(kontumtv.vn) – Cục diện cuộc khủng hoảng Ukraine giờ như một ván cờ đang ở vào giai đoạn cuối mà bất kỳ “tay chơi” nào nếu “lỡ bước” cũng phải trả giá đắt.

Thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2- “biến tướng” kéo dài thêm tiếng súng

Thỏa thuận Minsk 2 được “Bộ tứ Normandy”  (gồm Mỹ, Anh, Pháp và Nga) cùng Ukraine thông qua có hiệu lực ngày 15/2 được kỳ vọng sẽ giúp miền Đông Ukraine im tiếng súng.

Tuy nhiên, ngay trước và sau thời điểm thỏa thuận này có hiệu lực, các bên tham chiến tại Ukraine đã “tận dụng từng giây từng phút” để tấn công lẫn nhau.

khung hoang ukraine nam 2015: "co tan" day bat trac hinh 0
Xe tăng quân đội Ukraine vẫn tiến về miền Đông ngay trước thời điểm thỏa thuận ngừng bắn Minsk đạt được hồi tháng 2. Ảnh Reuters

Theo thỏa thuận vừa đạt được tại Minsk giữa 4 nhà lãnh đạo gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức, bắt đầu từ 0h ngày 15/2 (giờ địa phương, tức khoảng 5h sáng ngày 15/2 theo giờ Việt Nam), các bên tham chiến ở miền Đông Ukraine sẽ ngừng bắn và bắt đầu rút các vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến xung đột với khoảng cách đều nhau tối thiểu từ 50-70 km từ đường giới tuyến (quân đội Ukraine rút theo đường giới tuyến hiện nay, lực lượng đối lập theo đường giới tuyến cũ từ ngày 19/9/2014).

Nhưng trong ngày 14/2, chính quyền Kiev và lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine cho biết 7 dân thường cùng 11 binh sỹ Ukraine đã thiệt mạng, hơn 40 người đã bị thương trong các cuộc giao tranh diễn ra trong vòng 24 giờ qua.

Còn trong một tuyên bố trước đó một ngày tại thủ đô Kiev của Ukraine, Tổng thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), ông Lamberto Zannier khẳng định chiến sự vẫn đang tiếp diễn tại khu vực miền Đông Ukraine.

“Tôi thực sự lo ngại khi các hành động đối địch vẫn tiếp diễn giữa hai bên. Chúng tôi hy vọng các cuộc xung đột sẽ chấm dứt khi lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực và tôi cũng mong đợi rằng, xung đột sẽ giảm đi từ nay cho đến thời điểm lệnh ngừng bắn có hiệu lực”.

Tình hình sau đó không có vẻ gì là sẽ lắng dịu đi mà còn bùng phát dữ dội hơn. Ngay trong ngày thỏa thuận Minsk có hiệu lực, quân đội Ukraine cho biết các lực lượng của họ đã bị tấn công tới 60 lần trong vài giờ đồng hồ.

Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập tại Lugansk Hennadiy Moskal cũng lên tiếng đã cáo buộc quân đội Kiev nã pháo vào khu vực này: “Quân chính phủ đã nã hàng trăm quả đạn pháo vào khu vực Toshkovka. Ít nhất có khoảng 40 quả tên lửa Grad cũng được bắn ra từ phía các khu vực do quân chính phủ kiểm soát ở Lugansk. Chúng tôi cho rằng, chính phủ đang phá vỡ thỏa thuận Minsk”.

Tình trạng “lời qua tiếng lại” đổ lỗi cho nhau vi phạm thỏa thuận Minsk liên tục diễn ra không chỉ giữa các bên trực tiếp tham chiến ở miền Đông Ukraine mà còn giữa Nga và phương Tây- hai thế lực đứng về hai phía trong cuộc chiến này.

Cả hai bên đều liên tục kêu gọi bên còn lại gây sức ép buộc các bên tham chiến phải tuân thủ thỏa thuận Minsk và coi đó là điều kiện tiên quyết để có được hòa bình tại miền Đông Ukraine.

Cho đến cuối năm 2015, dù thỏa thuận Minsk về cơ bản đã được cả phe đối lập và quân Chính phủ Ukraine thực hiện khi các bên đã rút hầu hết số vũ khí hạng nặng ra khỏi giới tuyến như cam kết, vẫn chưa có gì đảm bảo thỏa thuận Minsk sẽ được tuân thủ triệt để và tình trạng im tiếng súng vẫn có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào.

Chính vì thế, nhiều chuyên gia nhận định, thay vì phục vụ mục đích đem lại hòa bình cho miền Đông- thỏa thuận Minsk đáng buồn thay đã “biến tướng” thành “quân bài” để các bên phục vụ mục đích riêng của mình.

Diễn biến căng thẳng trên chiến trường miền Đông Ukraine không chỉ được phản ánh rõ nét ở khía cạnh quân sự mà còn ở các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Nga và phương Tây áp đặt lẫn nhau.

Cuộc chiến của các lệnh trừng phạt: Không ai được lợi

Kể từ tháng 3/2014, Mỹ và các nước phương Tây đã liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt Nga với cáo buộc Nga có liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Về cơ bản, các lệnh trừng phạt đối với Nga chủ yếu tập trung vào ngành năng lượng, công nghiệp quốc phòng và tài chính, ba trụ cột chính của nền kinh tế Nga với ba mục đích: làm kiệt quệ nền kinh tế Nga, cô lập Nga trên trường thế giới và trong trường hợp có thể là thay đổi chế độ tại nước Nga.

khung hoang ukraine nam 2015: "co tan" day bat trac hinh 2
Cả Mỹ và Nga đều “thấm” đòn trừng phạt của nhau. Ảnh minh họa AP

Các lệnh trừng phạt này đã được Mỹ và các nước phương Tây liên tục mở rộng, kéo dài thời hạn và không chỉ nhằm vào các tổ chức, cá nhân của Nga mà còn cả các tổ chức cá nhân mà Mỹ và phương Tây cho là có liên quan đến cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.

Cũng giống như cục diện trên chiến trường miền Đông, tình trạng “ăn miếng trả miếng” cũng diễn ra gay gắt giữa Nga và phương Tây liên quan đến các lệnh trừng phạt mà hai bên áp đặt lẫn nhau.

Mỗi khi Mỹ và EU công bố bất kỳ một lệnh trừng phạt nào, giới chức Nga cũng đều lên tiếng rằng, các lệnh trừng phạt này “sẽ không ảnh hưởng gì đến Nga” hoặc thậm chí “đang làm lợi cho Nga” và không quên cảnh báo “Mỹ và EU đang tự bắn vào chân mình”.

Tuy không nói ra, nhưng cả Mỹ, EU và Nga đều “thấm” những đòn trừng phạt kinh tế của nhau. Trong khi Nga phải loay hoay tìm nguồn cung cho số dầu mỏ, khí đốt và vũ khí của mình và chấp nhận những “thua thiệt” với các đối tác thì trong lòng châu Âu và trong chính giới Mỹ cũng không thiếu những tiếng nói yêu cầu Mỹ và EU dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga và tìm cách “tái khởi động lại quan hệ”.

“Cuộc chiến lệnh trừng phạt” vì thế cũng đang trong thế giằng co và sẽ kéo dài ít nhất đến giữa năm 2016 thời điểm các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga hết hiệu lực.

Nhiều chuyên gia lạc quan cho rằng, đây sẽ là thời điểm mang tính quyết định tới cuộc khủng hoảng Ukraine khi các bên đã “quá mỏi mệt với cuộc chiến dai dẳng mà không ai được lợi này”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cảnh báo, cuộc chiến lệnh trừng phạt này có thể kéo dài “sang năm thứ 3 hoặc hơn nữa” nếu các bên vẫn “giữ thái độ cứng rắn của mình” và “không chịu xuống thang như suốt gần 2 năm qua”.

Ukraine đang đi  trên dây trong thế “cờ tàn”

Trong thế trận giằng co ấy, cả Mỹ, châu Âu và Nga đều theo dõi “nhất cử nhất động” của Ukraine và Chính phủ Ukraine hiểu rõ rằng, chỉ một “sơ sẩy” dù là nhỏ nhất thì hậu quả sẽ là khôn lường.

khung hoang ukraine nam 2015: "co tan" day bat trac hinh 4
Tổng thống Ukraine Poroshenko trong “ván cờ chính trị” đầy bất trắc. Ảnh Reuters

Có thể nói, “cuộc Cách mạng Cam phiên bản 2.0” của Chính phủ thân phương Tây ở Ukraine đã thất bại nặng nề. Châu Âu chưa sẵn sàng đón nhận Ukraine và cũng có quá nhiều vấn đề khác phải quan tâm như cuộc khủng hoảng người di cư và khủng bố nêu cũng không thể hỗ trợ cho Chính phủ Ukraine như họ đã cam kết.

Trong khi đó, Mỹ đang sa lầy vào cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq và dường như đã “tạm quên vấn đề Ukraine”. Dù có đôi lần lên tiếng trấn an Chính phủ của Tổng thống Poroshenko nhưng cho đến nay, những gì mà Ukraine nhận được từ Mỹ là quá ít ỏi.

Đổi lại, Ukraine lại phải chấp nhận quá nhiều mất mát, đất nước chia năm xẻ bảy, nội chiến diễn ra liên miên và miền Đông chỉ mới vừa im tiếng súng. Ngay trong Chính phủ Ukraine cũng đã có những bất đồng liên quan đến cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay và thậm chí đã có những cuộc đụng độ thực sự giữa giới chức nước này về vấn đề trên.

Việc Nga lên tiếng cảnh báo sẽ kiện Ukraine ra tòa nếu không trả khoản vay 3 tỷ USD mà nước này nợ Nga đã khiến Ukraine “khó càng thêm khó” bởi việc tuyên bố “vỡ nợ” đối với khoản vay này cũng đồng nghĩa với việc các chủ nợ quốc tế, trong đó có IMF rất khó có thể tiếp tục cung cấp gói cứu trợ tài chính cho Ukraine và sẽ khiến nền kinh tế Ukraine suy sụp.

Như vậy, có thể nói, năm 2014, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang ở giai đoạn khai cuộc và trung cuộc với nhiều diễn biến căng thẳng kịch tính thì trong năm 2015, cục diện tại đây đã bước sang giai đoạn cờ tàn và các “tay chơi” đã buộc phải có những toan tính thiệt hơn cho mình.

khung hoang ukraine nam 2015: "co tan" day bat trac hinh 6
Ván cờ Ukraine đã đến hồi tàn và các “tay chơi” đều đang phải cân nhắc kỹ lưỡng từng bước đi của mình. Ảnh AP

Trong giai đoạn này, mỗi “nước đi” của các bên đều có ý nghĩa then chốt tới kết cục cuối cùng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, dù kết cục có thế nào, không khó để nhận ra Ukraine đang “thiệt đơn thiệt kép” sau “trận cờ” này./.

Trần Khánh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *