(kontumtv.vn) – Myanmar cho rằng, cuộc khủng hoảng người di cư trong khu vực là vấn đề của tất cả các nước có liên quan.
Phát biểu trong cuộc họp với người đồng cấp Thái Lan tại Bangkok ngày 20/5, Thứ trưởng Ngoại giao Myanmar, Thant Kyaw kêu gọi vấn đề người nhập cư không phải là việc của một hay hai quốc gia mà là vấn đề quốc tế.
Một tàu chở người di cư tại vùng biển ngoài khơi Aceh, Indonesia (Ảnh Reuters) |
“Chúng ta cần phải chung sức giải quyết vấn đề này. Chính vì thế vào ngày 29/5 tới, phía Myanmar sẽ cử một phái đoàn đến Bangkok tham gia cuộc họp về vấn đề người di cư trong khu vực”, ông Thant Kyaw nói.
Cả hai nhà ngoại giao Thái Lan và Myanmar hy vọng trong cuộc họp vào ngày 29/5 tới tại Bangkok sẽ tìm ra lối thoát trong việc giải quyết vấn đề người di cư trên biển.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh cả ba quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan, Malaysia và Indonesia đang chịu sức ép ngày càng lớn đề nghị giúp đỡ hàng ngàn người nhập cư bị bỏ rơi trên biển, không có lương thực và nước uống.
Mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với người nhập cư lênh đênh trên biển đang được đẩy lên cao khi tình hình thời tiết được dự báo xấu đi trong những ngày tới.
Hiện hàng ngàn người nhập cư Bangladesh và người Hồi giáo Rohingya đến từ Myanmar đang phải lênh đênh trên biển suốt nhiều tuần qua do bị bọn buôn người bỏ rơi. Cả Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều từ chối tiếp nhận.
Người Rohingya nhóm dân tộc Hồi giáo không quốc tịch đã rời bỏ Myanmar trong nhiều thập kỷ qua. Hành trình “tìm miền đất hứa” của họ thường đi qua Thái Lan để tới các xứ sở Hồi giáo khác trong khu vực như Indonesia hay Malaysia.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn do chiến dịch truy quét của chính quyền Thái Lan trên những tuyến đường biển bọn buôn người thường đi qua, khiến bọn buôn người bỏ rơi hàng ngàn người nhập cư trên những con tàu lênh đênh trên biển.
Các nước láng giềng trong khu vực cho biết, họ đã giúp đỡ một số người nhập cư bằng cách lai dắt các tàu vào bờ, cung cấp thực phẩm và nước uống, nhưng sau đó lại phải kéo các tàu ra khỏi lãnh thổ của họ.
Theo Liên Hợp Quốc, Malaysia đã tiếp nhận hơn 45.000 người Rohingya và họ không thể tiếp nhận thêm được nữa. Gần 3.000 người nhập cư đã được giải cứu ngoài khơi bờ biển của Malaysia, Indonesia và Thái Lan trong những tuần qua sau chiến dịch truy quét của Thái Lan./.