Trong đó, có một sửa đổi quan trọng, cho phép Tổng thống đương nhiệm của Nga được tái cử vào vị trí này, không tính thời hạn nắm quyền trước đó.
Tổng thống Putin. Ảnh: Điện Kremlin. |
Tại phiên họp toàn thể của Duma quốc gia Nga, xem xét lần hai đối với những sửa đổi trong dự luật về sửa đổi Hiến pháp, có 382 đại biểu, chiếm gần 90%, đã bỏ phiếu tán thành. Gần 400 sửa đổi đã được đưa ra cuộc họp. Sau khi thảo luận chi tiết, các đại biểu đã quyết định, 200 trong số đó sẽ được đưa vào dự luật.
Đây là thay đổi lớn nhất trong Luật cơ bản trong lịch sử hiện đại của nước Nga. Trước hết, các công dân sẽ nhận được các đảm bảo xã hội mới, những điều không thể vào năm 1993, khi Hiến pháp được thông qua. Đó là mức lương tối thiểu không thấp hơn mức sống tối thiểu và chỉ số lương hưu được điều chỉnh ít nhất mỗi năm một lần.
Theo phần 3 điều 81 của Luật cơ bản của Nga, thì cùng một người không thể giữ vị trí Tổng thống Nga quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Phát biểu tại phiên họp này, đại biểu Valentina Tereskova-nữ phi hành gia đầu tiên của Liên Xô cũng như của thế giới, đã đề xuất hai sửa đổi đối với dự luật. Trong bản Hiến pháp, bà đề nghị làm rõ rằng, các Tổng thống đương nhiệm và trước đây Nga sẽ có thể tham gia tranh cử vào vị trí đứng đầu quốc gia mà không tính thời hạn nắm quyền của họ. Cùng với đó, bà Tereskova đề nghị bổ sung thủ tục để dự luật có hiệu lực và xác định rằng, người đứng đầu quốc gia hiện nay sẽ có thể tham gia các cuộc bầu cử tiếp theo. Đề xuất của bà nhằm đảm bảo sự ổn định và an ninh của đất nước trong điều kiện hiện nay.
Sáng kiến của bà Tereskova đã được các đại biểu ủng hộ. Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga Irina Yarovaya nói: “Các quyết định mà các đại biểu sẽ thông qua, chỉ nhận được cơ chế của luật, nếu các công dân nước chúng ta bỏ phiếu. Đây là quan điểm ngay từ ban đầu của Tổng thống, bởi chính ý chí của người dân có tính quyết định. Đây là sự đảm bảo về cơ hội, an ninh cho chính người dân Nga, bởi vì chỉ có họ mới đưa ra quyết định”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến phiên họp và có bài phát biểu trước các đại biểu Duma quốc gia Nga. Ông nêu rõ mục đích sửa đổi Hiến pháp là nhằm củng cố chủ quyền, các truyền thống của Nga, tạo sự phát triển tiến bộ cho đất nước trong triển vọng dài hạn. Ông cho rằng, việc bãi bỏ giới hạn về số lượng nhiệm kỳ Tổng thống là không thực tế, vì việc thay đổi quyền lực là cần thiết để đảm bảo sự năng động trong phát triển của đất nước.
Mặc dù vậy, Tổng thống Putin chỉ rõ rằng, việc sửa đổi này có thể được phép với điều kiện: “Về nguyên tắc phương án này là có thể nhưng với một điều kiện, nếu Tòa án Hiến pháp Nga đưa ra kết luận chính thức, rằng sửa đổi đó sẽ không mâu thuẫn với các nguyên tắc và các điều khoản chính của Luật cơ bản, Hiến pháp”.
Ngày 11/03, dự luật về sửa đổi Hiến pháp sẽ được bỏ phiếu lần 3 tại Duma quốc gia, tiếp theo sẽ trình lên Hội đồng liên bang Nga.
Cũng tại cuộc họp toàn thể ngày 10/3, Duma Quốc gia Nga đã thông qua các sửa đổi quy định về thủ tục tổ chức bỏ phiếu toàn Nga về sửa đổi Hiến pháp. Những thay đổi của luật cơ bản sẽ được xem xét phê duyệt, nếu chúng được hơn một nửa số công dân tham gia bỏ phiếu. Ngày bỏ phiếu, dự kiến, sẽ diễn ra vào 22/04.
Trong một diễn biến liên quan, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga Dmitri Medvedev đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin tranh cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ tiếp theo.
Viết trên trang cá nhân Vkontakte, ông Medvedev cho rằng, khả năng Tổng thống đương Putin một lần nữa tham gia cuộc bầu cử tổng thống trong trường hợp Hiến pháp sửa đổi thông qua, được Tòa án Hiến pháp thẩm định và được người dân Nga ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu trên toàn Liên bang tới đây, sẽ giúp duy trì sự ổn định trong phát triển của đất nước và sự liên tục của quyền lực. Và điều này cực kỳ quan trọng đối với nước Nga trong thời kỳ hiện đại.
Ông Medvedev cũng gọi những sửa đổi nêu ra tại cuộc họp của Duma quốc gia (Hạ viện Nga) ngày 10/3, là một trong những vấn đề mang tính then chốt. Tại cuộc họp, không có bất kỳ đại biểu Duma Quốc gia nào bỏ phiếu phản đối dự luật về sửa đổi Hiến pháp. Điều này cho thấy tầm quan trọng và sự kịp thời của những sửa đổi mà tổng thống, quốc hội và xã hội đề xuất đối với luật cơ bản của đất nước.
Quan điểm của ông Medvedev được đưa ra sau khi tại cuộc họp của Duma quốc gia (Hạ viện Nga) ngày 10/3, Hạ nghị sỹ Valentina Tereshkova đề nghị làm rõ trong Hiến pháp rằng Tổng thống hiện tại và trước đây của Liên bang Nga sẽ có thể ra tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo mà không tính đến số lượng nhiệm kỳ trước đây. Cũng tại cuộc họp, Duma Quốc gia đã chấp thuận đề xuất này để đưa vào dự luật sửa đổi Hiến pháp./.
Văn Thường, Anh Tú/VOV-Moscow