(kontumtv.vn) – Sẽ là một thách thức lớn cho Liên Hợp Quốc trong việc giám sát các điều khoản của lệnh ngừng bắn tại Syria.

Mỹ và Nga hôm 22/2, thông báo đã đạt được thỏa thuận về các điều khoản cho lệnh ngừng bắn tại Syria. Thỏa thuận này đạt được sau nhiều tuần ngoại giao căng thẳng với sự tham gia của 17 quốc gia, bao gồm Mỹ, một số nước Liên minh châu Âu và Arab, Nga cùng với Iran.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, với những điều kiện hiện nay của Syria thì lệnh ngừng bắn có được thực thi hiệu quả hay không vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ.

lenh ngung ban syria lieu co kha thi? hinh 0
Thời hạn thực thi thỏa thuận ngừng bắn đã cận kề, trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS lên tiếng nhận trách nhiệm về hàng loạt vụ đánh bom hôm Chủ nhật vừa qua (Ảnh CBS).

Thông báo chung của Nga và Mỹ tuyên bố, các bên sẽ dừng các hoạt động không kích, giao tranh từ 27/2 tới. Thỏa thuận đã chính thức được xác nhận trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 22/2.

Theo các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn, lực lượng trung thành với chính phủ Syria phải dừng các vụ tấn công, Nga cũng phải chấm dứt không kích “các nhóm đối lập vũ trang” tại Syria, được các bên tham gia lệnh ngừng bắn công nhận và gửi cho phía Nga hoặc Mỹ. Đổi lại, lực lượng đối lập Syria phải dừng việc sử dụng tất cả các vũ khí nhằm vào quân đội chính phủ cũng như lực lượng liên quan.

Thỏa thuận này có thể là một cơ hội giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua tại Syria, cũng như ngăn chặn dòng người tị nạn kéo đến các nước châu Âu. Lãnh đạo nhiều nước đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận này.

Tuy nhiên dư luận vẫn hoài nghi về tính hiệu quả của thỏa thuận này sau khi một thỏa thuận ngừng bắn được lên kế hoạch trước đó cũng đã thất bại. Lệnh ngừng bắn đưa ra vào thời điểm lực lượng đối lập Syria đang yếu thế gần đây, sau khi mất kiểm soát một số khu vực.

Thỏa thuận không áp dụng đối với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các thành viên Mặt trận al-Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qeada. Chính vì vậy mơ ước về một Syria ngừng tiếng súng sẽ khó có thể xảy ra, khi trong tuần qua IS đã thực hiện hàng loạt các vụ tấn công tại Syria làm hơn trăm người thiệt mạng.

Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Jan Eliasson thừa nhận, sẽ là một thách thức lớn cho Liên Hợp Quốc trong việc giám sát các điều khoản của lệnh ngừng bắn tại Syria: “Nếu có một lệnh ngừng bắn nhưng không bao gồm các khu vực lãnh thổ do IS kiểm soát sẽ là một thách thức lớn đối với Liên Hợp Quốc. Tình hình hiện nay tại Syria cũng thực sự phức tạp”.

Thỏa thuận ngừng bắn cũng cho phép các bên tiếp tục cuộc chiến chống IS tại Syria. Vì vậy, nếu bất cứ bên nào có tính toán sai lầm hay lợi dụng danh nghĩa cuộc chiến chống IS để thực hiện chiến dịch quân sự của mình cũng có thể khiến thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ.

Các chuyên gia phân tích cũng lo ngại rằng, còn 5 ngày trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Các bên sẽ tận dụng cơ hội này để thực hiện chiến dịch quân sự cuối cùng mở rộng phạm vi lãnh thổ kiểm soát trước khi dừng hoạt động vào thứ 7 tới.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh, những thách thức trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được: “Sẽ là rất khó khăn để thực hiện thỏa thuận. Chúng tôi biết rằng có nhiều rào cản và sẽ có những bước thụt lùi. Sau nhiều năm, chúng tôi đang cố gắng đạt được một giải pháp ngoại giao để giải quyết các vấn đề tại quốc gia này. Tuy nhiên, đây là cơ hội và kết quả cho những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của tất cả các bên liên quan”.

Mặc dù vậy, giới quan sát cũng khá lạc quan khi cho rằng, Nga và Mỹ sẽ không đưa ra tuyên bố chung nếu hai nước không chắc chắn về khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ của tất cả các bên liên quan, bao gồm chính phủ Syria, lực lượng đối lập đối với thỏa thuận ngừng bắn này.

Không giống với lệnh ngừng bắn trước đó, Nga và Mỹ cũng đã nhất trí hành động như là một bên giám sát và hướng dẫn trực tiếp đối với lệnh ngừng bắn. Cả Nga và Mỹ cho biết sẽ đưa ra biện pháp giám sát lệnh ngừng bắn, bao gồm việc sử dụng một đường dây nóng giữa hai bên.

Ngoài ra, chưa biết hiệu quả việc thực hiện lệnh ngừng bắn sẽ giúp giảm tình trạng bạo lực tại quốc gia này như thế nào, nhưng thỏa thuận chắc chắn sẽ thúc đẩy điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo tại Syria./.

 Phạm Hà/VOV- Trung tâm TinTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *