(kontumtv.vn) – Thảm kịch đêm 13/11 tại Paris đã thực sự gây chấn động toàn thế giới. Lần đầu tiên, ở thủ đô nước Pháp diễn ra một cuộc tấn công khủng bố liên hoàn….

Các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu vào đầu và cuối năm 2015 tại thủ đô Paris nước Pháp, cướp đi sinh mạng hàng trăm người và ý chí đoàn kết đấu tranh chống “bóng ma” IS đã biến nước Pháp thành tâm điểm của thế giới trong cuộc chiến chống khủng bố.

 Từ Charlie Hebdo đến Bataclan 

Đầu năm 2015, vừa qua một Noel êm đềm, cuộc xả súng tàn bạo ngày 7/1 tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, sát hại 12 người, ngay tại trung tâm Paris, khiến cả nước Pháp và thế giới bàng hoàng.

Mặc dù nghiêm trọng, nhưng người ta vẫn chỉ coi đây là hành động mang tính tự phát, đơn lẻ của 1-2 phần tử cuồng tín Hồi giáo, thường được gọi là “những con sói đơn độc”. Cuối năm, thảm kịch đêm 13/11 tại Paris đã thực sự gây chấn động toàn thế giới.

nuoc phap 2015- tam diem cua the gioi trong cuoc chien chong khung bo hinh 0
Cảnh sát phong tỏa đường phố sau hàng loạt vụ tấn công ở Paris vào đêm 13/11.

Lần đầu tiên, ở thủ đô nước Pháp diễn ra một cuộc tấn công khủng bố liên hoàn, tại nhiều điểm công cộng quan trọng, bằng thuốc nổ và tiểu liên AK, với cách thức trực diện, liều chết.

130 người chết, 352 người bị thương, riêng tại nhà hát Bataclan đã thực sự diễn ra một cuộc “tắm máu” với 89 khán giả bị sát hại, vào đúng dịp kỷ niệm 150 năm ngày khánh thành nhà hát.

Mục tiêu của bọn khủng bố không đơn thuần là những đối tượng “được lựa chọn” nữa (như những phóng viên, biên tập viên, chủ bút của tạp chí Charlie Hebdo đã “dám” đưa thánh Mohamed của Hồi giáo ra làm hình tượng châm biếm), mà cả dân thường, người nước ngoài. Công dân của nhiều quốc tịch khác nhau là nạn nhân trong sự kiện bi thảm này. Khủng bố đã nhằm cả vào các quán cafe, quán ăn, nhà hát… nơi tập trung nhiều dân thường tại hai quận thuộc hàng bình dân ở Paris. Nước Pháp đã thực sự bước vào “một cuộc chiến tranh”.

Pháp – mục tiêu lớn của khủng bố 

Sở dĩ diễn ra một loạt các vụ tấn công trong năm 2015 nhằm vào nước Pháp là bởi Pháp là một trong những nước phương Tây đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố và chống chủ nghĩa cực đoan.

Pháp đã cùng với Mỹ và một số nước phương Tây tấn công các hang ổ của Al Qaeda tại Afghanistan, triển khai quân truy quét các nhóm khủng bố ở Mali, Trung Phi, và gần đây mở các cuộc oanh kích các vị trí của IS tại Iraq và Syrie.

So với Mỹ, Pháp ở vị trí IS dễ tiếp cận và thâm nhập hơn, bởi ở châu Âu, gần với Trung Đông hơn, là nước có một cộng đồng người Arập-Hồi giáo đông nhất, lại tiếp tục phải đón nhận dòng người tỵ nạn từ Trung Đông với tư cách một “trụ cột” của Liên minh châu Âu.

Trước nguy cơ tan vỡ của lãnh địa (califat) hiện hữu ở Syria, Iraq do sức tấn công của Mỹ, Nga, Pháp…IS đang muốn phân tán lực lượng và “tàng hình”, chuyển cuộc chiến vào trong lòng các đối tượng thù địch.

Một califat của IS ở Syrae, Iraq có thể bị xóa sổ, nhưng cũng như trường hợp Al Qaeda ở Afghanistan, nó có thể phân tán đi mọi nơi, xây dựng những cơ sở mới và tiếp tục cuộc “thánh chiến” chống phương Tây. Những cuộc tấn công vừa qua có thể coi như là những đòn “trả đũa” việc Pháp mở các cuộc oanh kích vào các vị trí của IS tại Syrie từ cuối tháng 9.

Nước Pháp – trung tâm của sự cảm thông, chia sẻ và đoàn kết

Có lẽ chưa bao giờ, thế giới lại thể hiện sự cảm thông, chia sẻ lớn đến vậy với nước Pháp.

Các công trình công cộng ở mọi nơi đều lấy nền ánh sáng 3 mầu xanh trắng đỏ, mầu quốc kỳ Pháp, biểu tượng của “tự do, bình đẳng, bác ái”, mang dải đen. Tại tất cả các trận cầu lớn, cầu thủ và hàng vạn khán giả đều dành một phút mặc niệm các nạn nhân và hát vang bài Marseillais, quốc ca Pháp. Và cũng vậy ở các hội nghị quốc tế. Tại chân tượng đài quảng trường Cộng hòa, gần với nhà hát Bataclan, dòng người vô tận tới đặt hoa, thắp nến, ảnh, kỷ vật: một cuốn thơ, một cây ghita… tưởng nhớ những người đã khuất.

Cũng tại đây, danh ca Madona đã nghẹn ngào hát khúc “Imagine” bất hủ của John Lennon, kêu gọi tranh đấu vì hòa bình, đòi công bằng cho các nạn nhân. May mắn thoát chết, các thành viên của ban nhạc Eagles of Death Metal đã từ Mỹ quay ngay lại khóc cho những khán giả xấu số của mình. Hàng vạn quả chuông ở khắp nơi đã hòa cùng tiếng ngân lĩnh xướng của dàn chuông Nhà thờ Đức bà Paris đưa linh hồn các nạn nhân lên thiên đàng….

Sau sự kiện đêm 13/11, toàn thế giới hướng tới nước Pháp không chỉ để bảy tỏ sự chia sẻ, cảm thông, mà còn để thể hiện niềm hy vọng. Hy vọng nước Pháp sẽ nhanh chóng vượt qua đau thương, hy vọng vào một khả năng đoàn kết chống chủ nghĩa khủng bố. Và dường như nước Pháp đang cố gắng để xứng đáng với kỳ vọng này. Trong diễn văn tưởng nhớ các nạn nhân tại Điện Invalides, Tổng thống Francois Hollande đã khẳng định ý chí đó.

Những trở ngại       

Mặc dù lãnh địa của IS chỉ bó hẹp trong không gian giữa Syrie và Iraq, nhưng những chiếc vòi của nó đã vươn tới Pháp và châu Âu. Tính chất nghiêm trọng và quy mô của các cuộc tấn công khủng bố đêm 13/11 buộc các nhà lãnh đạo Pháp ý thức về “một cuộc chiến tranh” đang phải đương đầu. Một cuộc chiến tranh không chiến tuyến, với một đối thủ vô hình là bóng ma IS, có thể gieo giắc chết chóc ở bất cứ đâu, vào bất kỳ lúc nào.

Như vậy, Pháp đang phải đánh IS trên 2 mặt trận: một tại lãnh địa hiện hữu của chúng tại Syria-Iraq và một, vô hình, ngay trong lòng nước Pháp và châu Âu. Cả hai đều khó khăn và bộc lộ những khiếm khuyết nghiêm trọng.

Nếu như ở mặt trận thứ nhất, thiếu một liên minh thống nhất chống IS, chủ yếu do bất đồng quan điểm giữa Nga và phương Tây do Mỹ đứng đầu trong điều kiện giải quyết vấn đề (đặc biệt là về số phận của đương kim Tổng thống Syria Al Assad), thì ở mặt trận thứ hai thể hiện sự yếu kém trong công tác tình báo và hợp tác an ninh giữa các nước.

Nhìn lại sự kiện đêm 13/11, một số nhân vật có trong danh sách “đen” vẫn lọt vào Bỉ rồi sang đất Pháp an toàn để hoạt động. Trước hôm bị tiêu diệt (16/11 tại Saint Denis), tên cầm đầu Abdelhamid Abaaoud vẫn đi lại trên tầu điện ngầm và chuẩn bị một cuộc tấn công mới tại khu La Defence. An ninh Pháp được cho là có nhận được các tin tức từ Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch tấn công của IS, nhưng không được xử lý đúng đắn và kịp thời.

Để khắc phục những khiếm khuyết trên, Pháp đã gấp rút điều chỉnh các điều luật và chính sách liên quan, như kéo dài thời hạn tình trạng khẩn cấp, mở rộng quyền hạn điều tra của cơ quan an ninh. Pháp đang kêu gọi một liên minh thống nhất chống IS, trong đó, để tranh thủ Nga, Pháp không tiếp tục coi sự ra đi của Al Assad là điều kiện tiên quyết cho giải pháp vấn đề Syrie; tăng cường hợp tác tình báo.

Dự thảo nghị quyết về một liên minh chống khủng bố do Pháp soạn thảo đã nhanh chóng được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua.

Sau chiến dịch ngoại giao “con thoi” của Tổng thống Pháp F. Hollande, thêm Anh, Đức vào cuộc.

Sự cố chiếc Su24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi như một “gáo nước lạnh” dội vào nỗ lực tạo dựng một liên minh thống nhất chống IS. Nó phơi bày hố sâu không dễ vượt qua giữa hai liên minh do Mỹ và Nga cầm đầu trong cuộc chiến Syrie, xuất phát từ sự khác biệt mang tính nguyên tắc trong giải quyết vấn đề Syrie. Kẻ được hưởng lợi từ điều này chính là IS.

Ngoài ra, còn phải thấy một trở ngại nữa, còn lớn hơn nhiều, đó là sự khác biệt giữa hai hệ giá trị. Khủng bố chính là phản ứng tiêu cực của những phần tử cuồng tín, cực đoan, tự coi mình là những người trung thành với hệ giá trị Hồi giáo chân chính, chống lại hệ giá trị Thiên chúa, Cơ đốc giáo phương Tây và những tôn giáo khác.

Niềm lạc quan

Trong khó khăn, bản lĩnh của một đất nước, một dân tộc càng được khẳng định, mà biểu hiện rõ nét là sự tự tin, niềm lạc quan. Giữa những đóa hoa, nến… tại chân tượng đài quảng trường Cộng hòa, thấy rất nhiều cuốn “Paris một ngày hội” của Hemingway.

Một hiện tượng lạ, có lẽ nhiều người muốn lấy tít cuốn sách để thể hiện niềm lạc quan sống và chia sẻ với các nạn nhân. Như trước biết bao biến cố trong lịch sử, sau những thảm kịch vừa qua, Paris rung động nhưng không hoảng hốt và vẫn bình thản tiếp tục cuộc sống. Các quán cafe vẫn đông khách. Trên đại lộ Champs Élysées, trung tâm Paris, không khí đón Giáng sinh vẫn tưng bừng với các dãy kiot chan hòa ánh sáng, ông già tuyết luôn mỉm cười đôn hậu, dòng người trôi phiêu diêu trong khúc “La vie en rose” (Cuộc sống mầu hồng) của nữ danh ca Edith Piaf bất tử…

Hoàn cảnh xô đẩy, nước Pháp bỗng trở thành trung tâm của cuộc chiến chống khủng bố. Người ta hướng tới nước Pháp để chia sẻ và hy vọng. Khủng bố đã làm tổn thương, đánh thức niềm kiêu hãnh và thúc đẩy nước Pháp hành động. Những gì đang diễn ra cho thấy, đây là một cuộc chiến khó khăn, cần sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế.

Với sức hấp dẫn vốn có bởi bề dầy lịch sử và văn hóa, với những nỗ lực đang thể hiện, nước Pháp đang trở thành trung tâm đoàn kết chống khủng bố của thế giới./.

Thái Dương/VOV-Paris

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *