(kontumtv.vn) – Lệnh trừng phạt nhằm gây khó khăn cho Nga, nhưng chính EU và phương Tây cũng chịu những thiệt hại kinh tế hệ lụy.

Ngày 29/7, Liên minh châu Âu và Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào ngành năng lượng, ngân hàng và quốc phòng của Nga. Đây là phản ứng mạnh mẽ nhất mang tầm quốc tế đối với Nga sau những động thái được cho là ủng hộ lực lượng đối lập Ukraine của nước này.

Lệnh trừng phạt- một mũi tên trúng 2 đích

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính của Nga, với việc ngừng xuất khẩu, đóng băng các khoản tín dụng khuyến khích xuất khẩu sang Nga, cũng như cung cấp tài chính cho các dự án phát triển kinh tế của Nga.

Tổng thống Mỹ Obama công bố trước báo giới những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, ngày 29/7 (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, chính quyền Nga vẫn tỏ ra “cứng cỏi” tuyên bố rằng, các lệnh “cấm vận” hay biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây không có tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga, và không khiến Moscow thay đổi chính sách. Reuters ngày 30/7 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin nói: “Sử dụng các đòn trừng phạt để đáp trả Nga là vô nghĩa. Lệnh cấm vận thậm chí còn có thể khiến chúng tôi đoàn kết hơn, giúp nước Nga xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ hơn cũng như một xã hội lành mạnh và thực tế hơn”.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng, các đòn trừng phạt mới của EU và Mỹ vừa công bố sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế vốn còn bấp bênh của Nga. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Moscow cho rằng “các lệnh trừng phạt mới sẽ không chỉ tác động vào nền kinh tế Nga”, mà còn ảnh hưởng tới EU, khối gồm 28 thành viên, tuy có những tín hiệu vui tăng trưởng nhưng còn rất chật vật.

Trả lời phỏng vấn của VOV, ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, một nhà nghiên cứu quốc tế nhận định: “Đây là con dao 2 lưỡi”, các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích gây sức ép và kiềm chế Nga, nhưng chính kinh tế Mỹ và EU cũng sẽ có hệ lụy tiêu cực từ hành động này. Kinh tế các nước phương Tây, đặc biệt là châu Âu cũng phải hứng chịu các hậu quả của các biện pháp trừng phạt Nga.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đăng Phát, các biện pháp trừng phạt vừa đưa ra rất khốc liệt, nặng nhất đối với Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Thực tế, buôn bán giữa Nga- châu Âu nhiều gấp 10 lần buôn bán giữa Mỹ- Nga. Nên châu Âu chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Nga là bạn hàng lớn thứ 3 của châu Âu, và là nhà cung cấp năng lượng chủ yếu cho châu Âu.

Hiện có nhiều phân tích và dự báo khác nhau về ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt kinh tế này. Vì công nghệ và thiết bị kỹ thuật của châu Âu rất cần thiết cho việc khai thác các mỏ dầu khó ở thềm lục địa ở Bắc cực của Nga. Do những lệnh cấm vận, dự báo, sản lượng dầu mỏ của Nga có thể bị giảm 5-10%, tức là giảm 26-52 triệu tấn dầu thô/năm. Dự báo trong năm nay, Nga bị thiệt hại kinh tế khoảng 23 tỷ euro, chiếm khoảng 1,5% GDP. Sang năm 2015, thiệt hại kinh tế khoảng 75 tỷ, khoảng 4,4% GDP (Ngân sách của Nga hàng năm khoảng 300 tỷ euro).

Cựu Bộ trưởng Kinh tế Nga Yevgeniy Yasin, Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Trường Kinh tế phát biểu trên Đài phát thanh “Tiếng vọng Moscow” rằng việc nhập khẩu các công nghệ tiên tiến bị hạn chế sẽ khiến nền kinh tế hứng chịu nhiều thiệt hại. Kéo theo đó là không ít trở ngại trong lĩnh vực năng lượng.

Mặt khác, ông Nguyễn Đăng Phát nhận định, một điều đáng nói là Mỹ khi áp dụng các chính sách trừng phạt này là “bắn đi một mũi tên với 2 mục tiêu: Nga gặp khó khăn và EU cũng gặp khó khăn. Đó chính là cơ hội cho Mỹ và các công ty của Mỹ”. Ước tính, EU bị thiệt hại khoảng 40 tỷ euro trong năm nay và khoảng 50 tỷ euro trong 2015.

Những doanh nghiệp Đức, Italy, những nước có quan hệ thương mại đầu tư lớn với Nga sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất. Ví dụ cổ phiếu của Hãng ADIDAS của Đức ngày 31/7 đã giảm giá 15% khi mà Hãng này dự báo là giảm sút lợi nhuận và sẽ đóng cửa một loạt các cửa hàng của họ ở Nga.

Điều gì đằng sau nỗ lực cô lập Nga bằng các biện pháp kinh tế?

Lý do trực tiếp nhất khi EU và Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt là đổ lỗi cho rằng Nga chưa sẵn sàng tìm cách làm giảm căng thẳng ở Ukraine và chưa sẵn sàng hợp tác để điều tra vụ MH17. Song, nguyên nhân sâu xa, theo ông Nguyễn Đăng Phát nhận định, chính sách này nhằm mục đích kiềm chế Nga, làm suy yếu Nga, và phục hồi các mục tiêu chính trị. “Và đó cũng là chính sách cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực kinh tế”.

Ông Nguyễn Đăng Phát nói: “Đây không phải là động thái mới của phương Tây. Trước đây họ vẫn sử dụng các chính sách này đối với những nước có chính sách tương đối độc lập và không đi theo họ”.

Tổng thống Nga Putin họp nội các ở ngoại ô Moscow bàn biện pháp đối phó với lệnh trừng phạt mới, ngày 30/7 (Ảnh: AP/Ria)

Theo giới phân tích, các nhà lãnh đạo Nga và dư luận Nga cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Phương Tây không thể khiến Nga thay đổi chính sách của mình. Nga từ lâu biết rõ rằng, Mỹ luôn tìm cách kiềm chế Nga. Do đó lập trường của Nga về vấn đề Kiev sẽ không thay đổi. Mặt khác Nga cũng có thể đưa ra những biện pháp đáp trả.

Trong động thái trả đũa mới nhất, ngày 30/7, Nga đã cấm nhập khẩu các loạt trái cây và rau quả từ Ba Lan và nhấn mạnh lệnh cấm sẽ được mở rộng sang EU.

Các chuyên gia kinh tế của Nga cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu không phải là thảm họa đối với nền kinh tế của Nga. Ông Alexei Devyatov – nhà kinh tế trưởng tại URALSIB của Nga cho biết: “Các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu không phải là thảm họa đối với nền kinh tế Nga. Tại thời điểm này, vẫn chưa có sự chắc chắn đối với các công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt và các giao dịch sẽ bị hạn chế” .

Hiện nay tổng kim ngạch xuất khẩu của EU vào Nga là khoảng 120 tỷ euro, trong đó Đức chiếm khoảng 36 tỷ, Italy khoảng 11 tỷ và tiếp đó là Anh, Ba Lan, Thụy Điển và các nước Baltic. Hiện nay Nga tiêu tụ đến 75% các sản phẩm đồ uống, thuốc lá và khoảng 30% hàng nông sản của Litva. Vì vậy, nếu xảy ra phản ứng từ phía Nga thì Litva sẽ là nước bị tác động đáng kể.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Đăng Phát, nhìn chung, kinh tế châu Âu thời gian gần đây hồi phục và đang có nhịp độ tăng trưởng, nên có thể nói, kinh tế châu Âu sẽ ít bị thiệt hại hơn kinh tế Nga khi cũng phải chịu tác động của những lệnh cấm vận này.

Ông Nguyễn Đăng Phát nói: “Chính sách trừng phạt của Mỹ sẽ đẩy mối quan hệ Nga- Mỹ vốn khó khăn từ lâu nay sẽ đi vào chỗ bế tắc. Một số nhà lãnh đạo Nga cho rằng, Mỹ đã đưa quan hệ Mỹ- Nga trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Quan hệ giữa Nga- EU có thể cũng căng thẳng nhưng sẽ dịu hơn. Giới chính trị và kinh doanh ở châu Âu thấy rằng, họ sẽ chịu thiệt hại nếu cứ tiếp tục theo Mỹ, đẩy mối quan hệ với Nga tới tình trạng xấu đi và xấu thêm nữa”./.

Bích Đào/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *