kontumtv.vn) – Nhiều nhà phân tích cho rằng, căng thẳng Nga – NATO có thể khiến việc đối phó với những thách thức an ninh thế giới gặp khó khăn.

Tại một cuộc họp khẩn cấp ngày 1/4 vừa qua, Ngoại trưởng các nước NATO đã quyết định đình chỉ các hoạt động hợp tác quân sự và dân sự với Nga để phản đối việc Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga, cũng như việc Nga triển khai một lượng lớn quân đội trên biên giới với Ukraine.

Quyết định đình chỉ hợp tác này đồng nghĩa với việc Nga sẽ không còn tham gia các cuộc tập trận chung với NATO cũng như hai bên sẽ chấm dứt hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, cướp biển, và thảm họa thiên nhiên…

NATO cũng quyết định áp dụng các biện pháp bổ sung để bảo vệ các nước thành viên ở Đông Âu, chủ yếu là các nước vùng Baltic và Ba Lan. Bên cạnh đó, Hội đồng NATO cũng hứa hẹn đưa ra “các biện pháp tức thời cũng như trong dài hạn để tăng cường khả năng quốc phòng của Ukraine, bao gồm hỗ trợ cho việc cải cách quân sự”.

Nhiều chuyên gia phân tích lo ngại rằng, sự rạn nứt ngày càng lớn giữa NATO và Nga có thể tạo ra kiến trúc an ninh mới cho một thế giới đa cực. Và liệu trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang giữa NATO và Nga, làm thế nào để cả hai bên có thể đối phó với những thách thức an ninh ngày càng tăng trên thế giới.

Phó Tổng thư ký NATO, Alexander Vershbow (Ảnh: AP)

Nga hiện nay là đối thủ của NATO hơn là một đối tác”

AP ngày 1/5 dẫn lời Phó Tổng thư ký NATO, Alexander Vershbow cho rằng, sau hai thập kỷ cố gắng để xây dựng mối quan hệ đối tác với Nga, hiện giờ NATO thấy buộc phải coi Moscow như một đối thủ.

“Điều rõ ràng là Nga đã tuyên bố coi NATO như một đối thủ. Chính vì vậy, chúng tôi cũng không thể xem Nga là một đối tác nữa. Chúng tôi phải bắt đầu xem Nga như một đối thủ hơn là một đối tác”, ông Alexander Vershbow nhấn mạnh.

Trong một cuộc họp báo với một nhóm nhỏ các phóng viên ngày 1/5, ông Vershbow nói rằng việc Nga sáp nhập Crimea và sự dính líu rõ ràng của Nga vào tình trạng bất ổn ở miền Đông Ukraine đã làm thay đổi mối quan hệ Nga – NATO.

“Tại châu Âu, rõ ràng chúng ta có hai cách nhìn khác nhau về vấn đề an ninh. Chúng tôi vẫn sẽ bảo vệ chủ quyền và quyền tự do lựa chọn của nước láng giềng với Nga. Trong khi đó, Nga rõ ràng đang cố gắng để tái áp đặt quyền bá chủ và hạn chế chủ quyền của các nước này”, ông Vershbow – cựu đại sứ Mỹ tại Nga cho biết.

Đầu tháng Tư vừa qua, NATO đã đình chỉ tất cả các hoạt động “hợp tác quân sự và dân sự” với Nga, mặc dù Nga vẫn duy trì đại diện ngoại giao tại NATO.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine và tác động của nó đối với Mỹ và NATO, cũng như quan hệ với Nga đã trở thành tâm điểm quan tâm của chính quyền Obama. Ngày 28/4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có cuộc đàm thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Theo trợ lý của ông Hagel, tại cuộc đàm thoại này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã được người đồng cấp Nga đảm bảo rằng, Nga không có ý định xâm lược Ukraine.

Phó Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, liên minh này đang xem xét các biện pháp phòng thủ mới nhằm ngăn chặn khả năng Nga xâm phạm lãnh thổ bất cứ nước thành viên NATO nào dọc biên giới của họ, chẳng hạn các nước vùng Baltic từng là một phần của Liên bang Xô Viết.

Để làm được điều đó, ông Vershbow nhấn mạnh, các thành viên NATO phải nỗ lực rút ngắn thời gian phản ứng trước mọi tình huống khủng hoảng bằng cách gia tăng sự hiện diện ở Đông Âu, trên cơ sở hiện diện quân sự cả luân phiên lẫn vĩnh viễn.

Cũng theo ông Vershbow, việc hiện diện của một lực lượng lớn binh sĩ NATO ở Ba Lan hay các quốc gia thành viên NATO khác ở Đông Âu sẽ được xem xét và quyết định bởi lãnh đạo của 28 quốc gia thành viên NATO tại cuộc họp thượng đỉnh sắp tới.

Simon Saradzhyan, một chuyên gia về chính sách an ninh Nga cho biết, ông nghi ngờ việc NATO xem Nga là một đối sẽ nhận được sự đồng tình bởi các cường quốc khác trong NATO. Theo ông Simon Saradzhyan, ông nghi ngờ việc Đức và Pháp vốn có quan hệ kinh tế và thương mại đáng kể với Nga, sẽ ủng hộ quan điểm này.

Bên cạnh đó, nếu NATO chính thức coi Nga như một đối thủ, Moscow có thể sẽ trả đũa bằng cách cắt đứt việc hợp tác, trong đó bao gồm cả việc cho phép sử dụng lãnh thổ Nga để vẫn chuyển hàng hóa, trang thiết bị quân sự của NATO vào hoặc ra khỏi Afghanistan.

 

Những binh sỹ Mỹ đầu tiên đến Ba Lan ngày 23/4 (Ảnh AFP)

NATO đang lợi dụng tình hình ở Ukraine để tăng chi tiêu quốc phòng?

Trả lời Ria Novosti, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Nga, Dmitry Polikanov cho rằng: NATO đang cố gắng để giải quyết các vấn đề riêng của liên minh này bằng cách lợi dụng tình hình căng thẳng ở Ukraine, cũng như thổi phồng lên các “mối đe dọa từ Nga”.

“Bằng cách đề cập đến các mối đe dọa từ Nga và sự cần thiết phải bảo đảm hiệp ước quốc phòng tập thể, NATO đang cố gắng để củng cố mối liên kết xuyên Đại Tây Dương và để thuyết phục các thành viên châu Âu chi tiêu nhiều hơn cho việc đảm bảo an ninh chung”, ông Polikanov nói.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng của họ sau những sự kiện xảy ra ở Ukraine, mà ông Kerry gọi đó là “một sự thức tỉnh”.

“Chúng tôi không thể tiếp tục cho phép ngân sách quốc phòng của các đồng minh thu hẹp lại”, ông Kerry cho biết tại Hội nghị của Hội đồng Đại Tây Dương với chủ đề “Hướng tới một châu Âu toàn vẹn và tự do”.”Rõ ràng, không phải tất cả các đồng minh đều sẽ đáp ứng tiêu chuẩn của NATO  là dành 2% GDP cho quốc phòng trong thời điểm hiện tại, thậm chí là vào năm tới. Tuy nhiên đây là lúc các đồng minh đang chi tiêu quốc phòng dưới mức đó đưa ra những cam kết đáng tin cậy nhằm tăng chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới”, ông Kerry nói.”Đây là một điệp khúc đã kéo dài cả thập kỷ qua về mong muốn của Washington nhằm chia sẻ gánh nặng chi phí cho “chiếc ô an ninh của NATO”, đặc biệt là trong bối cảnh chi ngân sách gặp khó khăn tại Mỹ”, ông Polikanov nói.

“Trong khi những nỗ lực trước đó, chẳng hạn như “chương trình phòng thủ thông minh” không đủ sức thuyết phục với châu Âu, cuộc khủng hoảng ở Ukraine ngay “sát sườn” các đồng minh châu Âu có thể là một sự lôi cuốn mạnh mẽ hơn, đặc biệt khi nó được dựa trên suy nghĩ về chiến tranh lạnh sắp diễn ra với Nga”, ông Polikanov nói thêm.

Trong khi đó, ông Richard Weitz, Giám đốc Trung tâm phân tích Chính trị và Quân sự tại Viện Hudson (Mỹ) cho biết, ông Kerry có lý khi kêu gọi việc tăng chi tiêu quốc phòng của NATO. “Việc thúc đẩy này là quan trọng vì nhiều lý do, đặc biệt là để tăng cường an ninh mạng và phòng thủ tên lửa”, ông Weitz nói với RIA Novosti.

Ông Richard Weitz cũng cho biết, năm 2010, liên minh đã thông qua một chiến lược mới nhằm đem lại sức sống cho liên minh này trong việc đối mặt với những thách thức mới. Chiến lược này sẽ khiến NATO “hoạt động hiệu quả hơn trong một thế giới thay đối, chống lại những sự đe doạ mới với những khả năng và đối tác mới, bao gồm gồm các nước không phải thành viên và các tổ chức đa quốc gia khác. Do đó, NATO cần phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến tăng chi tiêu quốc phòng”.

Theo Viện nghiên cứu Hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ hiện đang chiếm đến 70% cho phí quốc phòng trong tổng số 28 nước thành viên NATO./.

Nguyễn Hùng/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *