(kontumtv.vn) – Theo TTK LHQ, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine có thể tiếp tục ‘làm chệch hướng’ hành động khí hậu khi nhiều nước tìm cách nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

LHQ canh bao the gioi dang “tho o” voi tham hoa khi hau hinh anh 1
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo thế giới đang “thờ ơ với thảm họa khí hậu” trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và sự thiếu ý chí chính trị đang cản trở nỗ lực của con người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trong một thông điệp bằng video phát trước Hội nghị bền vững do tờ The Economist tổ chức tại London (Anh), ông Guterres cho biết mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đang “trôi qua.”

Để tránh được những tác động ghê gớm nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu, thế giới phải giảm gần 50% khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và đạt mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này.

Tuy nhiên, ngay cả các quốc gia tuân thủ những cam kết mới được sửa đổi theo Hiệp định Paris, lượng khí thải dự kiến vẫn tăng 14% trước khi thập niên này kết thúc.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres nhấn mạnh: “Vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta đang thờ ơ với thảm họa khí hậu.”  Ông Guterres cảnh báo nếu tiếp tục như hiện nay, thế giới có thể không đạt được mục tiêu 1,5 độ C, thậm chí mục tiêu 2 độ C có lẽ còn xa vời.

Ông Guterres cho rằng tốc độ phục hồi khỏi dịch COVID-19 “không đồng đều một cách đáng lo ngại” và thế giới bỏ lỡ cơ hội để tăng tốc chuyển hướng sang năng lượng sạch. Cũng theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine có thể tiếp tục “làm chệch hướng” hành động khí hậu khi nhiều nước tìm cách nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cũng như tìm nguồn cung thay thế dầu mỏ và khí đốt của Nga.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cũng lưu ý Australia đã không đưa ra được những kế hoạch hiệu quả trong ngắn hạn để giảm khí thải. Nhu cầu phát triển và cơ cấu kinh tế của Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, cũng như các nền kinh tế đang nổi khác ngăn các nước này thực hiện những cam kết tương tự, nhất là về than đá.

Các quốc gia phát triển nên hỗ trợ tài chính, công nghệ và bí quyết để giúp các nền kinh tế đang nổi loại bỏ việc sử dụng than đá. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) phải loại bỏ than đá vào năm 2030 và tất cả các nước khác vào năm 2040.

Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 tuần để thông qua báo cáo mang tính bước ngoặt về các biện pháp giảm khí thải carbon và tách CO2 từ không khí./.

Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *