(kontumtv.vn) – Phía Mỹ muốn phân biệt rõ giữa tình báo chính trị và “trộm cướp tài sản trí tuệ”, và gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc.

Bộ Tư pháp Mỹ hôm 19/5 đã công bố cáo trạng đối với 5 quân nhân thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và buộc tội họ đã hack vào mạng lưới của các công ty Mỹ như Westinghouse Electric (điện), hãng Thép Hoa Kỳ, và các công ty khác.
Các sĩ quan Trung Quốc bị Mỹ truy nã. Tài liệu do Bộ Tư pháp Mỹ cung cấp tại họp báo của Bộ trưởng Holder hôm 19/5 (ảnh: AP)
Sự kiện này đánh dấu lần đối đầu trực diện nhất giữa chính quyền Tổng thống Obama và phía Trung Quốc về việc nước này ăn cắp các bí mật doanh nghiệp.

Bản cáo trạng đã nêu tên các thành viên của đơn vị 61398, từng được nhận diện công khai vào năm 2013 là đơn vị mạng đóng tại Thượng Hải của PLA, bao gồm các tin tặc nổi tiếng có “nickname” là UglyGorilla và KandyGoo. Một quan chức cho hay, về mặt điện tử, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và các cơ quan tình báo Mỹ đã dò được các hoạt động của các hacker này. Họ xác định được các hacker nằm bên trong tổng hành dinh của mình ở đường Datong – một tòa nhà quân sự cao 12 tầng được canh phòng cẩn mật gần sân bay Thượng Hải.

Động thái trên của Bộ Tư pháp Mỹ được cho là sẽ chỉ mang tính biểu tượng bởi lẽ gần như không có cơ may phía Trung Quốc sẽ chịu giao nộp các quân nhân PLA có tên trong cáo trạng.

Theo cáo trạng, kể từ năm 2006 và cả tháng vừa rồi, đơn vị tin tặc nói trên đã xâm nhập các mạng lưới của các công ty Mỹ, sao chép có hệ thống các email của họ và trong một vài trường hợp còn cài cả phần mềm độc hại vào các máy tính của các công ty này.

Bản luận tội cho rằng “các hãng Trung Quốc đã sử dụng cùng một đơn vị quân đội của PLA” để xây dựng một “cơ sở dữ liệu mật lưu trữ các thông tin tình báo doanh nghiệp”. Trong một trường hợp cụ thể, các hacker đã đột nhập vào mạng lưới của hãng Westinghouse để nắm được chiến lược đàm phán của công ty này với một doanh nghiệp sở hữu nhà nước của Trung Quốc. Trong vụ này, các tin tặc Trung Quốc đã ăn cắp xấp xỉ 700.000 trang email, bao gồm một số thư điện tử của ban lãnh đạo công ty.

Sau khi nhân vật Edward Snowden tiết lộ việc nước Mỹ theo dõi tình báo đối với Trung Quốc, dường như nỗ lực của Bộ Tư pháp Mỹ là nhằm phản đòn gỡ gạc lại cho Mỹ và lái tranh cãi giữa đôi bên sang vấn đề ăn cắp sở hữu trí tuệ.

Không còn dừng ở mức ngoại giao nữa

Cho đến nay, Tổng thống Mỹ Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã xử sự tương đối là ngoại giao với Trung Quốc. Họ cố gắng đối thoại với Trung Quốc về cách ứng xử trong môi trường mạng internet – lối ngoại giao này của Mỹ đã diễn ra trong vài năm vừa qua. Tuy nhiên hành động quả quyết của Mỹ vào hôm 19/5 đã cho thấy nỗ lực của Mỹ nhằm công khai “vỗ vào mặt” quân đội Trung Quốc. Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra “danh sách truy nã hàng đầu” kèm ảnh của một số nhân vật tin tặc.

Năm bị can đó là Wang Dong, Sun Kailiang, Wen Xinyu, Huang Zhenyu, và Gu Chunhui – tất cả đều là sĩ quan của đơn vị 61398 thuộc Cục 3 của quân đội Trung Quốc – những kẻ đã đột nhập vào mạng máy tính của 5 công ty Mỹ và của Liên đoàn Công nhân Thép Mỹ. Riêng ông Huang và ông Gu còn được cho là quản lý tài khoản tên miền vi tính mà các hacker đã dùng trong các cuộc tấn công mạng.

Nhưng về pháp lý và ngoại giao thì người ta không rõ cách tiếp cận này có giúp chặn đứng các cuộc tấn công mà theo một bản báo cáo mật của Mỹ vào năm 2013 thì đã nhằm vào hơn 3.000 công ty Mỹ.

Có sự khác biệt lớn giữa theo dõi vì lý do an ninh và theo dõi để làm lợi bản thân về mặt kinh tế. Trường hợp thứ 2 thường khó biện minh.

Thực chất của bản cáo trạng là luận điểm cho rằng trong khi các nước lớn thường theo dõi lẫn nhau vì mục đích an ninh quốc gia, người ta thường không công nhận mặt pháp lý và đạo đức của việc sử dụng các cơ quan tình báo nhà nước để tạo lợi thế thương mại một cách thiếu chính đáng.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric H. Holder nói: “Khi một nước ngoài dùng các nguồn lực và công cụ quân sự, tình báo chống lại một doanh nghiệp Mỹ nhằm đoạt các bí mật thương mại và các thông tin doanh nghiệp nhạy cảm vì lợi ích của các công ty thuộc sở hữu nhà nước thì chúng ta phải khẳng định rằng “quá đủ” rồi”.

Bộ trưởng Holder cho biết ông có ý định lôi những kẻ thực hiện hành vi hack kinh tế do nhà nước tài trợ ra ánh sáng và bắt họ phải chịu trách nhiệm về việc đã phá hoại sức cạnh tranh dài hạn của nước Mỹ.

Phát biểu trước các phóng viên, ông khẳng định: “Đây là một vụ cáo buộc hoạt động gián điệp kinh tế do các quân nhân Trung Quốc tiến hành và cũng đại diện cho các cáo buộc đầu tiên đối với một nhân tố nhà nước trong kiểu hack này… Phạm vi bí mật thương mại và quy mô các thông tin doanh nghiệp nhạy cảm khác bị đánh cắp là rất đáng kể và đòi hỏi phải đáp trả mạnh mẽ”.

Ông Holder muốn chỉ rõ sự khác biệt giữa một bên là hoạt động tình báo mạng do nhà nước tài trợ trong đó Mỹ có tích cực tham gia, để phục vụ nhu cầu thông tin quân sự và chính trị, với một bên là gián điệp mạng nhằm mục đơn thuần là tạo lợi thế kinh doanh. Ông này khẳng định nước Mỹ không đi ăn cắp bí mật thương mại.

Vị Bộ trưởng Tư pháp Mỹ nói chắc nịch: “Thành công trên thị trường toàn cầu cần phải dựa vào năng lực sáng tạo và cạnh tranh thực sự của một công ty, chứ không phải là dựa vào năng lực theo dõi và ăn cắp của chính phủ tài trợ cho công ty đó. “Chính phủ chúng tôi sẽ không dung thứ các hành vi của bất cứ quốc gia nào muốn phá hoại các công ty Mỹ một cách phi pháp và phá hoại đạo đức kinh doanh lành mạnh trong các hoạt động của thị trường tự do”.

Phản ứng “quen thuộc” của Trung Quốc

Nhưng người Trung Quốc, với các công ty quốc doanh khổng lồ, bao gồm các doanh nghiệp do quân đội điều hành, thì lại thường lập luận rằng an ninh kinh tế và an ninh quốc gia là một, và phía Trung Quốc đã khai thác các tiết lộ của Edward Snowden về Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) để “kết luận” rằng quan điểm của Mỹ mang tính chất đạo đức giả bởi vì chính cơ quan NSA cũng thực hiện các cuộc tấn công mạng vào các công ty Trung Quốc.

Một cuộc tấn công vào hãng viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc đã được mô tả chi tiết trong các tài liệu của Snowden. Tuy nhiên có vẻ như việc chọc thủng công nghệ của Huawei chỉ nhằm đề theo dõi các công ty nào trên thế giới đã mua các thiết bị do Trung Quốc chế tạo.

Chỉ vài giờ sau buổi họp báo của Bộ trưởng Tư pháp Holder ở Washington, phía Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích cáo trạng này và cho rằng bản cáo trạng dựa trên “các dữ kiện ngụy tạo” và “vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế và phá hoại hợp tác Trung-Mỹ”.

Bản cáo trạng tập trung vào các ngành công nghiệp thép và năng lượng mặt trường nơi đã xảy ra nhiều căng thẳng thương mại trong các năm trở lại đây. Xuất khẩu thép và các thiết bị năng lượng mặt trời ngày càng gia tăng từ Trung Quốc đã gây ra các xích mích với các công ty và quan chức Mỹ – những người lo ngại bên Trung Quốc đã trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước để cạnh tranh không lành mạnh.

Bản cáo trạng cũng mô tả cách thức mà đơn vị quân đội Trung Quốc đã đột nhập vào các hệ thống của Liên đoàn Công nhân Thép Mỹ – liên đoàn này đã từ lâu yêu cầu quan chức Mỹ tìm cách chấm dứt các hành xử của Trung Quốc trong hoạt động thương mại mà họ coi là có hại cho công nhân Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn, Giám đốc FBI  James B. Comey khẳng định các vụ việc này được nêu ra không phải là để “PR” cho giới chức Mỹ.

Trong một vụ việc, các công tố viên đã tuyên bố bắt giữ 90 người có liên quan đến việc sử dụng phần mềm có tên Blackshades cho phép các hacker điều khiển một máy tính từ xa.

Ông Comey cho biết các vụ việc cho thấy chính quyền liên bang sẽ theo đuổi xử lý tội phạm mạng bất chấp việc kẻ phạm tội là các băng đảng tội phạm hay là một quốc gia.

Khả năng trả đũa bằng thương mại từ phía Trung Quốc

Một chuyên gia an ninh mạng – James A. Lewis – của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ vào hôm 19/5 nói rằng “Trung Quốc dễ có khả năng sẽ trả đũa” vì hành vi truy tố của Mỹ. Ông Lewis cho biết, Trung Quốc có thể sẽ trừng phạt các hãng của Mỹ làm ăn ở Trung Quốc hoặc “phản pháo” các quan chức Mỹ dựa trên các rò rỉ thông tin của Snowden, nhưng hiện chưa rõ liệu hai nước có được lợi gì từ một chiến thương mại rộng lớn hơn hay không.

Lưu ý rằng bản cáo trạng gần như tập trung toàn bộ vào Đơn vị 61398 – còn được biết đến với cái tên Comment Crew – mà không nói chi tiết về khoảng 20 nhóm tin tặc khác của Trung Quốc, mà trong đó có một số phần tử có liên hệ với quân đội và thường xuyên “được” Mỹ để mắt. Có khả năng chính quyền Obama đang “để dành” các vụ này cho trường hợp Trung Quốc trả đũa.

Cáo trạng cũng không đả động đến các vụ tấn công do Trung Quốc tiến hành nhằm vào Bộ Quốc phòng Mỹ hoặc các nhà thầu quốc phòng chính bởi vì chính quyền Mỹ không muốn mời mọc phía Trung Quốc tiết lộ thêm các cuộc tấn công tương tự nhằm vào các mục tiêu ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Hong Kong.

Giới quan chức Mỹ cho biết cáo trạng công bố hôm 19/5 đã được chuẩn bị trong hai năm trời. Một trong các thách thức lớn là thuyết phục các công ty Mỹ bị Trung Quốc tấn công mạng chịu lên tiếng tố cáo. Nhiều doanh nghiệp của Mỹ sợ bị mất doanh thu ở Trung Quốc hoặc bị nhà nước Trung Quốc trả thù.

Chuyên gia Lewis cho hay, “Họ [giới chức] phải thu thập bằng chứng thực sự mạnh cho thấy các công ty này đã bị hack và sau đó thuyết phục các công ty bước ra công khai bất chấp nỗi sợ bị trả thù”.

Vẫn theo Lewis, cáo trạng không nói về việc Mỹ sẽ làm gì với các hacker này mà là về những gì Trung Quốc sẽ thực hiện đối với đội ngũ tin tặc này. “Bản cáo trạng có ý gửi cho Trung Quốc một thông điệp công khai rõ ràng rằng họ cần phải hành động,… rằng họ cần kiểm soát các thực thể của quân đội PLA”./.

Trung Hiếu/VOV online 
(theo New York Times, Christian S.M.)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *