Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN 

Ngày 10/2, hơn một tháng sau vụ bạo loạn Điện Capitol (hôm 6/1), Thượng nghị sĩ Cộng hoà Mitt Romney tới Điện Capitol, tham dự phiên toà luận tội nhằm xác định cựu Tổng thống Donald Trump có phải chịu trách nhiệm về vụ việc hay không. Giống như 99 đồng nghiệp khác trong bồi thẩm đoàn (Thượng viện), ông Romney cân nhắc những tranh luận từ nhóm đại diện Hạ viện và nhóm pháp lý của ông Trump. Và cuối cùng ông bỏ lá phiếu khẳng định ông Trump có tội, giống như đã làm vậy ở phiên toà luận tội lần thứ nhất vào năm 2020.

Cùng với Mitt Romney, 6 Thượng nghị sĩ Cộng hoà khác – Richard Burr, Bill Cassidy, Susan Collins, Lisa Murkowski, Ben Sasse, và Pat Toomey – đã bỏ phiếu kết tội cựu Tổng thống Trump. Nhưng đại đa số các Thượng nghị sĩ Cộng hoà lại không làm vậy. Kết quả, Thượng viện đã bỏ phiếu với chênh lệch 57-43, thiếu 10 phiếu để kết tội ông Trump.

Ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ duy nhất trong lịch sử bị luận tội hai lần và cả hai lần đều thoát tội. Kết quả đó cho phép ông tự do tranh cử vào Nhà Trắng một lần nữa, nhưng không có nghĩa là mọi rắc rối đã qua.

Ít nhất 2 cuộc điều tra cấp bang nhằm vào cựu Tổng thống thứ 45 vẫn đang được tiến hành, một tại New York liên quan đến tài chính; và một tại bang Georgia liên quan đến những nỗ lực của ông nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.

“Tổng thống Trump vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi việc ông ấy đã làm khi còn đương chức, như một công dân bình thường”, lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell phát biểu sau khi bỏ phiếu không kết tội ông Trump. Ông cho rằng hệ thống tư pháp hình sự và kiện tụng dân sự là nơi ông Trump sẽ chịu trách nhiệm. “Ông ấy vẫn chưa thoát khỏi bất cứ điều gì”, TNS McConnell nói.

Chú thích ảnh
Người biểu tình xông vào Điện Capitol ngày 6/1/2021. Ảnh: AP

Theo CNN, khi không còn sự bảo vệ dành cho một tổng thống, ông Trump hiện đang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra hình sự, thẩm vấn dân sự và cả các vụ kiện từ hai phụ nữ cáo buộc ông tấn công tình dục.

Vụ kiện về kết quả bầu cử ở Georgia

Các quan chức Georgia thông báo rằng cựu Tổng thống phải đối mặt với hai cuộc điều tra mới về các cuộc gọi mà ông thực hiện với các quan chức bầu cử nhằm lật ngược kết quả bầu cử của bang. Trong số này có một cuộc gọi của ông Trump cho quan chức phụ trách ngoại giao bang Brad Raffensperger, thúc đẩy ông này “tìm” phiếu bầu để lật ngược kết quả bầu cử.

Cuộc điều tra cũng liên quan đến một cuộc gọi của ông Trump vào tháng 12/2020 cho một điều tra viên bầu cử Georgia. Ông Trump được cho là đã yêu cầu điều tra viên “tìm ra kẻ gian lận”, nói rằng quan chức này sẽ là một “anh hùng quốc gia”.

Cuộc điều tra thứ hai ở Georgia đang được tiến hành bởi Văn phòng Biện lý Quận Fulton. Văn phòng này hôm 10/2 cũng đã mở một cuộc điều tra hình sự đối với cựu Tổng thống Trump vì “nỗ lực gây ảnh hưởng đến chính quyền của cuộc tổng tuyển cử bang Georgia năm 2020”.

Bồi thẩm đoàn của Quận Fulton dự kiến sẽ triệu tập sớm nhất là vào tháng 4, và Văn phòng biện lý của quận có thể yêu cầu trát hầu tòa nếu cần thiết vào thời điểm đó.

Giao dịch kinh doanh ở New York

Ông Trump cũng phải đối mặt với một cuộc điều tra hình sự ở New York, nơi văn phòng Biện lý quận Manhattan đang xem xét liệu Trump Organization có vi phạm luật của bang, chẳng hạn như gian lận bảo hiểm, gian lận thuế hoặc các âm mưu lừa đảo khác hay không. Phạm vi điều tra rất rộng, với việc các công tố viên đang xem xét liệu Trump Organization có lừa dối các tổ chức tài chính khi xin vay hoặc vi phạm luật thuế khi tặng một bất động sản tên là Seven Springs và khấu trừ các khoản phí trả cho các nhà tư vấn.

Hiện tại các công tố viên đang chờ phán quyết từ Tòa án Tối cao Mỹ về việc có tiếp tục trì hoãn thực thi trát đòi hầu tòa trong 8 năm liên quan đến bản khai thuế cá nhân và doanh nghiệp của ông Trump và các hồ sơ liên quan từ công ty kế toán của ông hay không.

Nếu Tòa án Tối cao cho phép thực thi trát đòi hầu tòa, điều đó sẽ tạo ra một động lực đáng kể cho cuộc điều tra.

Trong khi đó, Văn phòng Tổng chưởng lý bang New York Letitia James đang tiến hành một cuộc điều tra dân sự về việc liệu Trump Organization có thổi phồng giá trị tài sản của ông để đảm bảo các khoản vay có lợi và bảo hiểm hay không.

Văn phòng Tổng chưởng lý đã phế truất Eric Trump, Phó chủ tịch điều hành của Trump Organization, vào tháng 10/2020. Cuộc điều tra của Letitia James là dân sự vào thời điểm này nhưng có thể trở thành điều tra hình sự.

Chú thích ảnh
Ông Trump đối mặt cáo buộc kích động bạo loạn ở Washington D.C hôm 6/1/2021. Ảnh: AP

Cuộc bạo loạn ở Washington, DC

Tại Washington DC, các công tố viên liên bang đang điều tra vụ bạo loạn ngày 6/1 nhằm vào Điện Capitol. Họ khẳng định không ai đứng trên luật pháp và tuyên bố sẽ xem xét vai trò của cựu Tổng thống trong việc kích động bạo lực.

Người đứng đầu Cơ quan Tư pháp Washington DC Karl Racine cũng cảnh báo rằng ông Trump có thể phải đối mặt với các cáo buộc hình sự, nói rằng luật pháp DC nghiêm cấm các tuyên bố “rõ ràng khuyến khích, xoa dịu và… khiến mọi người có động cơ thực hiện bạo lực”.

Ngoài ra, phiên toà luận tội cũng có thể làm tổn thương ông Trump theo nhiều cách khác. Theo tạp chí Time, khi nhóm đại diện Hạ viện thiết lập hồ sơ chi tiết về các hành động của ông trước và sau vụ bạo loạn, họ có thể đã làm suy yếu quyền lực chính trị của ông với đảng Cộng hoà, ngay cả khi có nhiều nhà lập pháp ủng hộ ông.

Một số cuộc thăm dò chỉ ra rằng, ông Trump đã mất sự ủng hộ cho một cuộc chạy đua tranh cử tiềm năng vào năm 2024 sau vụ bạo động.

“Tôi nghĩ ông ấy có thể không bao giờ trở thành Tổng thống Mỹ một lần nữa dựa trên những gì đang diễn ra ngay tại đây”, Thượng nghị sĩ Kevin Cramer, người bỏ phiếu không kết tội, phát biểu khi được hỏi về tương lai chính trị của ông Trump tại đảng Cộng hoà.

Thu Hằng/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *