(kontumtv.vn) – Sau một thời gian “chiến tranh lạnh”, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nối lại quan hệ bằng hữu song mối quan hệ song phương vẫn chưa được khôi phục như trước.

nhung not thang tram trong quan he giua nga va tho nhi ky hinh 0
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Ngày 10/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ. Mới chỉ một vài tuần trước, một cuộc viếng thăm như vậy là điều ngoài sức tưởng tượng. Trong giai đoạn từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 6 năm nay và bất chấp nhiều năm trời vun đắp quan hệ hữu hảo, Ankara và Moscow đã bước vào thời kỳ “chiến tranh lạnh”. Chúng ta hay cũng nhìn lại lịch sử quan hệ thăng trầm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong vòng một phần tư thế kỷ qua:

1. Liên Xô sụp đổ và sự xâm nhập của các doanh nhiệp nhỏ Thổ Nhĩ Kỳ vào thị trường Nga

Sau khi nhà nước Xô Viết tan rã, nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập lại mối quan hệ hữu nghị. Tại Nga, nhu cầu về thời trang phương Tây bắt đầu tăng mạnh và các doanh nghiệp nhỏ Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng nắm bắt cơ hội này.

Quần áo giá rẻ từ Thổ Nhĩ Kỳ sớm chiếm lĩnh các thị trường của Nga. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ mau chóng tìm thấy thị phần trong ngành xây dựng Nga và thoả thuận năm 1997 về cung cấp khí đốt thông qua đường ống “Dòng chảy Xanh” đem lại một xung lực lớn cho quan hệ hai nước.

2. Thời kỳ hoàng kim trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước

Tuy nhiên, ở cấp chính trị cao nhất, mối quan hệ giữa hai nước chỉ thực sự được đẩy mạnh sau khi ông Vladimir Putin trở thành Tổng thống Nga vào năm 2000 và ông Recep Tayyip Erdogan lên nắm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2003. Trong nhiều năm, quan hệ giữa hai chính trị gia này khăng khít và thân thiện. Trong thời kỳ hoàng kim này, kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia, bao gồm cung cấp khí đốt, tăng lên 4 lần. Năm 2014, hai bên trở thành các nước đối tác thương mại tối quan trọng của nhau.

3. Vấn đề Crimea và việc khởi công xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”

2014 cũng là năm thử thách đối với quan hệ hai nước. Về bề ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhẹ nhàng phản ứng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea cho dù lo ngại về bộ tộc Tatars đang sinh sống trên bán đảo này vốn có liên quan về sắc tộc của mình. Mối quan hệ Thổ – Nga dường như đã vượt qua được thử thách này. Điều này được thể hiện trong tuyên bố ngày 1/12/2014, khi Moscow và Ankara công bố khởi công xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới với tên gọi “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” chạy từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Biển Đen. “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” có thể là phương án thay thế đề án về đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam” không thành công.

4. Việc Nga công nhận nạn diệt chủng người Armenia và vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga

Tuy nhiên, các cuộc thương lượng về việc xây dựng đường ống khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đã bị trì hoãn và quan hệ căng thẳng giữa hai nước gia tăng, trong đó phải kể đến vấn đề liên quan đến sự xung đột giữa Armenia và Azerbaijan về vùng đất tranh chấp Nagorno-Karabakh. Và khi Tổng thống Nga chính thức sử dụng từ nạn diệt chủng để nói về việc người Thổ tàn sát người Armenia trong Thế chiến lần thứ nhất, thì đây là một “đòn đánh” mạnh đối với Ankara. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ liền nhắc nhở Moscow về vụ sáp nhập Crimea và các vụ thanh trừng toàn bộ các dân tộc chống đối tại Nga dưới thời Stalin.

Song điều mà ông Erdogan thấy bất ổn nhất đó là sự can thiệp của Nga vào cuộc nội chiến ở Syria. Ankara đã nhiều năm trời theo đuổi các mục tiêu hoàn toàn khác với Moscow về mặt trận Syria mà không thành công. Thổ Nhĩ Kỳ muốn phế truất Tổng thống Syria Bashar al-Assad, còn Nga ủng hộ ông Assad.

Một biến cố xảy ra vào ngày 24/11/2015 đã đẩy quan hệ căng thẳng giữa hai nước lên mức đỉnh điểm. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga. Có các nguồn tin trái chiều về vấn đề chiến đấu cơ này bị bắn hạ trên vùng biên giới giáp ranh giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hay như Ankara công bố là Su-24 nỳ đã thâm nhập vào không phận của nước mình. Moscow đáp lại bằng cách áp lệnh trừng phạt toàn diện với Thổ Nhĩ Kỳ, gồm lệnh cấm nhập khẩu nông phẩm Thổ Nhĩ Kỳ, đòi hỏi visa với người Thổ Nhĩ Kỳ, đình chỉ phần lớn các dự án kinh tế hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Song thiệt hại lớn nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ là Nga cấm bán các tour du lịch trọn gói đến Thổ Nhĩ Kỳ.

5. Ngỏ lời xin lỗi và nối lại quan hệ hữu nghị

Vào tháng 6/2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã viết thư xin lỗi Tổng thống Nga về vụ bắn hạ máy bay Su-24. Ông Erdogan nhấn mạnh rằng ông vẫn xem Nga là một “nước bạn” và “đối tác chiến lược” và cho biết ông muốn củng cố lại quan hệ song phương giữa hai nước. Đáp lại, ông Putin đã dỡ bỏ lệnh cấm bán các chương trình du lịch trọn gói đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng dự định từng bước dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khác đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Nga tại thành phố St. Petersburg vào tháng 8 năm nay cho thấy cho dù hai bên đã sẵn sàng nối lại tình bằng hữu song không bên nào muốn thay đổi chính sách đối ngoại của mình.

Bất đồng về vấn đề Syria xem ra không dễ khai thông. Hai bên đã nhất trí tiếp tục thương lượng về việc xây dựng đường ống khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và nhà máy điện hạt nhân do Nga thiết kế ở Akkuyu cũng như thiết lập một khu vực thương mại tự do. Tuy nhiên, ngay ở thời điểm hiện tại quan hệ hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chưa thể nói đã trở lại được mức tốt đẹp như trước./.

CTV Xuân Hương/VOV.VN
Theo DW

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *