(kontumtv.vn) – Cùng với cuộc tập trận quân sự lớn nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Nga có thêm mối lo ngại vì có sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển.

Ngày 25/10, NATO chính thức triển khai cuộc tập trận Liên kết Đinh ba 2018 (Trident Juncture 2018) quy mô lớn, với sự tham gia của 50.000 binh sĩ đến từ 31 nước, gồm toàn bộ 29 quốc gia thành viên NATO và 2 nước đối tác là Phần Lan và Thụy Điển. Đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Như thường lệ, Moscow không hề thoải mái với cuộc tập này song điều khiến Nga lo lắng hơn cả là việc hai nước láng giềng Phần Lan và Thụy Điển đang ngày càng thân thiết hơn với NATO.

nga lo ngai vi hai nuoc lang gieng tap tran voi nato hinh 1
Binh sĩ Thụy Điển trong cuộc tập trận Aurora 2017. Ảnh: Minnesota National Guard

Láng giềng của Nga là đối tác quan trọng của NATO

Cuộc tập trận Liên kết Đinh ba 2018 diễn ra trên đất liền, trên biển và trên không từ Biển Baltic tới Iceland. “Cuộc tập trận để NATO diễn tập phản ứng phối hợp trước một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một nước đồng minh. Các nước đồng thời thực hành khả năng huy động lực lượng từ châu Âu và dọc Đại Tây Dương”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo.

Trong khi đó, Moscow lặp lại cáo buộc cuộc tập trận là “một cuộc tấn công quân sự giả định”. Phát biểu một ngày trước khi NATO tập trận, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh: “Các hoạt động quân sự của NATO gần biên giới của chúng tôi đã lên đến mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh”.

Với Nga, cuộc tập trận Liên kết Đinh ba 2018 này còn mang tới mối lo ngại lớn hơn khi có sự tham gia của hai nước không là thành viên NATO song lại có mối quan hệ ngày càng gắn kết với khối quân sự này.

“Đây là những nước đối tác rất quan trọng của NATO”, Chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu, đồng thời là tổng chỉ huy cuộc tập trận Liên kết Đinh ba – Tướng James Foggo nói về Phần Lan và Thụy Điển.

“Tôi đã thảo luận với Thụy Điển tháng trước và họ rất hào hứng. Họ xác nhận sẽ tham gia tập trận với lực lượng và trang thiết bị tiên tiến”, Tướng James Foggo nói.

Phần Lan và Thụy Điển là hai nước thành viên trong Đối tác Hòa bình của NATO và đã từng tham gia các cuộc tập trận trước đây của NATO cũng như mời các thành viên NATO tham gia tập trận cùng quân đội của mình. Trong đó, cuối năm 2017, Thụy Điển tiến hành cuộc tập trận Aurora 17 có quy mô lớn nhất trong 23 năm qua. 19.000 binh sĩ Thụy Điển đã diễn tập cùng binh sĩ của Mỹ, Pháp và các thành viên ở khu vực Baltic của NATO.

Tháng 5/2018, Phần Lan cũng tiến hành cuộc tập trận thường niên Arrow 18 với sự tham dự lần đầu tiên của Hải quân Mỹ.

Từ Moscow, những cảnh báo đã được gửi tới cả hai nước láng giềng liên quan đến các hoạt động tập trận này.

Nga cảnh báo Phần Lan – Thụy Điển

“Một thỏa thuận giữa Stockholm, Helsinki và Washington về tăng cường hợp tác quốc phòng sẽ dẫn tới việc phá hủy hệ thống an ninh hiện nay và làm gia tăng sự ngờ vực, buộc chúng tôi phải có hành động đáp trả”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu tuyên bố hồi đầu năm 2018.

Moscow đã đặc biệt cảnh báo tới Phần Lan, nước láng giềng có chung đường biên giới chạy dài hơn 1.300km với Nga. Tổng thống Nga Putin năm 2016 đã cảnh báo sẽ đưa quân đội tới gần biên giới nếu Phần Lan gia nhập NATO.

Chuyên gia an ninh xuyên Đại Tây Dương Jim Townsend tại “Trung tâm An ninh Mỹ mới” nhắc lại cảnh báo của Nga: “Nếu các nước (Phần Lan và Thụy Điển) gia nhập NATO, Nga sẽ có các biện pháp quân sự để đối phó khi hai nước này trở thành thành viên NATO”.

Ông Jim Townsend, từng làm phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề châu Âu và NATO dưới thời chính quyền Barack Obama, cũng cho rằng cả Phần Lan và Thụy Điển đều cân nhắc việc gia nhập NATO với những cường độ khác nhau trong những năm gần đây.

Trước cuộc tổng tuyển cử đầu tháng 9 vừa qua, bốn đảng phái chính trị tại Thụy Điển đều ủng hộ gia nhập NATO. Tỷ lệ người dân Thụy Điển ủng hộ gia nhập NATO cũng tăng lên con số cao hiếm thấy 45%. Tuy nhiên, tình hình chính trị bế tắc khi các nhà lãnh đạo tại Stockholm chật vật thành lập chính phủ kể từ sau cuộc bầu cử đang là mối quan tâm giải quyết lớn hơn với Thụy Điển.

Với Phần Lan, người dân nước này có vẻ hờ hững hơn với vấn đề gia nhập NATO. Một cuộc thăm dò dư luận tiến hành cuối năm 2017 cho thấy, chỉ 22% số người được hỏi ủng hộ Phần Lan gia nhập khối quận sự Bắc Đại Tây Dương, trong khi 59% phản đối và 19% không đưa ra câu trả lời. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto từng nhắc tới khả năng trở thành thành viên của NATO, song ông có thể thay đổi quyết định này.

Phần Lan và Thụy Điển đều thể hiện “cảnh giác” với nước láng giềng lớn là Nga bằng việc tăng chi tiêu quốc phòng và nâng cấp các lực lượng của mình, cũng như có những kế hoạch tăng cường hợp tác quốc phòng với NATO.

“Cả hai (Phần Lan và Thụy Điển) là những đối tác gần gũi nhất của NATO trong Đối tác hòa bình. Trong cuộc tập trận Liên kết Đinh ba, hai nước này không chỉ tham gia như một phần Điều khoản số 5 của NATO mà họ còn đang tham gia cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong nhiều năm qua”, ông Jim Townsend nói.

Nhắc tới Điều khoản số 5 của NATO, nó vốn quy định bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hay một số thành viên của NATO đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ khối này và tất cả các thành viên sẽ hỗ trợ nạn nhân của một cuộc tấn công như vậy “ngay lập tức”. Đây là yếu tố buộc Điện Kremlin phải để tâm, vì dù không phải là thành viên NATO, Phần Lan và Thụy Điển vẫn được liên minh quân sự này hỗ trợ, đặc biệt khi có căng thẳng với Nga./.

Hoàng Lê/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *