Dịch Covid-19, do virus SARS-CoV-2 gây ra, lan truyền dữ đội đầu tiên là ở Trung Quốc đại lục và một số nước láng giềng như Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng nay tình hình Covid-19 có phần dịu đi tại đó và trở nên nặng nề ở châu Âu và Mỹ. Giờ đây, xét về mặt dịch tễ học thì ở châu Á có vẻ an toàn hơn cả châu Âu và Mỹ.
Dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm, không chừa ai, chủng tộc nào, quốc gia nào. Ảnh: AFP. |
Có nhiều yếu tố cho thực trạng này. Điều đơn giản đầu tiên là châu Á bị dịch sớm hơn và giờ đang ở giai đoạn đi ngang và hoặc đi xuống của dịch. Còn châu Âu và Mỹ thì bị dịch muộn và đang ở giai đoạn dịch bùng phát mạnh.
Nhưng nguyên nhân của thực trạng này không dừng lại ở đó. Phương Tây không trải qua chu trình như châu Á. Phương Tây có sự cảnh báo sớm hơn, tốt hơn về virus SARS-CoV-2.
Đành rằng Trung Quốc đã lúng túng và thụ động trong giai đoạn đầu chống dịch Covid-19 nhưng các nước khác ở châu Âu cũng đã chậm chạp phản ứng dù tình hình dịch Covid-19 đã rõ ràng.
Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Mỹ, mới đây xác nhận rằng những lời kêu gọi thực hiện giãn cách xã hội để cứu sinh mạng con người đã bị cự tuyệt nhiều ngay từ hồi đầu dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ. Ông Fauci cho rằng Mỹ sẽ phải tìm cách phản ứng hiệu quả hơn nếu dịch này tái phát vào mùa thu tới.
Tuần trước nhà khoa học trưởng của Liên minh châu Âu (EU) đã từ chức do cách phản ứng của khối này trước dịch bệnh Covid-19 do chủng mới của virus corona gây ra. Ở Anh có scandal về việc thiếu đồ bảo hộ cho các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Còn ở châu Á thì đang có tâm lý ngạc nhiên là phương Tây đã không biết tận dụng thời gian quý báu khi châu Á đang lâm bệnh để có hành động ngăn chặn dịch sớm.
Nhiều nước phương Tây đổ lỗi cho Trung Quốc về việc không minh bạch trong giai đoạn chống dịch Covid-19. Tuy nhiên đến tháng 2/2020 thì thế giới đã biết nhiều về mức độ nguy hiểm và lây lan rộng của Covid-19 song nhiều nước vẫn không phản ứng kịp hoặc khước từ hành động kiên quyết để chặn dịch.
Tâm lý chủ quan, xem thường nguy cơ
Khi Covid-19 mới bùng phát, bệnh chủ yếu quanh quẩn trong Trung Quốc đại lục, và tại đây, nó chủ yếu tập trung ở thành phố Vũ Hán, trong một thời gian khá dài.
Benjamin Cowling, giáo sư tại trường Y tế Công cộng của Đại học Hong Kong, cho rằng chính vì thế mà nảy sinh tâm lý chủ quan cho rằng virus SARS-CoV-2 ít lây nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Colwing nói thêm rằng, chỉ đến một tháng sau đó, khi Covid-19 bùng phát ở miền bắc Italy với nhiều ca nhiễm thì người ta mới nhận ra là virus gây bệnh này lây lan cực nhanh ngoài tầm theo dõi.
Các ca nhiễm bệnh bùng nổ ở Italy vào cuối tháng 2/2020. Đất nước này đã phải thực hiện phong tỏa vùng Lombardy, rồi phần nhiều của miền bắc Italy. Quốc gia này sau đó vượt qua Trung Quốc về số người tử vong do virus corona vào đầu tháng 3/2020.
Tất nhiên virus SARS-CoV-2 đã lây nhanh và rộng đến mức bất ngờ nhưng nhiều chuyên gia cũng nhất trí rằng có tâm lý tự mãn trong các chính phủ ở phương Tây – họ cho rằng dịch bệnh này chỉ là một vấn đề của Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung và sẽ không xảy ra bên trong lãnh thổ nước họ.
Giáo sư Cowling nhận định tiếp: “Tâm lý chung của các nước này là họ nếu có bị ảnh hưởng thì sẽ là theo một cách khác vì cộng đồng dân cư của họ có một nền văn hóa khác… Nhưng thực tế là Covid-19 ảnh hưởng khắp mọi nơi trên thế giới này”.
Nadia Abuelezam, một nhà dịch tễ học ở trường Điều dưỡng Connel của Đại học Boston, cho biết: “Bất chấp việc nhiều nhà khoa học đã cảnh báo giới chức Mỹ về một dịch bệnh quy mô lớn, người ta lại không chịu hành động mấy để chuẩn bị đối phó cả”.
Bà Nadia thừa nhận có nguyên nhân là hệ thống y tế Mỹ thiếu ngân sách nhưng yếu tố lớn hơn vẫn là tâm lý bài ngoại trong xã hội.
Đã không hành động kịp và hiệu quả, khó đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan
Tác giả bài viết đăng trên website của Đài CNN cho rằng các chính phủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh, đã hành động quá chậm dù họ đã biết rất rõ là Covid-19 có tính lây lan cao, có thể truyền nhiễm từ người sang người, với tỷ lệ tử vong tương đối cao, đặc biệt là với một số nhóm nhất định trong cộng đồng dân cư, và rằng một trong những cách tốt nhất để khống chế dịch này là cách ly xã hội bắt buộc.
Ở Mỹ, các hướng dẫn giãn cách xã hội toàn quốc phải mãi tới ngày 16/3 mới được áp dụng, trong khi ca mắc Covid-19 tại nước này được ghi nhận vào ngày 15/1 và các dấu hiệu về “lây nhiễm trong cộng đồng” đã được phát hiện vào cuối tháng 2. Vương quốc Anh cũng “lề mề” khi chỉ ban bố phong tỏa và ra lệnh “ở trong nhà” vào cuối tháng 3, tức là 2 tháng sau khi nước này ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên.
Điều này tương phản với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Đài Loan từ cuối tháng 1 đã thực hiện hạn chế đi lại với những người đến từ Trung Quốc đại lục. Sau đó Đài Loan còn tung ra nhiều biện pháp khác trong các tuần tiếp theo để ngăn Covid-19 lây lan trên hòn đảo này.
Cũng không thể đổ lỗi hết cho việc thiếu thông tin. Vì Đài Loan không phải là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và không được nhận thông tin y tế từ WHO.
Chính phủ New Zealand ở châu Đại Dương cũng được thế giới ca ngợi vì cách ứng phó với đại dịch. Họ đã thực hiện hạn chế đi lại và tiến hành xét nghiệm diện rộng nhanh hơn cả Mỹ lẫn Anh.
Virus gây bệnh Covid-19 có nhiều điểm giống với virus gây dịch SARS hồi 2002-2003. Nhưng với kinh nghiệm quá khứ đó, các bên vẫn có những cách phản ứng khác nhau. Châu Á thì cảnh giác hơn, còn châu Âu thì chủ quan vì họ thấy rằng SARS hồi 2 thập kỷ trước đã lây lan không quá nhanh và quá rộng.
Như vậy chính sự chủ quan cộng với thái độ quyết bảo vệ nền kinh tế bằng mọi giá đã khiến cho nhiều quan chức phương Tây hành động không sát thực tế dù đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo sớm và rõ về Covid-19./.
Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch