(kontumtv.vn) – Mỹ sẽ trừng phạt Nga vì can thiệp bầu cử, song những trừng phạt này cũng gây tổn hại ngược lại chính nền kinh tế Mỹ và lợi ích của các đồng minh Mỹ.

Mỹ muốn ngăn chặn việc Nga can thiệp bầu cử là điều dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Nga vẫn luôn bác bỏ cáo buộc can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, với chiến thắng đã đưa ông Donald Trump lên nắm quyền. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa và Chris Van Hollen của đảng Dân chủ đã đề xuất dự luật Bảo vệ các cuộc bầu cử khỏi những đe dọa bằng cách thiết lập các giới hạn đỏ (DETER), vốn đang rất được quan tâm tại Quốc hội Mỹ. Theo đó, dự luật này sẽ tự động trừng phạt một loạt công ty và các lĩnh vực của Nga nếu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) xác định có sự can thiệp của Moscow vào các cuộc bầu cử của Mỹ trong tương lai.

my choi dao hai luoi khi gia tang trung phat nga hinh 1
Mỹ chơi “dao hai lưỡi” khi gia tăng trừng phạt Nga. Ảnh:NBC News

“Con dao hai lưỡi”

Không có gì đáng ngạc nhiên khi dự luật DETER đang thu hút sự quan tâm lớn. Nếu được ban hành và được thực thi khi CIA xác định có sự can thiệp bầu cử, thì việc Moscow hứng chịu thêm các trừng phạt là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt này sẽ là “con dao hai lưỡi”, gây tổn hại ngược lại chính nền kinh tế Mỹ và lợi ích của các đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, trừng phạt Nga là điều không hề dễ dàng, thậm chí Nga vẫn có thể “bình an vô sự”.

Dự luật DETER đánh vào điểm yếu của Nga- là những lĩnh vực năng lượng hay các thị trường tài chính vốn đã hứng chịu những biện pháp trừng phạt trước đây của Mỹ và EU. Trong đó, cấm các công ty của Mỹ làm ăn với những đối tác Nga.

Nói là trừng phạt, song động thái của Mỹ lại giúp Nga mở cánh cửa làm ăn với Trung Quốc và các đối thủ của châu Âu. Tệ hơn hết, các trừng phạt theo DETER có thể gây tổn hại ngược lại các lợi ích của Mỹ, với sự tổn thương lớn hơn là gây ra cho các lợi ích của Nga. Với những lệnh trừng phạt mới, các doanh nghiệp Nga thậm chí hứng chịu ít tác động hơn so với những gì họ đang phải chịu từ các biện pháp trừng phạt hiện nay. Song với các doanh nghiệp Mỹ, họ sẽ buộc phải phá vỡ các liên doanh, rút lại các dự án mới và chịu tổn thất tài chính nặng nề.

Mục tiêu trừng phạt trong dự luật DETER nhắm tới hầu hết các doanh nghiệp nhà nước Nga, trong đó có các ngân hàng và các công ty năng lượng lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, DETER áp đặt ngưỡng thấp hơn khi xác định các mục tiêu “quyền sở hữu nhà nước” để trừng phạt so với các biện pháp trước đây. Theo các ý kiến quan sát, các lệnh trừng phạt mạnh mẽ sẽ nhắm tới Gazprom – nhà cung cấp năng lượng cho một khu vực rộng lớn tại châu Âu. Do đó, châu Âu sẽ bị ảnh hưởng trước tiên khi Nga trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều này rõ ràng là “liều thuốc độc chính trị” với châu Âu, buộc các nhà lãnh đạo khu vực này phải tiếp tục làm việc và thống nhất với đồng minh Mỹ các biện pháp trừng phạt Moscow.

Doanh nghiệp Mỹ chịu đòn

Trong khi đó, các công ty Mỹ sẽ buộc phải rút khỏi hầu hết các liên doanh tại Nga hoặc với các đối tác Nga. Điều này có nghĩa là khi một công ty của Nga mua cổ phần trong bất cứ một dự án nào và ở bất cứ nơi nào trên thế giới, thì các công ty của Mỹ sẽ tự động phải “out”. Các lệnh trừng phạt này thay vì giúp ích cho Mỹ và làm tổn hại Nga, sẽ lại giúp các công ty năng lượng của Nga nắm kiểm soát nhiều hơn trong các dự án và Moscow hiển nhiên sẽ tận dụng điều này làm đòn bẩy chính trị.

Các công ty dầu của Mỹ sẽ thấy mình bị đẩy ra rìa trong các khu vực dầu mỏ quan trọng nhất thế giới đang được thăm dò và khai thác bởi các công ty của Nga. Thế chân Mỹ không ai khác sẽ là các đối tác Trung Quốc. Một viễn cảnh phũ phàng với các công ty Mỹ là các dự án quan trọng được Washington hỗ trợ nhằm giúp châu Âu thoát khỏi phụ thuộc năng lượng vào Nga, như Đường ống xuyên biển Adriatic, sẽ không tránh được ảnh hưởng trực tiếp từ những lệnh trừng phạt, bởi vì công ty của Nga là một cổ đông nhỏ của dự án này.

Giới doanh nghiệp Mỹ trong hàng loạt lĩnh vực sẽ không thoát khỏi tác dụng của trừng phạt. Các công ty Mỹ sẽ không thể vận chuyển hàng hóa trên hệ thống đường sắt của Nga, Boeing không thể làm ăn với các đối tác Nga, Tập đoàn AT&T chuyên cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ hai và là cung cấp dịch vụ điện thoại cố định lớn nhất tại Mỹ sẽ bị cấm sử dụng mạng viễn thông của Nga… Đây chỉ là một số ít những ảnh hưởng nhãn tiền khi Mỹ chơi “con dao hai lưỡi” trừng phạt Nga. Còn phải kể đến thị trường tài chính, hay các công ty Mỹ đang bán hàng tại Nga sẽ không được tiếp cận hệ thống ngân hàng của Nga theo dự luật DETER.

Giới quan sát và các doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng cảnh báo và thể hiện quan ngại sâu sắc nếu DETER được ban hành. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ không có động thái cụ thể nào để trấn an. Hơn thế nữa, DETER hiện có thêm “đối thủ” là dự luật Bảo vệ An ninh Mỹ trước sự gây hấn của Kremlin do Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Bob Menendez đề xuất. Dự luật này sẽ còn mang đến những biện pháp trừng phạt khủng khiếp hơn nhằm vào Moscow, song đồng nghĩa là ảnh hưởng tiêu cực gấp đôi với chính các doanh nghiệp và các lĩnh vực của Mỹ.

Washington chắc chắn sẽ không ngồi yên nếu xác định Nga can thiệp bầu cử. Trừng phạt sẽ là lựa chọn tất yếu, song Quốc hội Mỹ cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng những dự luật mới được đề xuất này. Mỹ cũng phải tính đến những giải pháp giảm nhẹ tác dụng phụ từ những lệnh trừng phạt với chính giới doanh nghiệp và các ngành nghề của mình. Có ý kiến chuyên gia cho rằng, các trừng phạt nên tiếp tục trên phương diện đa phương. Có nghĩa là, Mỹ cần tính đến chiến lược trừng phạt cùng các đồng minh để trừng phạt đạt hiệu quả, trong khi ảnh hưởng được kiềm chế./.

 

Hoàng Lê/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *