(kontumtv.vn) – Chính quyền Nhật Bản đang cứng rắn với chính sách của mình trong một mong muốn tăng cường sức mạnh quân sự ra bên ngoài.

Phòng vệ trước tiên là bảo vệ người Nhật

Ông Takaki, đại diện cho Trung tâm tình nguyện Quốc tế Nhật Bản tại Sudan-tổ chức đang thực hiện việc hỗ trợ nhân đạo tại Sudan tỏ ý lo ngại khi Nhật Bản thực thi Quyền phòng vệ tập thể. Ông nói: “Việc tạo ấn tượng cho Nhật Bản như một quốc gia hòa bình không thể không liên quan tới việc an toàn của chúng tôi bị đe dọa”.

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tập trận đổ bộ (Ảnh: Kyodo)

Cũng không phải ngẫu nhiên ông Takaki có những phát ngôn như vậy. Tháng 6/2011, trụ sở văn phòng của ông tại Sudan đã bị một nhóm vũ trang tấn công, rất may ông đã bình an vô sự, tuy nhiên những thiết bị trong văn phòng bị hỏng hóc nặng nề. Trước đó, tại con phố bên cạnh đã xảy ra xung đột giữa Lực lượng của Chính phủ và lực lượng phản Chính phủ làm ảnh hưởng tới cả khu vực. Riêng nhóm vũ trang tấn công văn phòng ông mang sắc phục quân đội, nhưng là bộ đội chính qui hay lực lượng nào khác không thể nhận ra được.

Trong quyền phòng vệ tập thể vừa được Nội các Thủ tướng Shinzo Abe thông qua có qui định rằng: Trong trường hợp Tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài bị tấn công thì Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (PKO) có thể sử dụng vũ khí để bảo vệ, cứu trợ. Nhưng trong trường hợp cụ thể của ông Takaki, điều này không mang tính hiện thực, bởi lẽ không phải tổ chức nào hoạt động cũng ở gần PKO và việc xác định đâu là lực lượng PKO, đâu là kẻ địch vô cùng khó khăn.

Hơn thế nữa, Nhật Bản đang mong muốn tạo hình ảnh một quốc gia hòa bình, “không sử dụng vũ lực”, thì trước hết cần phải thể hiện rõ thông qua hoạt động của các Tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài chứ không phải hình ảnh của một người lính cầm súng. Điều đó sẽ gây sự phản cảm, suy nghĩ đối địch với những người dân sở tại.

Bởi vậy, việc tiếp tục các hoạt động hòa giải chiến tranh, viện trợ cho lĩnh vực y tế, giáo dục mới là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ người Nhật Bản ở nước ngoài.

Mâu thuẫn khó giải quyết

Theo tổng kết của báo Mainichi, thời điểm cao nhất mà dư luận phản đối việc thực thi quyền phòng vệ tập thể lên tới 30 tổ chức, đoàn thể, trong đó đáng chú ý có cả tổ chức thuộc giới văn hóa, tôn giáo.

Ông Yamada-một đạo diễn phim cho rằng việc thông qua quyền phòng vệ Nhật Bản thực chất là phá vỡ điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, biến nước Nhật thành “nước chiến tranh”. Đạo diễn này cũng kêu gọi sự tán đồng của những lập trường không muốn biến nước Nhật thành nước chiến tranh như trước kia. Một loạt những đạo diễn nổi tiếng như Takada, nhà viết kịch Koyama, diễn viên Masako… đã ủng hộ lập trường này của Đạo diễn Yamada.

Người Nhật phản đối việc thực thi quyền phòng vệ  (Ảnh: AP)

Hiệp hội Tôn giáo toàn Nhật cũng đã đưa ra tuyên bố của ông Tổng thư ký Hội với quan điểm vũ lực không thể giải quyết các mâu thuẫn mà phải được giải quyết bằng đàm phán hòa bình.

Liên hiệp hội Luật sư Nhật Bản phê phán việc chính quyền Thủ tướng Abe thông qua quyền phòng vệ tập thể, cho rằng quyết định này thực sự là hành động vi hiến. Liên hiệp hội yêu cầu bãi bỏ quyền này.

Luật sư Ito Makoto làm việc trong ngành pháp chế Nhật Bản trong cuộc phỏng vấn báo Kyodo trước thời điểm 1/7 đã phê phán quyết định này là sự thay đổi hiện trạng quốc gia, khiến sinh mệnh nhân dân rơi vào nguy hiểm.

Cũng theo Kyodo, Nhóm nghị sĩ Quốc hội tỉnh Okinawa cũng đã ra văn bản yêu cầu Nội các của Thủ tướng Abe cần xem xét cẩn thận việc thực thi quyền phòng vệ. Văn bản nhấn mạnh: Tỉnh Okinawa đã trải qua thời gian bi thương của chiến tranh, nên không thể quên sự bất an, khủng hoảng của chiến tranh. Do vậy, nếu quyền phòng vệ được thực thi thì sinh mệnh và tài sản của nhân dân tỉnh Okinawa bị đe dọa, kinh tế, du lịch cũng bị ảnh hưởng.

Mặc dù những làn sóng phản đối việc thông qua quyền phòng vệ ngày càng gia tăng, chính quyền Nhật Bản vẫn có những động thái “hướng ngoại” kêu gọi sự ủng hộ của các nước đồng minh.

Phó trợ lý Tổng thống Mỹ Ben Rhodes trong cuộc họp báo ngày 1/7 đã nhấn mạnh rằng Tổng thống Mỹ ủng hộ mạnh mẽ quyết định của Nội các Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe liên quan tới việc thực thi Quyền phòng vệ tập thể.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong một tuyên bố cũng đã hoan nghênh quyết định của Thủ tướng Nhật Bản và coi đây là bước tiến quan trọng để Nhật Bản có thể đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Ông Hagel khẳng định thêm: “Điều đó (việc thực thi quyền phòng vệ tập thể) sẽ khiến Nhật Bản có thể thực thi nhiệm vụ ở phạm vi rộng hơn, đem lại hiệu quả lớn hơn cho quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ”.

Nhấn thêm một bước khi ông Shinzo Abe trong chuyến thăm các nước Châu Đại Dương bao gồm New Zealand, Australia từ ngày 6-11/7 đã giải thích việc Nhật thông qua quyền phòng vệ tập thể và nhận được sự ủng hộ của các nước này. Thủ tướng New Zealand đã cam kết rằng sẽ cung cấp vật tư và quân đội. Tại Australia, Thủ tướng Australia đảm bảo rằng sẽ hợp tác chung với Nhật Bản trong phát triển quân nhu. Thủ tướng Australia cho nhấn mạnh: “Đây là bước đi đầu tiên tạo nên mối quan hệ đặc biệt trong lịch sửa hai nước”.

Cùng lúc với Thủ tướng Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng đang ở thăm Mỹ (từ 6-13/7). Mục đích chính của ông Onodera trong chuyến thăm là trao đổi với người đồng cấp Chuck Hagel về biện pháp tăng cường quốc phòng Nhật-Mỹ, giải thích việc thực thi quyền phòng vệ tập thể.

Rõ ràng chính quyền Nhật Bản đang cứng rắn với chính sách của mình trong một mong muốn tăng cường sức mạnh quân sự ra bên ngoài. Tuy nhiên, việc tạo dựng Nhật Bản với tư cách là “Quốc gia hòa bình” – mà theo các nhà hoạt động tại nước ngoài có lẽ sẽ không phụ thuộc nhiều vào việc quân đội Nhật sẽ tham gia hoạt động tại nước ngoài như thế nào mà phụ thuộc vào việc sẽ có những hoạt cụ thể nào như viện trợ y tế, giáo dục chẳng hạn. Xem ra mâu thuẫn giữa dân chúng và chính sách của ông Abe khó giải quyết./.

Bùi Hùng/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *