Chú thích ảnh
Người ủng hộ Brexit vui mừng với khẩu hiệu “We are free” (Chúng ta tự do). Ảnh: Reuters

Một kỷ nguyên mới đã ló dạng ở Vương quốc Anh, quốc gia đã quay lưng lại với cuộc “hôn nhân” 48 năm với châu Âu, đổi lấy một tương lại tự quyết nhưng vẫn có không ít bất định thời hậu Brexit.

Theo tờ Al Jazeera, nước Anh đã rời khỏi thị trường khổng lồ về con người, hàng hoá và dịch vụ của EU vào lúc 23h00 giờ GMT tại Brussels (Bỉ) ngày 31/12/2020, thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit kéo dài 11 tháng kể từ khi nước này chính thức rời khối vào ngày 31/1/2020.

Các tờ báo ra ngày đầu tiên của Năm mới đều đồng loạt phản ánh sự thay đổi lịch sử của nước Anh, nhưng khẳng định sự kiện vẫn gây chia rẽ sâu sắc và sẽ để lại hậu quả cho các thế hệ sau.

Trang nhất tờ Daily Express – ủng hộ Brexit – thể hiện hình ảnh Vách đá Trắng Dover, một biểu tượng lâu dài của nước Anh, với chữ “Tự do” in trên lá cờ của Liên hiệp.

“Our Future. Our Britain. Our Destiny” (tạm dịch: “Tương lai của chúng ta. Nước Anh của chúng ta. Số phận của chúng ta”), tờ báo chạy dòng tít.

Chú thích ảnh
Trang nhất tờ Daily Express số ra ngày 1/1/2021.

Tờ Independent ủng hộ EU thì ít chắc chắn hơn. “Thoát trách nhiệm  – hay lênh đênh?”, tờ báo đặt câu hỏi, phản ánh tâm lý bất an về con đường mà đất nước hiện đã lựa chọn.

Khi năm 2021 vừa bắt đầu, nhiều sự chú ý đã đổ dồn về biên giới vương quốc, đặc biệt là các cảng ở Eo biển Anh, để xem liệu việc kết thúc giao thương và đi lại liền mạch có gây ra sự chậm trễ hay gián đoạn nào không.

Nhưng khi ngày đầu năm cũng là ngày nghỉ lễ, sau đó là dịp cuối tuần, và chính phủ đã thông báo áp dụng thanh toán theo từng giai đoạn, thì một số vấn đề trước mắt đã được dự liệu và bầu không khí tại các cửa ngõ đất nước khá yên ả.

John Keefe, phát ngôn viên của Eurotunnel, công ty vận chuyển qua đường hầm Eo biển Anh, cho biết: “Dự báo giao thông trong vài ngày tới là rất nhẹ nhàng”.

Khi chuyến phà đầu tiên rời cảng Dover vào sáng sớm ngày 1/1/2021, các xe tải lăn bánh vào thành phố cảng Calais, miền Bắc nước Pháp, đã lần đầu tiên phải đối mặt với các quy định mới về vận chuyển hàng hóa đến và đi từ lục địa Châu Âu.

Mã vạch trên giấy tờ của anh lái xe người Romania Toma Moise được quét và phê duyệt chỉ trong vài giây. “Tương lai, tôi không nghĩ sẽ khó khăn”, Moise nói trước khi tiếp tục hành trình tới Anh.

Chú thích ảnh
Một chuyến phà rời Cảng Dover hướng đến Pháp, vào rạng sáng ngày 1/1/2021, ngày đầu tiên sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit. Ảnh: Reuters

Hiệp hội Vận tải Đường bộ Anh (RHA) ước tính khoảng 220 triệu mẫu đơn mới sẽ cần được điền mỗi năm để cho phép giao thương lưu thông với các nước EU, bao gồm cả giấy phép lái xe trên những con đường dẫn đến các cảng như Dover.

Rod McKenzie, Giám đốc điều hành chính sách công của RHA, nói với tờ The Times: “Đây là một thay đổi mang tính cách mạng”.

Những thay đổi thực tế khác bao gồm thời gian người Anh có thể đến thăm nhà nghỉ của họ ở lục địa, đi du lịch cùng thú cưng và chấm dứt việc Anh tham gia chương trình sinh viên EU.

Những người đi nghỉ mát và doanh nhân từng đi du lịch liên tục tại EU có thể đối mặt với sự chậm trễ, mặc dù những lo ngại rằng người Anh sẽ phải xin giấy phép quốc tế để lái xe ở châu Âu đã bị loại bỏ bởi một hiệp định riêng.

Quan trọng hơn, các ngư dân Anh tỏ ra bất bình trước một thoả hiệp trong hiệp định thương mại tự do cho phép tàu thuyền EU được tiếp cận vùng biển của Anh, dấy lên lo ngại về các cuộc đụng độ trên biển.

Tâm lý chia rẽ thực ra đã âm ỉ tại Anh từ sau cuộc trưng cầu dân ý về EU vào tháng 6/2016, khi đa số người Anh bỏ phiếu ủng hộ rời Liên minh – đối tác thương mại lớn nhất của Vương quốc.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, người ủng hộ Brexit, đã gọi đây là một “khoảnh khắc tuyệt vời cho đất nước này”. “Chúng ta có quyền tự do trong tay và việc tận dụng nó tôi đa là tuỳ thuộc vào chúng ta”, ông Johnson nói trong thông điệp video mừng Năm mới 2021.

Tuy nhiên Thủ tướng Anh lại đề cập khá ngắn gọn về những gì ông muốn xây dựng với “nền độc lập”, hoặc cách thực hiện điều đó trong khi đất nước đang phải vay số tiền kỷ lục để chi phí cho cuộc khủng hoảng COVID-19.

Những người ủng hộ Brexit coi đây là bình minh của một “nước Anh toàn cầu” độc lập mới. Trong khi đó, phe chỉ trích nói rằng nó đảo ngược nhiều thập kỷ hội nhập với các nước láng giềng, đe doạ tổn hại nền kinh tế, và tệ nhất, có thể dẫn đến sự tan rã vương quốc khi làm suy yếu những sợi dây gắn kết xứ England, Wales, Scotland và Bắc Ireland trong nền kinh tế 3 ngàn tỷ USD.

Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, đa số người dân ở England và Wales bỏ phiếu ủng hộ rời EU, trong khi phần lớn ở Scotland và Bắc Ireland ủng hộ ở lại.

Bắc Ireland, có chung biên giới với Ireland, thành viên EU, vẫn gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế của Liên minh theo thỏa thuận hậu Brexit.

Chú thích ảnh
Dòng xe cộ nườm nượp qua lại biên giới Anh trước ngày thời hạn chuyển tiếp Brexit kết thúc vào 31/12/2020. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, ở Scotland, Brexit đã củng cố sự ủng hộ cho nền độc lập của xứ này sau 300 năm liên minh chính trị với Anh.

Bộ trưởng Thứ nhất Scotland Nicola Sturgeon cho biết một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập sẽ diễn ra trong thời gian đầu của nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo, bắt đầu năm tới.

“Scotland sẽ sớm trở lại, châu Âu. Hãy tiếp tục sáng đèn”, ông Sturgeon đăng trên Twitter vào tối 31/12/2020.

Trong cuộc trưng cầu dân ý cuối cùng về sự độc lập của Scotland khỏi Vương quốc Anh, 55% người tham gia đã bỏ phiếu chống.

Tại Pháp, chứng kiến kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit, Tổng thống Emmanuel Macron đã đưa ra thông điệp lấy làm tiếc: “Sự lựa chọn rời khỏi châu Âu, cuộc Brexit này, là đứa con của tình trạng bất ổn ở châu Âu cùng nhiều lời nói dối và lời hứa hão huyền”. Ông khẳng định: “Vương quốc Anh vẫn là hàng xóm của chúng ta, vẫn là người bạn và đồng minh của chúng ta”.

Tờ Al Jazeera cho rằng thông điệp của ông Macron phản ánh thực tế rằng nhiều khía cạnh trong mối quan hệ tương lai của Vương quốc Anh và EU vẫn chưa được xác định.

Các cuộc thảo luận sâu hơn về các vấn đề từ cạnh tranh bình đẳng đến hạn ngạch đánh bắt hải sản đang được mong đợi diễn ra khi London và Brussels ổn định mối quan hệ mới của họ.

“Lúc này Brexit không có nghĩa đã hoàn tất, bởi vẫn còn các cuộc đàm phán cần tiến hành. Vẫn chưa có thoả thuận nào về dịch vụ, một lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Còn nhiều việc vẫn ở phía trước”, phóng viên Natacha Butler của tờ Al Jazeera nhận định từ Calais, Pháp.

Thu Hằng/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *