(kontumtv.vn) – Nếu các thỏa thuận giữa Nhật và Indonesia được hiện thực hóa, đây có thể trở thành hình mẫu thúc đẩy các nước khác trong khu vực tăng cường hợp tác về an ninh biển, hình thành mạng lưới liên kết nhằm kiềm chế các động thái gây hấn trên biển Đông.

Nhật Bản được lựa chọn là quốc gia đầu tiên ngoài khu vực Đông Nam Á mà ông Widodo tới thăm. Cuối tháng 3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có chuyến thăm Nhật Bản lần đầu tiên kể từ sau khi nhậm chức tháng 10/2014.

Chuyến thăm Nhật của Tổng thống Widodo là sự tiếp nối chuỗi các chuyến thăm viếng cấp cao giữa 2 nước trong thời gian gần đây. Kể từ khi trở lại nắm quyền, ông Abe đã thăm Indonesia 2 lần, trong đó đáng chú ý Indonesia là 1 trong 3 nước mà Thủ tướng Abe tới thăm trong chuyến công du đầu tiên vào tháng 01/2013, sau khi nhậm chức (bên cạnh Thái Lan và Việt Nam). Đáp lại, cựu Tổng thống Indonesia Yudhuyono cũng đã thăm Nhật Bản vào tháng 12/2013.

Ông Widodo đến Tokyo khi quan hệ đối tác giữa 2 nước đang ngày càng trở nên khăng khít trong nhiều lĩnh vực như chính trị – an ninh, thương mại, đầu tư… Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản là nước cung cấp Viện trợ chính thức (ODA) lớn nhất cho Indonesia, trong khi Indonesia cung cấp khí hóa lỏng (LNG) nhiều nhất cho Nhật Bản.

Thỏa thuận chứa nhiều kỳ vọng

Hội đàm tại Tokyo, Thủ tướng Abe và Tổng thống Widodo đã đạt được nhiều thỏa thuận liên quan các lĩnh vực hai nước cùng quan tâm. Về an ninh – chính trị, Nhật Bản và Indonesia nhất trí đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ chế đối thoại an ninh giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ngoại giao “2+2” trên cơ sở những thỏa thuận giữa hai bên đã đạt được từ tháng 12/2013.

Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, gây hấn, kiềm chế, an ninh, quốc phòng
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đón tiếp Tổng thống Indonesia tại Tokyo. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, hai quốc đảo này còn ký “Bản ghi nhớ về hợp tác Quốc phòng” tạo cơ sở cho Nhật Bản hỗ trợ Indonesia nâng cao năng lực cho lực lượng quân đội, tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình và phát triển thiết bị quốc phòng.

Do cả Nhật Bản và Indonesia đều là quốc đảo, ngoại thương phụ thuộc nhiều vào các tuyến đường biển nên hai nước còn nhất trí thiết lập “Diễn đàn song phương về các vấn đề trên biển” nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đảm bảo an ninh biển, đồng thời xây dựng cơ chế để Nhật Bản hỗ trợ Indonesia trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng các cảng biển.

Về kinh tế, hai nhà lãnh đạo cam kết mở rộng quy mô thương mại và đầu tư từ hai phía. Indonesia đặt mục tiêu cải cách môi trường đầu tư nước ngoài nhằm thu hút 5,4 tỷ USD vốn FDI từ Nhật Bản trong năm 2015 (tăng thêm 700 triệu USD so với năm 2014 và gấp 9 lần so với mức 620 triệu USD năm 2007).

Trong bối cảnh an ninh khu vực biển Đông thu hút nhiều sự quan tâm, hai nhà lãnh đạo đã đánh giá tranh chấp tại biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) và nhanh chóng ký kết Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Đặc biệt, Tổng thống Widodo đã có phát biểu rằng Tuyên bố về đường 9 đoạn của Trung Quốc là không có giá trị pháp lý, cho thấy Indonesia đặc biệt quan ngại những động thái của Trung Quốc trong tranh chấp thời gian gần đây tại biển Đông.

Nhu cầu tăng cường an ninh biển

Kể từ khi trở lại chính trường, Thủ tướng Abe đặc biệt quan tâm thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN nhằm tận dụng lợi thế các tiềm năng của thị trường 600 triệu dân và nâng cao vị thế của Nhật Bản tại khu vực.

Indonesia là quốc gia có vai trò quan trọng trong ASEAN nên việc Tổng thống Widodo quyết định chọn Nhật Bản là điểm tới thăm đầu tiên ngoài khu vực Đông Nam Á cho thấy chính sách của Thủ tướng Abe đã đi đúng hướng và có một sự tương đồng về lợi ích giữa Nhật Bản và Indonesia.

Các thỏa thuận về hợp tác an ninh, quốc phòng giữa 2 nước là rất đáng chú ý, mặc dù các sáng kiến này vẫn ở những bước đầu tiên. Hiện nay, sáng kiến về “Diễn đàn song phương về các vấn đề trên biển” mới chỉ được ấn định là sẽ diễn ra ở cấp cao, chưa có thông tin về các vấn đề khác; cơ chế Đối thoại “2+2” sẽ được tiếp tục xây dựng; “Bản ghi nhớ về hợp tác Quốc phòng” giữa Nhật – Indo không có tính ràng buộc pháp lý.

Cách tiếp cận một cách thận trọng của Indonesia trong việc tăng cường hợp tác an ninh – quốc phòng với Nhật Bản là hợp lý khi Trung Quốc vẫn là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nước này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nước cung cấp nhiều thiết bị quân sự cho Indonesia như hệ thống tên lửa và các khí tài khác.

Nếu như việc tăng cường quan hệ an ninh – quốc phòng với Indonesia hỗ trợ Nhật gia tăng hiện diện ở Đông Nam Á, thì với Indonesia sự trợ giúp của Nhật Bản sẽ giúp Tổng thống Widodo thực hiện Học thuyết “Trục biển” (Maritime Axis Doctrine) mà ông đề ra trong 5 năm tới.

Học thuyết này hướng tới nâng cao vai trò của Indonesia trong việc định hình tương lai khu vực giao thoa giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thông qua: xây dựng nền văn hóa biển, quản trị tài nguyên biển, phát triển cơ sở hạ tầng trên biển, giải quyết xung đột trên biển thông qua kênh ngoại giao và tăng cường sức mạnh quốc phòng trên biển.

Nhật Bản và Indonesia đều là 2 quốc đảo, chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng trong việc duy tự do và an toàn hàng hải. Mặc dù không phải là các bên trong tranh chấp tại biển Đông nhưng hai nước đều đặc biệt lo ngại các động thái leo thang căng thẳng của Trung Quốc. Việc hai nước tăng cường quan hệ, đặc biệt về hợp tác biển sẽ giúp hình thành các cơ chế giúp kiềm chế các hành động mang tính khiêu khích của Trung Quốc tại biển Đông.

Indonesia thời Tổng thống Susilo luôn giữ lập trường trung lập, chủ động làm trung gian hòa giải tranh chấp giữa các bên tại biển Đông và cải thiện quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay, cam kết của Mỹ đối với “chiến lược tái cân bằng” có phần giảm sút do dính líu của Washington tới vấn đề Ucraina, chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS… Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh gây hấn, thay đổi hiện trạng trên thực địa bất chấp luật pháp quốc tế, thậm chí đưa cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia vào phạm vi của Đường 9 đoạn. Các yếu tố này đã thúc đẩy tân Tổng thống Widodo phải hướng tới các động thái thể hiện quan điểm một cách rõ ràng hơn.

Nếu các thỏa thuận giữa Nhật và Indonesia được hiện thực hóa, đây có thể trở thành hình mẫu thúc đẩy các nước khác trong khu vực tăng cường hợp tác về an ninh biển, hình thành mạng lưới liên kết nhằm kiềm chế các động thái gây hấn trên biển.

Quốc Anh/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *