(kontumtv.vn) – Giá dầu là nhân tố quyết định nhưng gói kích thích kinh tế 21 tỷ USD mà Moscow công bố hôm 21/1 được cho là “tiếp sức” cho sự phục hồi kinh tế Nga.
Tờ The Moscow Times mới đây có bài phân tích về các giải pháp phá vòng vây trừng phạt của phương Tây đối với Nga, trong đó nhận định về những chính sách cải cách cũng như giá trị của hòa bình Ukraine đối với sự phục hồi kinh tế Nga trong năm 2015.
Cái khó “ló” cái khôn
Báo chí Nga không phủ nhận các lệnh trừng phạt kinh tế và giá dầu giảm đã khiến kinh tế Nga hao hụt khoảng 200 tỷ USD. Nhưng The Moscow Times dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov: khó khăn là thời điểm để Nga đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Trong nhiều giải pháp khắc phục, ông Peskov đề cập đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Điểm cốt lõi trong lộ trình khôi phục kinh tế của Moscow là nâng cao khả năng thích ứng với sự biến động của giá dầu thế giới, đồng nghĩa với việc giảm thiểu sự lệ thuộc của nền kinh tế Nga vào nguồn tài nguyên trên.
Phát biểu tại Diễn đàn Gaidar ngày 14/1, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã nhấn mạnh điều này nền kinh tế Nga đang chuyển sang một mô hình phát triển mới: “Mô hình nhiên liệu năng lượng trước đây đã hết thời. Điều này ai cũng hiểu, mô hình đó không thể dẫn đến sự tăng trưởng bền vững và không khuyến khích đầu tư vào sản xuất thực tế”.
Theo ông, “nền kinh tế Nga bắt đầu tăng trưởng chậm lại, kể cả khi giá dầu cao dù rằng việc giá dầu cao cũng cho phép chúng ta bằng cách nào đó tiến về phía trước”. Ông cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay không phù hợp với tiềm năng của đất nước.
Thủ tướng Medvedev tin tưởng rằng nền kinh tế Nga sẽ không thể có được tính cạnh tranh lớn hơn nếu không tăng cường quan hệ với quốc tế.
Những bạn hàng mới và đối tác châu Á truyền thống
Các nước vùng vịnh Ba Tư, Trung Đông, Đông Nam Á và Mỹ Latinh là những điểm đến liên tục những tháng qua của Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov. Ông Manturov nói: “Các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt vô lý nhằm chống lại Nga, nhưng điều đó mang lại các lựa chọn khác. Vì vậy, chúng tôi đã sẵn sàng chia sẻ những lợi ích với các đối tác mới như chúng tôi từng chia sẻ với các nước phương Tây”, theo Itar-Tass.
Ngoài những bạn hàng mới, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là những đối tác truyền thống “bất ngờ” hưởng lợi khi phương Tây quay lưng với Nga, điển hình là Trung Quốc.
Tờ Financial Times của Anh dẫn báo cáo của Công ty tư vấn Anbound cho biết: “Trung Quốc đang hưởng lợi lớn từ các lệnh trừng phạt Nga của EU và Mỹ. Với Nga, đó là đối tác lý tưởng nhất cho chiến lược phá vây kinh tế của Tổng thống Putin”.
Tuy nhiên, tờ Financial Times cũng bình luận “Nga khá khôn ngoan khi không díu líu quá sâu với Trung Quốc, ngoài việc thắt chặt với Bắc Kinh, Moscow còn tìm đến Niu Delhi, Ankara và Tehran. Đó là điều không ngờ”.
Tháng 9/2014, các cơ quan Nông nghiệp và Công nghiệp – Thương mại Nga đã ký kết văn bản hợp tác với các cơ quan tương đương của Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil nhằm tăng gấp đôi các mặt hàng xuất khẩu song phương. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nhà xuất khẩu lương thực lớn thứ năm sang thị trường Nga với kim ngạch 1,68 tỷ USD năm 2013. Trong khi đó, Bộ Chính sách Nông nghiệp Brazil cho biết khoảng 90 nhà máy chế biến nông sản thực phẩm mới ở nước này đã nhận được giấy phép xuất khẩu nông sản sang Nga.
Bản thân Nga ở thời điểm hiện tại cũng đang dần tìm cách tháo gỡ tình trạng bao vây về kinh tế do các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây tạo ra. Số thành viên EU ủng hộ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga ngày càng tăng lên, trong đó có cả Pháp và Đức vốn là hai thành viên quan trọng nhất, thì việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để nối lại quan hệ kinh tế với Nga chỉ còn là chuyện sớm chiều. Trong vấn đề này Nga cũng đang có lợi thế khi là người chủ động hàn gắn lại những rạn vỡ giữa các bên.
Nhân tố Ukraine
Ngay khi Thỏa thuận Minsk 2 được các bên thông qua ngày 12/2, The Moscow Times đã theo dõi những diễn biến tài chính Nga trên thị trường và đưa ra phân tích về giá trị của “ẩn số” Ukraine đối với sự phục hồi kinh tế của Nga. Thỏa thuận Minsk 2 đã có tác động ngay lập tức đến thị trường chứng khoán ở Nga cũng như diễn biến tỷ giá của đồng ruble so với USD.
Báo chí Nga cũng ghi nhận sự khởi sắc trên thị trường chứng khoán Nga vài ngày qua. Đây là chuyển biến trùng khớp với kế hoạch và các thông tin ngoại giao, đối thoại giữa Nga, Đức, Pháp, Ukraine và Mỹ.
Ông Maxim Osadchy, người đứng đầu bộ phận phân tích tại Ngân hàng Tài chính Nga nhận định: diễn biến trên chính trường Ukraine là nhân tố đáng chú ý, tác động mang tính “ngay lập tức” với thị trường tài chính Moscow.
“Nếu so sánh giá dầu là yếu tố sống còn của nền kinh tế Nga, thì tình hình Ukraine diễn biến theo chiều hướng tích cực sẽ là nhân tố hứa hẹn tháo gỡ những căng thẳng trong kinh tế Nga. Đó sẽ là lối thoát đáng cân nhắc cho Moscow trong việc phục hồi kinh tế”.
Theo The Moscow Times, những khó khăn của nền kinh tế đang buộc các nhà lãnh đạo Nga phải tìm ra hướng đi mới. Dù giải pháp mới có hiệu quả đến đâu thì có thể nói năm 2015 sẽ là một bước ngoặt của nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới này./.