(kontumtv.vn) – Tổng thống Park Geun-hye hết sức “sốt ruột” khi hiệu quả hợp tác giữa Hàn Quốc với ASEAN chưa được như mong muốn.

Bà Park chưa hài lòng với hiệu quả FTA ASEAN – Hàn Quốc

Ngay sau khi tham dự Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN – Hàn Quốc ngày 10/12, bà Park ra tuyên bố kêu gọi 10 nước ASEAN hãy đẩy nhanh tiến độ tự do hóa thương mại song phương hơn nữa bằng tự do thương mại, mở rộng các cơ hội cho doanh nghiệp 2 phía.

 “Thật không may, chúng ta chưa thể tận dụng được tối đa FTA Hàn Quốc- ASEAN, tỷ lệ khai thác chỉ bằng 1 nửa so với các FTA khác. Mức độ tự do hóa thực sự chưa cao, trong đó, những rào cản về pháp lý chưa thể vượt qua được là nguyên nhân chính của kết quả này”. Bà Park chỉ ra nguyên nhân tại Diễn đàn doanh nghiệp.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (ảnh: AFP)

Tổng thống Hàn Quốc chưa thực sự “hài lòng” khi  nước này chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 5 của ASEAN, trong khi ASEAN là đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ 2 tại Hàn Quốc. Kể từ khi FTA Hàn Quốc – ASEAN có hiệu lực năm 2007, thương mại hai chiều năm 2013 tăng gấp đôi, đạt 134,9 tỷ USD so với 66,4 tỷ USD năm 2006. Tuy nhiên, con số này cũng như mức dự báo 150 tỷ USD 2015, theo Tổng thống Hàn Quốc là “chưa tương xứng với tiềm năng 2 phía”.

Tổng thống Hàn Quốc thúc giục các bên cần nhanh chóng bổ sung những biện pháp tự do hóa và thu hẹp rào cản pháp lý: “Điều này sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt là một lực lượng doanh nghiệp lớn hơn từ 2 phía sẽ tìm đến thị trường của nhau và chúng ta sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn từ FTA. Tôi kêu gọi sự hỗ trợ từ công đồng doanh nghiệp để chính phủ các nước ASEAN và chúng ta có thể tiếp tục đàm phán”.

Không thể chậm chân hơn Trung – Nhật

Trung – Nhật – Hàn đang đua nhau tăng cường ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á.  Nhật Bản và Trung Quốc, những quốc gia đã từ lâu quan tâm đến ASEAN, đang chú ý theo dõi chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Diễn đàn Doanh nghiệp ASEAN – Hàn Quốc cũng như Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ Đối thoại ASEAN và Hàn Quốc.

Khi FTA Trung Quốc – ASEAN chính thức đi vào hoạt động, hiệu quả song phương khiến các quốc gia khác phải giật mình. Thương mại 2 chiều, năm 2010 đạt 293 tỷ USD, lên 400 tỷ USD năm 2013 và dự báo đạt 500 tỷ USD vào năm 2015. Cùng những lợi ích “cực lớn” mà Trung Quốc đạt được nhiều hơn là ASEAN khiến New York Times bình luận là một “cú sốc” với chính ASEAN và thế giới. Theo Trưởng ban kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thụy Sĩ tại Châu Á Thomas Cliff: “Mở toang cánh cửa thương mại với ASEAN, cán cân nghiêng hẳn về phía Trung Quốc”.

Trung Quốc đã kiếm lời rất nhiều khi thực hiện FTA Trung Quốc – ASEAN. Đó là chưa kể mục đích chính trị của họ kèm theo, như dùng miếng mồi kinh tế để lôi kéo và tranh thủ ASEAN, ngăn cản ASEAN xích lại gần hơn với Mỹ và Nhật Bản. Chính vì vậy, Trung Quốc rất hăng hái thúc đẩy “nâng cấp FTA Trung Quốc – ASEAN”.

Còn với Nhật Bản, theo chuyên gia nghiên cứu độc lập, từng là phóng viên của báo Nikkei, ông Ryoichi Honda: Nhật Bản đã nhận ra vai trò của các nước Đông Nam Á từ sau chiến tranh thế giới II, không chỉ là một thị trường “màu mỡ” mà còn mang lại những vị thế chính trị, nếu như “thu phục” được cộng đồng 600 triệu dân ASEAN, và quan trọng hơn tạo ra một “gọng kìm kiềm chế” Trung Quốc.

Bởi thế, cho dù nhận ra và bắt đầu xúc tiến quan hệ thương mại với ASEAN từ rất sớm (năm 1981), thương mại song phương giữa 2 năm 2007-2008 tăng với tốc độ cao nhất 23% và đạt con số 211,4 tỷ USD năm 2008, cũng như 241 tỷ USD 2013; song với Nhật Bản, mục đích chính trị trong cuộc đua hợp tác với ASEAN vẫn được đặt lên cao hơn hết, điển hình là thời thủ tướng Shinzo Abe.

Theo ông Valery Kistanov, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của Viện Viễn Đông, Nga: “Nhật Bản có tham vọng đóng vai trò lãnh đạo trong ASEAN. Ông Abe tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với ASEAN, để các quốc gia đó ủng hộ Nhật Bản trong chính sách kiềm chế Trung Quốc. Nhưng, đến thời điểm này nỗ lực của Nhật chưa mang lại kết quả đáng kể”.

Chuyên gia Kistanov cho rằng: “Nhìn vào “thành tích” của 2 quốc gia láng giềng, Hàn Quốc đang có phần chậm chân và Seoul phải cố gắng sử dụng Hội nghị thượng đỉnh tại Busan để củng cố vị trí của mình trong ASEAN. Ví dụ, tại Hội nghị thảo luận về việc bãi bỏ thị thực giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN, biện pháp này sẽ thúc đẩy sự hợp tác của Seoul với tổ chức này”.

Việt Nam ủng hộ tăng cường hợp tác ASEAN – Hàn Quốc

Thể hiện tại cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều quan điểm chung trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2014 cũng như tầm nhìn ASEAN sau 2015; ủng hộ lẫn nhau trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực thông qua các cơ chế hợp tác hiện có do ASEAN dẫn dắt. Hàn Quốc và Việt Nam cũng tìm được tiếng nói chung trong các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ song phương cũng như ASEAN – Hàn Quốc từ kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội cho tới kết nối người dân, cùng nhau đối phó với thách thức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN – Hàn Quốc

Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không tại Biển Đông; ủng hộ ASEAN và Trung Quốc thực hiện nghiêm túc DOC và sớm tiến tới COC  thể hiện sự quan tâm rất rõ của Hàn Quốc đối với những động thái trên Biển Đông, cũng như sự tổn hại tới lợi ích của nước này trước những diễn biến bất lợi tại đây.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những thành tựu quan hệ 25 năm ASEAN- Hàn Quốc hoàn toàn dựa trên sự tin cậy chính trị và mong muốn chung về hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển của 2 phía.

Việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cam kết “ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; ủng hộ thúc đẩy các chuẩn mực và giá trị chung của ASEAN trong khu vực Đông Á” thể hiện Hàn Quốc đánh giá cao vị thế trung tâm của ASEAN đối với các nước đối tác. Đây chắc chắn sẽ là cơ sở cho sự phát triển, cho tương lai quan hệ giữa ASEAN với Hàn Quốc cũng như tất cả các nước đối tác khác của ASEAN./.

Ngân Giang/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *