(kontumtv.vn) – Kể từ thời cao trào của Chiến tranh Lạnh, Nga chưa bao giờ trở thành trung tâm cuộc tranh cử tổng thống Mỹ ở mức độ như hiện nay.

Từ những chi tiết gây lo ngại về vụ tấn công thư điện tử của ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton, được cho là do Điện Kremlin đứng đằng sau, đến những mối liên hệ rắc rối đáng tò mò của ông Donald Trump với khu vực Liên xô cũ… nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin đã nổi lên như một mối lo ngại an ninh quốc gia hàng đầu đối với Mỹ.

Có thể chúng ta không biết được đầy đủ việc Moscow đang trực tiếp xen vào chiến dịch tranh cử ở Mỹ như thế nào, nhưng giới tinh hoa chính trị Mỹ đang tranh luận ầm ầm về khả năng này. Trong khi đó, những tin đồn về những mối liên hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump với Nga và Ukraine, thậm chí với Điện Kremlin, đã thu hút sự chú ý khi có tiết lộ rằng Paul Manafort (trưởng nhóm vận động tranh cử của Trump vừa từ chức gần đây) có thể đã nhận hơn 12 triệu USD tiền mặt từ các đảng phái thân với cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.

Chiến lược của Putin, Nước Nga, Quan hệ  Nga - Mỹ
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh AP

Tin đồn còn nói rằng hai cố vấn chính sách đối ngoại của ông Trump – gồm Tướng về hưu Michael Flynn và chủ ngân hàng đầu tư Carter Page – đã có những thỏa thuận tài chính với các công ty nhà nước của Nga. Những bình luận của ông Trump – gọi Putin là “một lãnh đạo hùng mạnh, đầy quyền lực”, và kêu gọi người Nga tấn công vào các tài liệu mật khác – là đáng lo ngại nhất. Các quan chức Mỹ cả đương nhiệm và đã nghỉ hưu đều nhận định kiểu can thiệp này của Nga vào nền chính trị Mỹ đang đặt ra một tiền lệ nguy hiểm.

Nhưng tất cả những chuyện này cho thấy một vấn đề sâu sắc hơn đối với an ninh quốc gia Mỹ. Bất chấp những phát ngôn lớn tiếng chỉ trích chính sách đối ngoại kiểu “giương cơ” của Nga hoặc việc Nga công kích Nhà Trắng không hợp tác, dường như không có ứng cử viên nào suy nghĩ nhiều lắm về việc chính sách của Mỹ đối với Nga sau này cần phải như thế nào.

Dù yêu hay ghét Putin, thì Tổng thống Nga và đất nước của ông cũng chẳng thay đổi gì. Moscow là một trong số rất ít chính phủ quyền lực vừa có khả năng và tham vọng thách thức các lợi ích của Mỹ. Vì vậy, rõ ràng Washington cần một chính sách tốt hơn đối với Nga. Nhiệm vụ của Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ là phát triển một cách tiếp cận giúp thúc đẩy các lợi ích quốc gia sống còn của Mỹ trong khi tính đến các mục đích và khả năng của Nga trong khu vực và trên toàn cầu.

Ứng cử viên Donald Trump thường khoe khoang các khả năng của mình như một nhà đàm phán và nhấn mạnh rằng ông sẽ “giữ quan hệ rất tốt” với Tổng thống Nga Putin, cũng như quan hệ Mỹ – Nga sẽ gắn bó keo sơn. Trong khi đó, ứng cử viên Hillary Clinton có quan điểm trái ngược. Bà gọi ông Putin là kẻ hay bắt nạt, thậm chí so sánh ông với Hitler trong cách hành xử với nước láng giềng Ukraine. Bằng cách miêu tả nhà lãnh đạo Nga như vậy, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đang né tránh những câu hỏi khó hơn về việc xác định một quan hệ Mỹ – Nga vốn đang trục trặc ở mức nguy hiểm.

Các nhà hoạch định chính sách, các chính trị gia của Mỹ, cũng như giới chuyên gia Nga đang chuyển hướng sự chú ý từ các lĩnh vực yếu kém sang những lĩnh vực có triển vọng tốt hơn cho Nga. Vai trò của các tin tặc được Nga ủng hộ trong việc tập trung sự chú ý vào tình trạng tham nhũng và đạo đức giả trong lòng các thể chế chính trị cốt lõi của Mỹ chỉ là một ví dụ. Nga cũng đang khai thác quan hệ mật thiết với các đảng cực hữu và cực tả đối lập ở châu Âu để duy trì sự phản đối EU, NATO và hệ thống tài chính toàn cầu do phương Tây điều hành. Bên cạnh đó, sự can thiệp của Nga vào Syria, diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng sâu sắc với phương Tây do vấn đề Ukraine, đã đẩy việc phối hợp với Moscow – nếu không muốn nói là đối tác toàn diện – trở lại cuộc tranh luận của các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu. Đến nay, dù Nga vẫn chưa thể thoát khỏi các lệnh trừng phạt tài chính và thương mại của phương Tây, nhưng một số nhà quan sát của cả hai bên đều đang dự đoán các lệnh trừng phạt này sẽ giảm dần trong năm tới.

Nhưng thành công rõ rệt của Điện Kremlin về những mặt trên không ảnh hưởng nhiều lắm đến nền chính trị Mỹ và thực tế địa chính trị sẽ không thay đổi dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Đến nay, chẳng ứng cử viên nào đưa ra cái gì giống như một chiến lược để xử lý quan hệ Mỹ – Nga, quan hệ mà một trong số họ sẽ phải chịu trách nhiệm sau ngày 20/1/2017.

Còn tiếp…

Thảo Linh/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *