(kontumtv.vn) – Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trái phép, vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam, Nga kỷ niệm ngày Chiến thắng phát xít hay Thủ tướng Thái Lan bị cách chức là 3 trong số 8 sự kiện quốc tế đáng chú ý nhất trong tuần qua.

Những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam

1.     Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trái phép vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam

Theo Ủy ban Biên giới quốc gia, lúc 5h22’ ngày 1/5 vừa qua, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (mà Việt Nam vẫn thường gọi là HD 981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16 giờ ngày hôm sau, giàn khoan này được thả trôi, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.

Còn theo Phó Tư lệnh, Tham Mưu trưởng Cảnh sát biển Ngô Ngọc Thu thì sáng ngày 2/5, 3/5 và 12 giờ trưa ngày 7/5 các tàu hải giám và của Trung Quốc đã nhiều lần lao vào tàu của Việt Nam gây rách một số tàu và làm 6 người bị thương do mảnh kính găm vào phần mềm.

Trong ngày 07/5/2014, Trung Quốc đã huy động, lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm: Tàu Hộ vệ Tên lửa 534 và tàu Tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 753; cùng 33 tàu Hải Cảnh, Hải Giám, Ngư chính; các tàu vận tải, tàu cá và các tàu phục vụ khác. Khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD981, các tàu bảo vệ của Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay, có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của Việt Nam nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu. Bên cạnh đó, Trung Quốc sử dụng đồng thời máy bay số hiệu 8321 bay trên không phận tàu CSB8003, nhằm uy hiếp các tàu Việt Nam. Đối với các tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào, gây nên tình trạng hết sức căng thẳng trên thực địa.

2.     Nga kỷ niệm ngày Chiến thắng phát xít

Hôm 9/5, nhân dân Nga, các quốc gia thuộc Liên Xô và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới kỷ niệm 69 năm Ngày phát xít Đức đầu hàng Hồng quân Liên Xô, đánh dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh thế giới thứ 2.

Mở màn lễ duyệt binh là Lễ rước quốc kỳ Nga và lá cờ chiến thắng, lá cờ đã theo suốt cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết từ năm 1941-1945.

Phát biểu chúc mừng ngày Chiến thắng, Tổng thống Nga Putin khẳng định, nước Nga luôn trân trọng và bảo vệ sự thật thiêng liêng của Ngày lễ trọng đại này.

Sau phần nghi thức mở màn buổi lễ là cuộc phô diễn sức mạnh của quân đội Nga. 11.000 sỹ quan, binh lính thuộc các quân binh chủng trong toàn lực lượng vũ trang Nga lần lượt duyệt binh qua lễ đài trong tiếng nhạc hùng tráng.

Tiếp đó là cuộc diễu binh của 151 đơn vị vũ khí hạng nặng, nhiều hơn 50 trang thiết bị so với lễ duyệt binh năm 2013.

Màn biểu diễn trên không có sự góp mặt của 69 máy bay, bao gồm nhiều trực thăng và các chiến cơ mới, tượng trưng cho cuộc chiến thắng lợi tròn 69 năm.

3.     Thủ tướng Thái Lan bị cách chức

Hôm 7/5, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã chính thức ra phán quyết cách chức Thủ tướng Yingluck. vì cho rằng bà Yingluck đã lạm quyền trong vụ thuyên chuyển công tác của ông Thawil Pliensri, Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia hồi năm 2011. Một số Bộ trưởng trong nội các của bà Yingluck từng ủng hộ quyết định thuyên chuyển cũng sẽ bị cách chức.

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan đánh dấu diễn biến căng thẳng mới nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị dai dẳng ở Thái Lan.

Ngay sau khi bà Yingluck bị cách chức, nội các Thái Lan đã bổ nhiệm Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongpaisan làm thủ tướng tạm quyền mới.

Chính phủ tạm quyền Thái Lan cũng đang xúc tiến kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 20/7 tới.

4.     Thế giới lên án hành động của Trung Quốc tại biển Đông

Phản ứng trước hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu HD-981 trong vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời va chạm với tàu của cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam, nhiều nước trong khu vực và thế giới đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và cảnh báo Bắc Kinh rằng đây là những hành động mang tính khiêu khích và gây bất ổn tại khu vực.

Phát biểu trong buổi họp báo thường kì tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Thủ đô Washington ngày 7/5, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ – Jen Psaki khẳng định, những hành động đơn phương của Trung Quốc tại biển Đông là cách hành xử nguy hiểm và mang tính hăm dọa.

Cùng ngày, Thượng Nghị sỹ Mỹ John McCain đã ra thông cáo báo chí nêu rõ, việc Trung Quốc quyết định hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam cùng với việc triển khai hàng chục tàu hải quân để hậu thuẫn cho hành động mang tính khiêu khích này là đáng quan ngại và chỉ nhằm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc với tàu của cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.

5.     Mỹ kêu gọi Trung Quốc dừng các hành động khiêu khích ở Biển Đông

Hành động đưa giàn khoan nước sâu và tàu vũ trang vào thềm lục địa của Việt Nam mang tính khiêu khích, đe doạ tới an ninh ở khu vực. Đó là khẳng định của đại diện Chính phủ Mỹ trong một cuộc họp báo về chính sách đối ngoại của Mỹ tại Thủ đô Washington DC vào rạng sáng 9/5 theo giờ Hà Nội.

Tại cuộc họp báo, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, bà Marie Harf – Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục khẳng định quan điểm của chính quyền Mỹ cho rằng: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu và tàu vũ trang vào thềm lục địa của Việt Nam là hành vi khiêu khích, gây căng thẳng và tạo ra nguy cơ gây leo thang xung đột trong khu vực.

Khi một phóng viên Trung Quốc đưa ra quan điểm của Chính phủ Trung Quốc cho rằng “Việt Nam đưa tàu quân sự ra quấy rối giàn khoan của Trung Quốc”, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan mới là yếu tố gây căng thẳng.

Tuyên bố của bà Marie Harf tiếp tục là sự tiếp nối của một loạt các phát ngôn được coi là cứng rắn từ phía Chính phủ Mỹ sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào định vị tại thềm lục địa của Việt Nam từ hôm 1/5 vừa qua.

6.     Liên minh châu Âu ra tuyên bố về tình hình trên Biển Đông

Liên minh châu Âu đã chính thức bày tỏ lo ngại hành động đơn phương của Trung Quốc ảnh hưởng tới an ninh khu vực bằng một tuyên bố, do người phát ngôn của Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại công bố.

Người phát ngôn của Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã ra văn bản bày tỏ quan ngại của Liên minh châu Âu về hoạt động của giàn khoan Trung Quốc trong lãnh hải của Việt Nam.

Bản tuyên bố được ký ngày 8/5 và vừa được công bố tại Brussels.

7.     LHQ họp báo đề cập vấn đề Biển Đông

Đêm 8/5, theo giờ Việt Nam, tại Trụ sở LHQ đã diễn ra buổi họp báo về các vấn đề nổi bật diễn ra trong thời gian gần đây. Vấn đề căng thẳng tại Biển Đông với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu HD 981 trong vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng đã được báo chí quan tâm.

Tại cuộc họp báo nhanh diễn ra trong vòng chưa đầy nửa giờ đồng hồ, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ đã nêu ra hàng loạt vấn đề nổi cộm hiện nay trên thế giới. Và vấn đề căng thẳng tại Biển Đông và việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được phóng viên thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại New York đặt ra với Phát ngôn viên của LHQ.

Mặc dù chưa có một cuộc họp đặc biệt nào của LHQ về căng thẳng với những hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng vấn đề mà phóng viên Truyền hình Việt Nam đặt ra tại cuộc họp báo cũng đã được đưa vào thành một trong những nội dung nổi bật trong cuộc họp và được công bố trên trang web của LHQ.

8.     Tổng thống Nga Putin bất ngờ thăm Crimea

Tổng thống Nga Putin hôm 9/5 đã lần đầu tiên tới Crimea kể từ khi vùng lãnh thổ này sáp nhập vào Nga.

Chuyến thăm diễn ra khi mà tại miền Đông Ukraine, các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn khiến hàng chục người thiệt mạng.

Chuyến thăm được xem là lịch sử của Tổng thống Nga Putin lại càng có ý nghĩa hơn khi nó diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít (9/5), mà vẫn được gọi là ngày Chiến thắng.

VTV Online

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *