(kontumtv.vn) – Trong lúc giới khoa học đang chạy đua tìm vaccine ngăn chặn bệnh COVID-19 lây lan, các nhà nghiên cứu lại ngược dòng quá khứ, cố gắng làm sáng tỏ một trong những điều bí ẩn về virus SARS-CoV-2: nó từ đâu đến?
Hãng thông tấn AFP đưa tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thành lập một nhóm nhà khoa học quốc tế gồm 10 người để truy tìm nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Họ sẽ phải điều tra cả các loài động vật nghi vấn lẫn cách thức những bệnh nhân đầu tiên bị lây nhiễm.
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trước báo giới ngày 1/12: “Chúng tôi muốn biết nguồn gốc và chúng tôi sẽ làm mọi thứ để biết được điều đó”. Nhưng họ có thành công hay không còn là điều chưa rõ.
Nguồn lây lan
Những ca mắc COVID-19 đầu tiên được phát hiện thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, cách đây 1 năm, trước khi các quốc gia khác trên thế giới bắt đầu ghi nhận số ca lây nhiễm gia tăng. WHO cho biết những bệnh nhân đầu tiên ở Vũ Hán được ghi nhận từ khoảng đầu tháng 12/2019. Tuy nhiên, theo cơ quan này, nơi đại dịch xuất hiện đầu tiên không nhất thiết phản ánh đó là nơi nó khởi phát.
Vài tháng gần đây, các nhà nghiên cứu tại nhiều quốc gia đã đề xuất khả năng nhiều người mắc bệnh từ trước thời điểm tháng 12/2019 mà không hay biết, dựa trên phân tích mẫu nước thải sinh hoạt và mẫu máu. Dù vậy, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng để chứng minh những tuyên bố trên là đúng, theo nhận xét của chuyên gia Etienne Simon-Loriere làm việc tại Khoa virus học thuộc Viện Pasteur, Pháp.
Để lập sơ đồ cành cây “phả hệ” của một loại virus, các nhà nghiên cứu cần phụ thuộc vào phân tích bộ gien. WHO cho rằng việc này có thể giúp hiểu rõ hơn về tính lây truyền, đặc biệt là cách virus phát triển theo thời gian và cách các ổ dịch có thể liên quan với nhau về thời gian và địa điểm.
Lây sang con người
Giới khoa học đều nhất trí COVID-19 có nguồn gốc từ động vật. Chuyên gia Simon-Loriere nói: “Câu hỏi lớn ở đây là điều gì khiến nó lây sang con người”. Mọi nghi vấn đổ dồn vào loài dơi. Con vật này vốn là “kho” chứa virus Corona trong tự nhiên. Thế nhưng, rất có thể một loài vật trung gian khác đã truyền SARS-CoV-2 cho người. Tê tê – loài động vật có vú bị săn bắt trái phép khắp khu vực châu Á – sớm bị coi là con vật mang mầm bệnh giữa trên kết quả phân tích gien, nhưng trường hợp này chưa được chính thức xác nhận.
Các nhà điều tra WHO sẽ phải làm rõ điều này bằng cách thu thập manh mối tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán – nơi bán động vật hoang dã và thịt tươi sống – có liên quan đến nhiều ca mắc bệnh đầu tiên. Đội điều tra sẽ được trang bị những manh mối mà chúng ta không có vào thời điểm đại dịch nổ ra.
Ông Simon-Loriere cho rằng họ có thể tìm ra một loài động vật có thụ thể virus – một loại protein gọi là ACE2 – tương tự loại protein được tìm thấy ở người. Thông qua thụ thể này, virus xâm nhập vào trong tế bào. Một số động vật như chồn vizon và chồn hương có thụ thể giống con người, trong khi những loài khác lại khá khác biệt.
Một giả thuyết khác về căn nguyên của virus SARS-CoV-2 xoay quanh những thuyết âm mưu rằng Viện Virus Vũ Hán có liên quan đến vụ bùng phát.
Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tán thành ý tưởng trên khi tuyên bố rằng SARS-CoV-2 có thể đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm an toàn sinh học. Phía Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc trên.
Trong khi nhà chuyên gia Viện Pasteur tin vẫn chưa thể loại trừ hoàn toàn khả năng virus đã “vô tình trốn thoát”, nhưng ông nhấn mạnh rằng “không có dấu hiệu nào cho thấy nó là do con người tạo ra”. Theo ông, toàn bộ yếu tố trong bộ gien của SARS-CoV-2 đã được quan sát thấy trong tự nhiên, chủ yếu là ở loại ký sinh trên loài dơi.
Làm sáng tỏ “câu đố”
WHO khẳng định hiểu được cách thức một đại dịch bắt đầu là điều cần thiết để ngăn chặn nó thâm nhập sâu hơn vào dân số. Tuy nhiên, cơ quan y tế của Liên hợp quốc cảnh báo rằng quá trình truy tìm cách thức dịch bệnh lây truyền từ động vật sẽ là một câu đố có thể mất nhiều năm để giải.
Theo ông Simon-Loriere, mục tiêu là hiểu được cơ chế và đưa ra các biện pháp để tránh virus SARS-CoV-3, 4, v.v. xuất hiện trong tương lai. Ví dụ, thời đại dịch SARS năm 2002, lệnh cấm tiêu thụ cầy hương – là vật trung gian của virus Corona – được cho là giúp ngăn chặn sự tái lây nhiễm của virus với con người.
WHO đã cử đội tiền trạm đến Bắc Kinh hồi tháng 7 để đặt nền móng cho cuộc điều tra. Nhưng vẫn chưa rõ khi nào nhóm lớn hơn có thể đến Trung Quốc để tiến hành công việc.
Cuối tháng 11, WHO bày tỏ hy vọng đưa một nhóm chuyên gia đông đảo hơn đến Trung Quốc nhanh nhất có thể. Trong khi đó, Washington cáo buộc Bắc Kinh không minh bạch trong quá trình điều tra, đồng thời cho rằng WHO đã “chịu thua” Trung Quốc. Nhiều người lại lo ngại rằng cơ quan này có thể đã cho phép Trung Quốc chỉ đạo cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus.
Ngày 1/12, Tổng Giám đốc WHO đã yêu cầu những người chỉ trích đừng “chính trị hóa” vấn đề trên.