(kontumtv.vn) – Cộng đồng quốc tế đang lo ngại nguy cơ xảy ra cuộc xung đột lớn, vượt tầm kiểm soát giữa hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân này.

Ấn Độ và Pakistan luôn trong tình trạng đối đầu suốt nhiều thập qua liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Giờ đây, căng thẳng lại bị đẩy lên một nấc thang mới khiến thế giới lo ngại nguy cơ xảy ra cuộc xung đột lớn, vượt tầm kiểm soát giữa hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân này.

nguy co "ac mong" chien tranh hat nhan giua an do va pakistan hien huu hinh 1
Ngôi nhà đổ nát của những người thiệt mạng tại quận Poonch (Kashmir) sau khi bị đạn pháo của Pakistan bắn trúng. Ảnh: RT.

Sau 70 năm, xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan không có dấu hiệu chững lại. Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng là tranh chấp tại khu vực Kashmir – nơi mà cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền. Trong lịch sử, đã có 3 cuộc chiến lớn và một cuộc chiến nhỏ xảy ra giữa New Delhi và Islamabad tại khu vực này. Ngày nay Đường ranh giới kiểm soát (LoC) – đường phân định giữa hai vùng do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát ở khu vực tranh chấp Kashmir luôn được quân đội hai nước canh phòng nghiêm ngặt, tuy nhiên nơi đây cũng thường xuyên xảy ra các vụ tấn công khủng bố nhằm phá hoại hòa bình.

Căng thẳng leo thang hôm 14/2 sau khi phiến quân Jaish-e-Mohammed (JeM) tiến hành cuộc tấn công liều chết vào căn cứ quân đội Ấn Độ ở Pulwama, thuộc vùng tranh chấp Kashmir khiến 44 binh sĩ thiệt mạng. Đây là một trong những tổn thất lớn nhất của quân đội Ấn Độ trong nhiều thập niên qua do phiến quân gây ra. Sự kiện ngay lập tức kích hoạt làn sóng phẫn nộ từ phía Ấn Độ, khiến Thủ tướng Modi đối mặt với sức ép phải hành động cứng rắn hơn. Đến ngày 26/2, Không quân Ấn Độ không kích căn cứ của JeM ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa Pakistan, đánh dấu cuộc không kích đầu tiên của Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan kể từ năm 1971.

Pakistan sau đó khẳng định Ấn Độ đã bắn qua Đường ranh giới kiểm soát chia cắt hai khu vực Kashmir, làm 6 thường dân thiệt mạng. Lực lượng quân sự hai bên đã giao tranh ở khoảng một chục địa điểm biên giới trong những ngày gần đây. Quân đội Pakistan tuyên bố đã bắn hạ 2 máy bay Ấn Độ, còn Ấn Độ thì tuyên bố 1 tiêm kích F-16 của Pakistan cũng bị họ bắn hạ trong một trận không chiến quần vòng.

Vì sao xung đột trở nên nghiêm trọng?

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan không phải là mới. Tuy nhiên, điều khiến cuộc xung đột này trở nên khác biệt là lần đầu tiên kể từ năm 1971, Ấn Độ và Pakistan tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ của nhau.

Tờ Aljazeera cho rằng, lý do dẫn đến đòn phản công “mạnh tay” của Ấn Độ có thể một phần do ảnh hưởng của các cuộc bầu cử sắp diễn ra tại quốc gia này còn Pakistan thì không muốn bị mất mặt, và Islamabad muốn đảm bảo rằng những cuộc tấn công như vậy từ phía New Dehli sẽ không “trở thành thông lệ” trong tương lai.

Các hành động đáp trả lẫn nhau giữa hai nước thời điểm này được coi là sự leo thang quân sự nghiêm trọng nhất trong gần 2 thập kỷ qua, kể từ cuộc khủng hoảng Kargil, song nguy hiểm hơn nó diễn ra vào đúng mùa bầu cử tại Ấn Độ, khi Thủ tướng Narendra Modi muốn tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ hai.

Bởi chính phủ của ông Modi đã liên tục đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề an ninh nên không thể không sử dụng vũ lực đáp trả cuộc tấn công 14/2 tại Pulwama. Hơn nữa, ông Modi cũng muốn tận dụng cơ hội này để lấy lại tín nhiệm khi đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP) của ông đã không được lòng cử tri suốt một năm qua, cùng với đó là sức ép từ phe đối lập kêu gọi chính phủ cầm quyền phải có hành động đáp trả cứng rắn. Theo giới phân tích, cuộc tấn công tại Pulwama có thể là cơ hội để Thủ tướng Modi ghi điểm trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tháng 5/2019, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi khi làm leo thang xung đột giữa Ấn Độ với Pakistan.

Về phía Pakistan, tân Thủ tướng Imran Khan là người nhận được hậu thuẫn của lực lượng quân đội hùng mạnh. Ông Khan muốn chứng tỏ rằng chính quyền của ông có thể trụ vững trước Ấn Độ, ngay cả khi Pakistan đang tìm kiếm gói cứu trợ về kinh tế từ phía Saudi Arabia và Trung Quốc. Đối với Thủ tướng Imran Khan, việc không đáp trả các đợt tấn công từ phía Ấn Độ sẽ bị coi là “sự thất thế về mặt chính trị” còn đối với quân đội Pakistan, việc thiếu phản ứng sẽ là sự “mất thể diện”, làm xói mòn tinh thần chiến đấu họ.

Sẽ là cơn ác mộng nếu chiến tranh xảy ra?

Ấn Độ và Pakistan, mỗi nước được cho là sở hữu hơn 100 đầu đạn hạt nhân. Hai quốc gia này từng thử nghiệm vũ khí nguyên tử và tên lửa mang khả năng hạt nhân. Điều đó cho thấy một trong hai phía có thể phát động cuộc tấn công hạt nhân bất cứ khi nào cần thiết. Ông Ankit Panda, một thành viên cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ tại Washington D.C nhận định: “Điều quan trọng cần phải hiểu ở đây là cả Ấn Độ và Pakistan đều dễ tổn thương trước năng lực hạt nhân của nhau. Một cuộc chiến tranh hạt nhân trong khu vực Nam Á nếu xảy ra sẽ rất thảm khốc. Họ có thể tấn công vào các trung tâm đô thị chính của nhau”.

Theo Hiệp hội các nhà khoa học hạt nhân (Bullentin of Nuclear Scientists), một cuộc chiến hạt nhân giữa Pakistan và Ấn Độ hoặc thậm chí “chỉ là cuộc tấn công vào thành phố lớn sử dụng vũ khí hạt nhân” sẽ để lại hậu quả thảm khốc và gây chấn động trên toàn thế giới. Hiệp hội này đã mô tả nguy cơ xảy ra “cuộc chiến hạt nhân trên toàn cầu” bằng cụm từ “đồng hồ điểm ngày tận thế”. Họ cho biết, Pakistan mất chưa tới 4 phút để phóng một tên lửa tấn công vào lãnh thổ Ấn Độ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu 100 quả bom nguyên tử có sức công phá lớn như vụ nổ hạt nhân Hiroshima bị thả xuống các thành phố của Ấn Độ và Pakistan? 20 triệu người sẽ thiệt mạng và phóng xạ lan tràn ra khắp nơi, bão lửa sẽ hình thành, giải phóng một lượng lớn khói bụi độc hại vào bầu khí quyển. Điều này sẽ làm giảm 10% lượng mưa toàn cầu và giảm nhiệt độ đột ngột. Cây trồng sẽ không thể phát triển được khi khói bụi che lấp ánh sáng mặt. Khí hậu có thể bị ảnh hưởng trong ít nhất một thập kỷ, hoặc lâu hơn. Hậu quả rất tàn khốc. Các chuyên gia của Đại học Tổng hợp Rutgers, Mỹ, ước tính hơn 2 tỷ người có nguy cơ chết đói.

Con đường nào dẫn tới hòa bình?

Pakistan ngày 1/3 đã tuyên bố thả phi công của Ấn Độ bị bắt ngày 27/2 như một cử chỉ hòa bình. Thủ tướng nước này Imran Khan cũng kêu gọi Ấn Độ giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại. Trong bài phát biểu trên truyền hình ông nêu rõ: “Tất cả các cuộc chiến lớn xảy ra đều do tính toán sai lầm. Câu hỏi của tôi đưa ra cho phía Ấn Độ là với những loại vũ khí chúng ta có, liệu chúng ta có dám đưa ra những tính toán sai lầm hay không?” Chuyên gia Sreeram Chaulia, nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Đại học O.P. Jindal Global , Ấn Độ, dự đoán xung đột quân sự sẽ sớm lắng xuống. Nhưng ông cũng lo ngại các nhóm phiến quân được cho là do Pakistan hậu thuẫn sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công vào Ấn Độ.

Theo một số nhà phân tích, để tiến trình hòa bình diễn ra, các nhà lãnh đạo của cả hai nước cần phải thay đổi trọng tâm đối thoại, tập trung vào vấn đề kinh tế và xã hội thay vì quan tâm nhiều đến tranh chấp tại khu vực Kashmir. Khi đó tình hình căng thẳng có thể dần hạ nhiệt.

Vậy cộng đồng quốc tế có thể làm gì để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh bùng phát giữa hai quốc gia này? Trong quá khứ, Ấn Độ và Pakistan đã từng đề nghị Mỹ, Trung Quốc và Nga giúp đỡ về ngoại giao. Do đó, các quốc gia này có thể xúc tiến những nỗ lực ngoại giao giúp hai bên giải quyết các xung đột bằng con đường hòa bình. Tuy nhiên, việc tìm kiếm giải pháp vẫn phụ thuộc phần lớn vào chính phủ Ấn Độ và Pakistan. Nếu hai bên không thu hẹp được bất đồng thì sẽ dễ rơi vào cuộc chiến tranh hạt nhân mà hậu quả còn vượt ra ngoài lãnh thổ của cả Ấn Độ và Pakistan./.

Hồng Anh/VOV.VN
Nguồn Outrider, Aljazeera

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *