(kontumtv.vn) – Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành các cuộc đàm phán thương mại ở cấp Thứ trưởng trong hai ngày 22 và 23/8 tại thủ đô Washington của Mỹ.

Vòng đàm phán diễn ra trong bối cảnh các biện pháp thuế quan của Mỹ nhằm vào lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD sẽ có hiệu lực vào ngày 23/8. Phía Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ sẽ áp mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có tổng trị giá tương tự. Các biện pháp trả đũa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ còn gây nên những hậu quả lớn hơn cho hai nước, cũng như tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Xung quanh chủ đề này, Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ có cuộc phỏng vấn chuyên gia Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tại Tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge.

PV: Liệu hai bên có đạt được bước đột phá nào hay ít nhất đạt được 1 thỏa thuận khung nào đó trong lần đàm phán này hay không thưa ông?

Chuyên gia Anthony: Tôi cho rằng sẽ khó có đột phá đáng kể tại vòng đàm phán này. Đây là vòng đàm phán cấp thấp do đó các thành viên tham gia không có khả năng quyết định các thỏa thuận lớn cho chính phủ của mình. Ngoài ra, đoàn đàm phán của Mỹ do bộ Tài chính dẫn đầu, cơ quan thường có thiện cảm đối với Trung Quốc hơn là các bộ phận khác trong chính quyền của tổng thống Trump. Khả năng vòng đàm phán này đạt được có thể là thiết lập một số khung cho các điều khoản đàm phán mà hai bên có thể trình lên lãnh đạo ở các cấp cao hơn mà sau đó có thể được sử dụng làm nền tảng cho các cam kết và đề xuất sau này.

lieu dam phan co ha nhiet duoc cang thang m va trung quoc hinh 1
PV VOV phỏng vấn chuyên gia Anthony. 

Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu hai bên đạt được một thỏa thuận chính thức ví dụ như một Biên bản ghi nhớ tại vòng đàm phán này. Tôi cho rằng hai bên sẽ nêu rõ các quy tắc cũng như đề xuất các điểm mà mình cho là cần thiết và có thể cam kết để sau đó trình lên lãnh đạo của mình. Để thực sự đạt được đột phá quan trọng thì theo tôi cần phải có sự can thiệp cá nhân của cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có gì trong lịch trình giữa hai bên cho đến tháng 11 tới.

PV: Sau một loạt các động thái đánh thuế trả đũa lẫn nhau thì dường như Trung Quốc đã chủ động muốn đàm phán với Mỹ, vậy theo ông Trung Quốc sẽ có nhượng bộ đối với Mỹ hay không?

Chuyên gia Anthony: Trung Quốc có nhiều hơn để mất vì đây là nước có xuất siêu lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng biết rằng tháng 11 tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ do đó họ muốn đợi xem dư luận Mỹ sẽ ra sao. Đây sẽ là một thông số để Trung Quốc cân nhắc sẽ cần cam kết như thế nào tại thời điểm đó. Do đó việc đàm phán có ý nghĩa rất quan trọng đối với Trung Quốc, tuy nhiên họ sẽ đợi xem vai trò của Tổng thống Trump có bị yếu đi sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hay không hay những người ủng hộ ông Trump có tiếp tục ủng hộ các chiến lược của ông hay không.

Cuộc bầu cử tháng 11 tới có thể sẽ cho biết Mỹ sẽ tiếp tục chính sách của mình ra sao, tuy nhiên theo các chỉ số mà chúng tôi có được cho tới nay, tổng thống Trump cho rằng đây là một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ và ông muốn Trung Quốc có những điều chỉnh lớn trong cách điều hành nền kinh tế của mình. Phía Mỹ đưa ra nhiều yêu cầu khó thực hiện đối với Trung Quốc do đó mà các bất đồng cũng như vấn đề thuế quan sẽ còn kéo dài trong thời gian dài.

PV: Mặc dù hai bên đang tiến hành đàm phán nhưng ông có nghĩ Tổng thống Trump sẽ tiếp tục đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc hay không? Theo ông thì triển vọng đối thoại để giải quyết vấn đề thuế quan giữa hai bên sẽ thế nào?

Chuyên gia Anthony: Tôi cho rằng Tổng thống Trump sẽ tiếp tục đánh thuế đối với hàng hóa Trug Quốc. Có thể sẽ có một số miễn trừ theo như kết quả của một số cuộc điều trần của Đại diện thương mại Mỹ trong tuần. Tuy nhiên, kịch bản có thể nhất đó là các biện pháp đánh thuế sẽ tiếp tục trong khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn.

PV: Theo ông thì việc Tổng thống Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có mục đích gì khác ngoài việc giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước?

Chuyên gia Anthony: Tổng thống Trump chắc chắn muốn giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tuy nhiên ông và các cố vấn của mình cũng hy vọng rằng nhiều doanh nghiệp và các nhà sản xuất sẽ quay lại Mỹ. Việc gây sức ép đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu Mỹ đồng thời tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc và chi phí giao thương với Trung Quốc sẽ giúp Mỹ thâu tóm lại một số doanh nghiệp. Thời gian sẽ chứng minh chính sách này có thành công hay không và người tiêu dùng Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Tôi cho rằng chính quyền tổng thống Trump lo ngại Trung Quốc là đối thủ địa chính trị đáng gờm của Mỹ trong một số vấn đề như biển Đông và kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng do đó đã chọn kinh tế là lĩnh vực chính trong đối trọng với Trung Quốc và đây cũng là mặt quan trọng nhất trong quan hệ của chính quyền tổng thống Trump.

Có nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump trong vấn đề thuế quan với Trung Quốc tuy nhiên cũng có sự phản đối và không hài lòng từ các tập đoàn và người nông dân Mỹ, những người cho rằng đây là một quyết định có ảnh hưởng lâu dài tới việc làm ăn của họ. Thậm chí Phòng Thương mại Mỹ và một số các nhà tài trợ lớn cho đảng Cộng hòa đã có những mâu thuẫn với đảng này trong vấn đề thuế quan với Trung Quốc. Kể cả việc cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới không có một ảnh hưởng tức thời và đáng kể thì cũng sẽ có những thay đổi về lâu dài trong chính giới Mỹ bởi đảng Cộng hòa bắt đầu thay đổi trong chính sách truyền thống thân thiện với doanh nghiệp của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Phạm Huân/VOV-Washington

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *