(kontumtv.vn) – Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ cảnh báo về các mối nguy hiểm đối với kinh tế Trung Quốc nếu họ không giải quyết được vấn đề giàu nghèo.

Lâu Kế Vĩ là một nhân vật hay nói thẳng. Quan điểm nói trên của ông xuất hiện trong bối cảnh diễn ra Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh tuần này.

khoang cach giau ngheo am anh trung quoc hinh 1
Ông Lâu Kế Vĩ. Ảnh: EJ Insight.

Bất bình đẳng thu nhập – vấn đề lớn nhất của Trung Quốc

Ông Lâu, người rời bỏ chức bộ trưởng tài chính vào năm 2016, nhấn mạnh đến khoảng cách gia tăng giữa người giàu và người nghèo ở Trung Quốc, coi đây là thách thức lớn nhất của quốc gia này.

Vị cựu bộ trưởng cho rằng: “Cấu trúc hệ thống kép đô thị-nông thôn của Trung Quốc đã thúc đẩy tình trạng bất bình đẳng. Việc thiếu tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với công nhân di cư là không công bằng và phản tác dụng”.

Theo ông Lâu, hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc đóng góp nhiều vào việc nới rộng khoảng cách giàu nghèo này. Quan điểm đó được ông trình bày trên trang mạng xã hội Trung Quốc mang tên Caixin.

Các nhận xét của Lâu Kế Vĩ đã đụng chạm vào một vấn đề hệ trọng liên quan đến chiến dịch xóa đói giảm nghèo của chính quyền ông Tập Cận Bình trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và họ vướng vào cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Năm 2018, một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tiết lộ rằng khoảng cách “bất bình đẳng” đang lại mở rộng ở Trung Quốc.

Báo cáo IMF có đoạn: “Trung Quốc đã chuyển mình từ một nước tương đối bất bình đẳng (về kinh tế – ND) vào năm 1990 sang thành một trong những nước bất bình đẳng nhất trên thế giới. Bất bình đẳng về thu nhập ở Trung Quốc ngày nay, được đo bằng hệ số Gini, nằm trong tốp cao nhất thế giới”.

Vẫn báo cáo nói trên: “Bất bình đẳng gia tăng của đất nước này trong vài thập kỷ qua gắn chặt với các nhân tố cấu trúc như đô thị hóa, già hóa, và tái cân bằng khu vực, với các chính sách không đủ bù trừ. Tính đến tình trạng đô thị hóa hiện nay và sự thay đổi nhân khẩu, thì bất bình đẳng sẽ càng gia tăng nếu không có sự thay đổi chính sách”.

Chính sách phiêu lưu làm nới rộng giàu nghèo và gia tăng nợ nần?

Thời đương chức, ông Lâu công bố kế hoạch chuyển một phần vốn trong khu vực sở hữu nhà nước sang quỹ hưu trí quốc gia để lấp vào khoản thiếu hụt tại đây.

Nhưng điều thu hút sự chú ý nhất chính là việc ông cực lực phản đối chính sách “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (MiC2025) do chính quyền trung ương nước này cung cấp vốn.

Chương trình nói trên được khởi xướng vào năm 2015 và bao gồm một loạt ngành nghề, từ vi mạch, máy tính, công nghệ đám mây, đến hệ thống vận tải thông minh cũng như nhà máy thông minh.

Dự án “MiC 2025” này, được kết nối bằng mạng 5G cực nhanh, đã được khởi động với tham vọng biến Trung Quốc thành một siêu cường công nghệ.

Ông Lâu cảm nhận rằng dự án này sẽ biến thành ác mộng. Với cá nhân ông thì ông đã rời khỏi vị trí người đứng đầu Hội đồng Quốc gia về Quỹ An sinh Xã hội, một cơ quan đầy ảnh hưởng, vào thời điểm chỉ một tháng sau khi ông đưa ra các bình luận nói trên.

Nợ nần khủng khiếp ở cấp chính quyền địa phương

Nói chuyện với truyền thông bên lề cuộc họp Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3/2019, ông Lâu cho rằng “đây là một sự lãng phí tiền bạc của người đóng thuế. Người ta nói nhiều về dự án MiC 2025 nhưng những gì làm được thì lại quá ít”.

Cựu Bộ trưởng Lâu bổ sung thêm: “Chẳng cần nói về năm 2025. Chính phủ muốn các ngành ở vị trí hàng đầu vào thời điểm đó, nhưng các ngành đó là không dự đoán được và chính quyền không nên nghĩ rằng mình có thể dự đoán cái không thể dự báo được”.

Ông Lâu đi tiên phong trong việc nhấn mạnh đến núi nợ chồng chất của các chính quyền địa phương Trung Quốc cách đây hơn 4 năm. Vào thời điểm nó, khối nợ này là 18.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2.560 tỷ USD).

Ông Lâu nói với trang tin Central Bangking vào thời điểm đó: “Vấn đề nợ của chính quyền địa phương là không thể phủ nhận. Đối với những khu vực có tỷ lệ nợ quá mức, chúng ta cần chú ý nhiều hơn”.

Tiến nhanh về phía trước và núi nợ tiếp tục gia tăng. Năm 2018, một báo cáo do S&P Global Ratings công bố đã vẽ ra một bức tranh với nhiều điều phức tạp về tài chính Trung Quốc.

“Mức độ khoản vay ngoài bảng cân đối kế toán ở các chính quyền địa phương là không được biết đến nhưng nó có thể cao tới mức 40.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5.780 tỷ USD)… Đó là một tảng băng nợ với rủi ro tín dụng khổng lồ”./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch

 Nguồn: Asia Times

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *