Vương quốc Anh cũng đã có nạn nhân đầu tiên thiệt mạng, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan có số ca nhiễm tăng vọt trong vòng 24h.
Với 41 ca thiệt mạng trong ngày 5/3, Italia tiếp tục chứng kiến ngày chết chóc nhất từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này. Tính đến 18h ngày 5/3, số liệu do Cơ quan phòng vệ dân sự Italia công bố cho thấy, đã có tổng cộng 148 nạn nhân thiệt mạng và 3.858 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italia, biến nước này thành nơi hứng chịu thiệt hại nặng nhất vì dịch, sau Trung Quốc.
Người dân đeo khẩu trang phòng chống Covid-19 ở quảng trường Piazza del Duomo,
Milan (Italia). (Ảnh: AFP) |
Trước các thiệt hại nặng nề không thể tránh khỏi về kinh tế – xã hội, trong ngày 5/3, Bộ trưởng Kinh tế Italia, Roberto Gualtieri tuyên bố chính phủ Italia sẽ chi thêm 7,5 tỷ euro khẩn cấp nhằm trợ giúp các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nhất. Chính phủ Italia cũng thông báo cho Uỷ ban châu Âu về việc nước này sẽ thâm hụt ngân sách ở mức 2,5% GDP trong năm nay, so với mục tiêu ban đầu là 2,2%.
Tổng thống Italia, Sergio Mattarella đã phải lên truyền hình kêu gọi người dân Italia bình tĩnh và khẳng định nước này sẽ chiến thắng được dịch bệnh.
Tại Đức, số liệu chính thức do Viện Robert Koch công bố cho biết, nước Đức có thêm 109 ca nhiễm mới trong ngày 5/3 và hiện đã có tổng cộng 349 ca, trong đó hơn 1 nửa tập trung ở bang đông dân nhất của Đức là bang Bắc Rhine – Westphalia.
Tại Tây Ban Nha, số ca nhiễm cũng đã tăng lên 234 ca, trong đó đáng ngại nhất là thủ đô Madrid đã trở thành ổ dịch lớn nhất với 90 ca. Trong ngày 5/3, Tây Ban Nha cũng đã ghi nhận bệnh nhân thứ 3 thiệt mạng vì virus SARS- CoV-2.
Một nước châu Âu khác chứng kiến số ca nhiễm tăng đột biến trong ngày 5/3 là Hà Lan. Nước này ghi nhận số ca nhiễm tăng gấp đôi chỉ trong 1 ngày, lên mức 82 ca nhiễm.
Tương tự Hà Lan, nước Anh cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng cao, lên 116 ca, cao gấp đôi so với cách đó 2 ngày. Nước Anh cũng đã có bệnh nhân đầu tiên thiệt mạng, là một phụ nữ 70 tuổi. Trước diễn biến này, bất chấp các tranh cãi, chính phủ Anh đã quyết định công bố danh sách chi tiết các vùng nhiễm bệnh để người dân tăng cường ý thức tự bảo vệ.
Tính đến hết ngày 5/3, hầu như toàn bộ các nước EU đều đã có các ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Dịch thậm chí đã lan đến tận các cơ quan đầu não của EU. Trong ngày 5/3, Uỷ ban châu Âu ra thông báo cho biết đã có ít nhất 2 nhân viên làm việc tại các cơ quan châu Âu ở Brussels nhiễm virus SARS- CoV-2./.
Quang Dũng/VOV-Paris