Ngày 23/7, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật về quyền tác giả dành cho báo chí và truyền thông, với mục tiêu cho phép các cơ quan báo chí và đơn vị truyền thông được hưởng một phần thu nhập từ hoạt động quảng cáo, khai thác thông tin của các đơn vị cung cấp nền tảng trung gian hay mạng xã hội như Facebook và Google.
Pháp thông qua luật buộc Facebook, Google trả tiền cho báo chí. (Ảnh minh họa: KT) |
Với 81 phiếu ủng hộ, chỉ 01 phiếu chống, các nghị sỹ trong Quốc hội Pháp đã chính thức thông qua dự luật về quyền tác giả đối với các cơ quan báo chí và truyền thông. Theo nội dung của dự luật này, các cơ quan báo chí và truyền thông được quyền yêu cầu các đơn vị cung cấp các phần mềm, ứng dụng tìm kiếm, khai thác thông tin trên môi trường internet hay các trang mạng xã hội phải trả tiền khi các đơn vị này trích dẫn hay đăng tải lại sản phẩm của họ.
Theo đó, các tập đoàn lớn như Google hay Facebook sẽ phải chia sẻ một phần thu nhập có được từ người dùng internet cho các cơ quan báo chí và truyền thông, khi người dùng internet tham khảo các nội dung được trích hoặc đăng tải lại trên các công cụ tìm kiếm hay mạng xã hội này. Luật quyền tác giả đối với báo chí và truyền thông còn quy định, các nhà báo, phóng viên, tác giả trực tiếp của các bài viết, video hay sản phẩm âm thanh cũng sẽ nhận được một phần thù lao, trong số thù lao mà Google hay Facebook trả cho cơ quan chủ quản.
Tuy nhiên, để tránh việc các cơ quan báo chí, truyền thông lợi dụng quy định này để chạy đua theo kiểu “câu lượt xem” bằng cách đăng tải các tiêu đề hấp dẫn, kích thích tính tò mò của người đọc, luật quyền tác giả đối với báo chí và truyền thông của Pháp quy định, chỉ các tác phẩm báo chí có chất lượng mới là đối tượng đàm phán để được trả thù lao. Các bản trích dẫn quá ngắn, nội dung sơ sài sẽ không được xem xét.
Dự luật về quyền tác giả đối với các cơ quan báo chí, truyền thông được Quốc hội Pháp thông qua sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán cụ thể hơn về mức thù lao, cách thức hưởng thù lao đối với các sản phẩm được sử dụng lại, cũng như việc lựa chọn đơn vị phụ trách việc tập hợp và quản lý các nguồn kinh phí này.
Trước đó, vào tháng 3/2019, sau hơn 2 năm 6 tháng tranh luận, Nghị viện châu Âu đã thông qua Chỉ thị về quyền tác giả trên thị trường internet. Điều 15 của Chỉ thị này quy định về việc bảo vệ các tác phẩm báo chí được đăng tải trên internet và việc khai thác trực tuyến các sản phẩm này. Nghị viện châu Âu yêu cầu các quốc gia thành viên phải áp dụng các biện pháp để triển khai nội dung Chỉ thị này thành luật cụ thể của mỗi quốc gia. Như vậy, Pháp là quốc gia thành viên đầu tiên triển khai một phần Chỉ thị này của Nghị viện châu Âu./.
Huỳnh Điệp/VOV-Paris