(kontumtv.vn) – Chiến lược của Mỹ về cơ bản nhằm khiến Trung Quốc hiểu rằng việc cưỡng ép, hăm dọa các nước láng giềng sẽ khiến họ phải trả giá đắt.

Hội thảo lần thứ 4 về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức tại Washington DC đã kết thúc vào sáng nay 12/7 (theo giờ Việt Nam) với nhiều đề xuất và đánh giá quan trọng về chính sách của Mỹ trong việc giải quyết căng thẳng trong khu vực.

Phát biểu tại phiên thảo luận cuối cùng của hội thảo, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách chiến lược và các vấn đề đa phương Michael Fuchs nêu rõ, hành động cưỡng ép và đe dọa sử dụng vũ lực tại Biển Đông của Trung Quốc đã tạo ra những căng thẳng có thể ảnh hưởng không chỉ đến các bên liên quan mà còn cả khu vực và thế giới.

Theo ông Fuchs, cách hành xử đơn phương và mang tính khiêu khích của Trung Quốc như ngăn cản Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough hay khoan dầu trong vùng biển tranh chấp  đã gây quan ngại sâu sắc về ý đồ cũng như sự sẵn sàng tuân thủ luật pháp và quy chuẩn quốc tế của Bắc Kinh.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách chiến lược và các vấn đề đa phương Michael Fuchs

Ông Michael Fuchs cho rằng: “Luật pháp quốc tế chứ không phải sức mạnh hay khái niệm mơ hồ về quyền lịch sử mới là cơ sở để đưa ra và thực thi các đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông. Sự mơ hồ của một số yêu sách, chẳng hạn như đường 9 đoạn của Trung Quốc, cũng như những hành động gần đây tại các khu vực tranh chấp đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và cản trở khả năng hợp tác trong việc quản lý các nguồn tài nguyên. Những vấn đề này đang hủy hoại các giải pháp có thể đưa ra đối với các tranh chấp”.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Fuchs kêu gọi tất cả các bên liên quan sử dụng biện pháp ngoại giao, bao gồm trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp, đồng thời định nghĩa rõ khái niệm về “những hoạt động làm phức tạp hóa hoặc gia tăng tranh chấp” được đề cập trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

Ông Fuchs đề xuất các bên đòi hỏi chủ quyền có thể tái cam kết không xây dựng các tiền đồn mới, cam kết không chiếm đóng các cấu trúc địa lý mà một bên đã chiếm giữ trước khi DOC được ký kết vào năm 2002, làm rõ những hoạt động mang tính khiêu khích và những hoạt động chỉ đơn thuần nhằm duy trì cấu trúc địa lý đã có từ lâu dựa trên hiện trạng năm 2002. Cụ thể, các bên cần ngừng những hoạt động xây dựng và khai hoang mà về cơ bản làm thay đổi bản chất, quy mô và khả năng của các cấu trúc địa lý.

Ông Fuchs nhấn mạnh, việc đơn giản nhất là các bên ngừng các nỗ lực thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền cho đến khi tìm ra giải pháp. Về vai trò của ASEAN trong giải quyết tranh chấp, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, ASEAN là một đối tác chủ chốt, giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc châu Á-Thái Bình Dương. ASEAN và các thể chế khu vực khác như Diễn dàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) là những diễn đàn quan trọng để các bên có thể thảo luận một cách thẳng thắn và cởi mở về những thách thức trong khu vực, cùng nhau đưa ra giải pháp và xây dựng thói quen hợp tác. Ông Fuchs cho biết, Mỹ sẽ cung cấp 156 triệu USD trong 2 năm tới, trong đó có 32,5 triệu USD đã cam kết năm 2013, để giúp các nước Đông Nam Á tăng cường năng lực biển.

Về chính sách của Mỹ đối với khu vực Biển Đông, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc của CSIS, Bonnie Glaser nhìn nhận Mỹ đang nỗ lực giảm căng thẳng để có thể giải quyết một cách hòa bình và cuối cùng là có thể giải quyết các tranh chấp tại đây. Washington đang xây dựng một chiến lược nhằm thay đổi những tính toán chi phí-lợi ích của Trung Quốc, về cơ bản để khiến Bắc Kinh hiểu rằng việc cưỡng ép, hăm dọa các nước láng giềng sẽ khiến họ phải trả giá đắt.


Bà Bonnie Glaser- chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc của CSIS

“Chiến lược của Mỹ đối với Biển Đông và kiểm soát các tranh chấp tại đây sẽ tiếp tục được phát triển và thay đổi để đối phó với những căng thẳng ngày càng gia tăng trong tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là những hành động được xem là không mang lại lợi ích và gây mất ổn định của Trung Quốc. Chiến lược này chủ yếu nhằm thuyết phục Trung Quốc hiểu rằng chiến thuật ‘tằm ăn dâu’, hăm dọa láng giềng và nỗ lực thay đổi hiện trạng để trục lợi của Bắc Kinh là thất sách, phản tác dụng và bất lợi cho Trung Quốc về lâu dài”- bà Bonnie Glaser nói.

Bà Glaser cho rằng Mỹ muốn Trung Quốc thấy rõ cái giá mà họ phải trả như quan hệ xấu đi với các nước láng giềng, hình ảnh hoen ố của một quốc gia vi phạm luật pháp quốc tế, mối quan hệ ngày càng gắn kết, cả về quân sự, giữa Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc, và sự can dự ngày một lớn của Mỹ về ngoại giao, quân sự và an ninh trong tranh chấp tại Biển Đông. Đây là những gì mà Trung Quốc không hề muốn.

Bà Glaser đánh giá, mức độ phản ứng của Mỹ đối với cách hành xử của Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ trong vòng gần một năm qua, từ tuyên bố phản đối hành động cưỡng ép, hăm dọa, cho đến chỉ trích đích danh Trung Quốc là nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực, khẳng định đường 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố là trái với luật pháp quốc tế.

Theo bà Bonnie Glaser, chiến lược của Mỹ bao gồm ủng hộ các nước sử dụng công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp, một quan điểm nhận được sự tán đồng của Australia, nhóm G7 và nghị viện châu Âu, đẩy mạnh sự hiện diện và năng lực quân sự trong khu vực mà điển hình là việc ký thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng 10 năm với Philippines.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang giúp tăng cường khả năng phòng vệ cho các đồng minh và đối tác trong khu vực, ủng hộ các khuôn khổ đa phương về hợp tác và giải quyết tranh chấp mà trong đó bộ quy tắc ứng xử giữ vai trò trung tâm, đồng thời khuyến khích các nước đòi hỏi chủ quyền trong ASEAN phối hợp với nhau để quản lý tranh chấp.

Một điểm đáng chú ý nữa là Mỹ đã có những động thái quân sự tại những nơi xảy ra tranh chấp như điều máy bay trinh sát tới biển Hoa Đông và gần đây nhất là tới Biển Đông, nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa. Theo bà Glaser, đó là những dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp cũng như răn đe các hành vi cưỡng ép.


Ông Paul Riechler-  luật sư tư vấn của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc 

Tuy nhiên, theo các học giả thì Mỹ cần phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) để thúc đẩy sự tuân thủ luật pháp quốc tế và làm nền tảng để có thể can dự sâu hơn trong vấn đề Biển Đông. Ông Paul Riechler, luật sư tư vấn của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc cho biết, Mỹ là một trong những kiến trúc sư chính trong việc soạn thảo UNCLOS và hiểu rõ rằng công ước này phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ. Do vậy, việc nhanh chóng tham gia UNCLOS rất quan trọng trong tình hình hiện nay.

Theo ông Paul Riechler: “Trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Biển Đông, việc Mỹ phê chuẩn UNCLOS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó sẽ thúc đẩy các nước liên quan chấp nhận và tuân thủ luật pháp. Một hệ thống dựa trên luật pháp có vai trò thiết yếu đối với hòa bình và an ninh quốc tế.”

Diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày một hung hăng trong đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, hội thảo lần này thu hút hàng chục chuyên gia và học giả hàng đầu thế giới cùng sự tham dự của một số quan chức cấp cao của Quốc hội và Chính phủ Mỹ, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers./.

Nhật Quỳnh-Huy Hoàng/VOV-Washington

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *