào tạo hàng nghìn chiến binh người Hồi giáo dòng Shiite, cũng như cử cố vấn quân sự tới hỗ trợ tại các căn cứ của quân đội chính phủ Syria.

Kể cả sau khi quân đội Syria, được Nga và Iran hỗ trợ, đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết các vùng lãnh thổ, cũng như loại bỏ các mối đe dọa với chính quyền Tổng thống al-Assad, thì lực lượng Iran và các đồng minh không hề có dấu hiệu sẽ rút khỏi Syria.

Lực lượng Iran đang tập trung vào thiết lập hệ thống cơ sở quân sự tại Syria, mà theo cáo buộc của Israel là nước Cộng hòa Hồi giáo đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công Israel.

Israel cùng các đồng minh Arab và Vùng Vịnh vẫn luôn cáo buộc Iran tăng cường hỗ trợ các lực lượng phiến quân Hồi giáo Shiite tại Syria và nhóm phiến quân Hezbollah ở Lebanon, nhằm xây dựng một lực lượng thống nhất cho một cuộc chiến mới trong khu vực.

“Một lý do căn bản biến Syria thành một chiến trường khu vực đó là chiến lược mà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tuyên bố từ năm 1979 nhằm chống lại Israel và các đồng minh. Trước năm 1979, Iran và Israel là đồng minh. Người Iran không hề bị ảnh hưởng bởi xung đột Israel-Palestine”, nhà phân tích theo lập trường thù địch Iran Amir Toumaj nhận định.

Iran coi Syria là một phòng tuyến phòng vệ chống lại Israel. Ranh giới ngăn cách xung đột Israel và Iran là rất mong manh.

Israel đối phó thế nào?

Israel đã can thiệp quân sự vào Syria, nhưng mối quan tâm của nước này không hề giống với đồng minh Mỹ. Trong khi, Mỹ can thiệp Syria bằng việc hỗ trợ các lực lượng đối lập chống lại chế độ Tổng thống al-Assad, Israel lại không nhằm vào chính quyền Syria.

Thay vào đó, Nhà nước Do Thái Israel muốn ngăn chặn Iran xây dựng lực lượng bên trong Syria. Israel đã có những chiến lược thông minh của mình khi không kích vào Syria nhiều năm qua.

“Các cuộc không kích này nhằm ngăn chặn Iran vận chuyển vũ khí từ Syria cho phiến quân Hezbollah tại Lebanon”, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách Trung Đông tại Viện Brookings ông Natan Sachs nêu quan điểm.

Tháng 8/2017, một cựu quan chức Không quân Israel tiết lộ, các máy bay chiến đấu của nước này đã thực hiện gần 100 cuộc không kích nhằm vào các đoàn xe vận chuyển vũ khí trên lãnh thổ Syria kể từ năm 2012. Song khác với cả Nga và Mỹ, hành động của Israel gần như không gây tác động tới cuộc nội chiến Syria.

“Chiến thắng hiện nay thuộc về liên minh Syria-Iran. Chiến lợi phẩm của Iran là sự hiện diện quân sự lâu dài tại Syria và kết nối với lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Israel sẽ không chấp nhận điều này. Do đó, khi Iran ngày càng gia tăng lực lượng tại Syria, Israel cũng sẽ có hành động để ngăn chặn ngay lúc này trước khi Iran tiến xa hơn”, ông Natan Sachs nói.

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã châm ngòi cho xung đột mới?

Diễn biến xung đột mới giữa Israel và Iran tại chiến trường Syria gia tăng chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 giữa Iran và các cường quốc P5+1.

Từ khi ông Trump nhắc tới ý định hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà phân tích đã cảnh báo quyết định đơn phương này của Mỹ có thể làm gia tăng bất ổn và mang tới những cuộc xung đột mới tại khu vực Trung Đông-Vùng Vịnh.

Quan ngại hiện tập trung vào diễn biến xung đột Israel-Iran. Mâu thuẫn âm ỉ Israel-Iran trong lòng nội chiến Syria giờ đây có nguy cơ bùng phát thực sự.

“Đây không phải là một “cuộc chiến ủy nhiệm”. Đây là một cuộc chiến trực tiếp và điều này khiến xung đột Israel-Iran trở nên đặc biệt nguy hiểm. Israel và Iran đã trải qua 20 năm chiến tranh lạnh. Nhưng giờ đây mọi thứ sẽ bùng phát”, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel Martin S. Indyk đánh giá.

Theo ông Martin S. Indyk, tuyên bố của Tổng thống Trump hôm 9/5 về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuân hạt nhân giống như “một mồi lửa” châm ngòi cho giai đoạn xung đột mới.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách Trung Đông tại Viện Brookings ông Natan Sachs cũng cho rằng, xung đột Israel-Iran sẽ còn tiếp diễn: “Cả 2 bên đều đang thách thức giới hạn của nhau. Sau các cuộc không kích của Israel, Iran giờ đây sẽ có phản ứng và đẩy lùi các cuộc tấn công này. Iran sẽ không từ bỏ mục tiêu của mình tại Syria sau từng đấy năm nỗ lực. Còn Israel chắc chắn sẽ không chùn tay trong việc ngăn chặn Iran”.

Kịch bản tồi tệ nhất được giới quan sát nhắc tới là cuộc xung đột Israel-Iran sẽ lan tới Lebanon và Hezbollah sẽ tham chiến với loạt rocket nhằm vào lãnh thổ Israel. Khi đó, Israel sẽ buộc phải đáp trả tương tự như với các vụ tấn công của Iran từ bên trong Syria những ngày qua./.

Hoàng Lê/VOV.VN
Theo The New York Times

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *