(kontumtv.vn) – Từ sau Chiến tranh Lạnh, Moscow chưa bao giờ phải chịu một sức ép lớn đến như thế từ phương Tây. Trên các phương tiện truyền thông châu Âu và Mỹ, hình ảnh của nước Nga, và đặc biệt của Tổng thống Vladimir Putin, đã  trở nên rất xấu xi. Đâu là những nhân tố dẫn tới sự đồng thuận chưa từng thấy này ở châu Âu?

Bắt đầu từ 1/8, các lệnh trừng phạt siết chặt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga chính thức có hiệu lực. Lần này là khá nặng, có thể nói là cứng rắn nhất từ trước tới nay, được gọi là các biện pháp trừng phạt tầng thứ ba, nhằm vào các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế là tài chính, quốc phòng và năng lượng.

Lâu nay chẳng bao giờ có được sự đồng thuận đa số của 28 quốc gia EU mỗi khi phải đưa ra một quyết định nào đó chống lại Nga, và mạnh tay đến như vậy. Bởi Nga là một đối tác thương mại quan trọng của Đức và Italy. Nga cũng đem lại  nguồn thu nhập lớn cho London. Tương tự, từ thời Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Nga còn là một khách hàng sộp của các hãng sản xuất tàu chiến của đất nước hình lục lăng. Nhưng chưa hết, Nga còn là nước cung cấp khí đốt giá rẻ cho Đông Âu.

Putin, Nước Nga, Ukraine, trừng phạt, MH17
Putin không dễ oằn lưng chịu đòn. Ảnh minh họa

Vậy điều gì đã thay đổi châu Âu? Điều gì đã dường như đoàn kết được 28 nước trong một hành động vô cùng tức giận đối với Điện Kremlin? Cái chết của 298 người trên chuyến bay xấu số MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hôm 17/7 vừa qua được xem là một cơ hội. Thảm họa hàng không này đã nhanh chóng làm thay đổi quan điểm của các nhà lãnh đạo, thậm chí của cả những nước vẫn phản đối đề xuất áp đặt thêm các lệnh trừng phạt Nga như Đức và Italy.

Ngay cả Thủ tướng Đức Angela Merkel người đối thoại chính của phương Tây với ông Putin trong cuộc khủng hoảng MH17 cũng sẵn sàng hủy kỳ nghỉ hè để xử lý vấn đề trừng phạt Nga.

Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine leo thang đầu năm nay, bà Merkel đã cố gắng tìm cách cân bằng giữa những nước hiếu chiến (trong đó có Mỹ, Ba Lan và gần đây nhất là Anh) đòi trừng phạt Nga, và các nước có quan điểm ôn hòa hơn như Italia và Pháp.

Tuy nhiên, quan điểm của bà bắt đầu trở nên cứng rắn, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập Cộng hòa tự trị Crimea. Cho đến khi xảy ra thảm họa máy bay MH17, chính phủ của bà Merkel vẫn kiên quyết chống lại các biện pháp trừng phạt Nga. Bà vẫn đề nghị cho ông Putin thêm thời gian. Các quan chức Đức tuyên bố công khai rằng họ kỳ vọng ông Putin sẽ đảm bảo quân ly khai bảo vệ nguyên hiện trường vụ tai nạn máy bay, tôn trọng những người thiệt mạng và cho phép các nhà điều tra quốc tế sớm tiếp cận hiện trường. Nhưng rồi việc này đã không xảy ra. Merkel hết kiên nhẫn. Có thể thấy, sự thay đổi thái độ của Đức đã trở thành nhân tố quan trọng mang tính quyết định.

Vậy là đúng 100 năm sau khi Hoàng đế Đức Guillaume II chính thức tuyên chiến với Nga, khai cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (ngày 1/8/1914), Thủ tướng Đức Merkel đã làm một việc tương tự trên mặt trận kinh tế và địa chính trị. Và vụ chiếc máy bay MH17 bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng địa chính trị toàn cầu. Mối quan hệ giữa phương Tây và Moskva trở nên căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Nhìn lại quá khứ, cũng vào năm 1914, Chính phủ Áo đã tuyên bố rằng vụ ám sát Thái tử Franz Ferdinand là một “âm mưu của chính phủ Serbia” và tuyên chiến với Serbia, làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới Thứ nhất.

Năm 1983, Nga đã bắn hạ một máy bay chở khách của Hàn Quốc đi lạc vào Siberia, làm toàn bộ 269 người trên máy bay thiệt mạng. Rõ ràng là đó một tai nạn, nhưng lại trở thành một trong những nhân tố dẫn đến cuộc đối đầu nguy hiểm nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

5 năm sau, một tàu tuần dương của Mỹ bắn hạ chiếc máy bay dân sự Airbus A-300 của Iran ngay trên không phận của Iran. Trong khi Iran tố cáo đây là một hành động xâm lược thì Hải quân Mỹ đã ra sức “bao biện”, thậm chí còn thưởng huy chương cho các thủy thủ của mình. Washington từ chối thừa nhận trách nhiệm pháp lý trong vụ này, và phải đến 8 năm sau, họ mới chấp nhận bồi thường cho các gia đình nạn nhân.

Đến nay, vẫn chưa rõ vụ MH17 rơi ở Ukraine là do cố tình hay vô ý, nhưng thêm một lần nữa những sự cố như vậy đang bị bóp méo để phục vụ mục tiêu trả đũa chính trị.

Hãy thử so sánh. Mới đây, câu lạc bộ 5 nước (gồm Mỹ, Đức, Anh, Pháp và Italy) đã tổ chức một cuộc họp nhằm hội tụ lòng can đảm của mình và “gia tăng sức ép” yêu cầu ngừng bắn ở Gaza. Nhưng ngay sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hồi âm một cách rõ ràng và kiên quyết rằng ông sẽ không thay đổi kế hoạch kết thúc giải pháp cuối cùng cho Gaza, đó là triệt phá hoàn toàn các đường hầm ngầm tại đây, và sẽ làm việc này bất chấp mọi sức ép.

Không “xử lý” được Israel, Câu lạc bộ 5 nước này đã quyết định quay sang trừng phạt Nga! Ngay cả Hollywood có lẽ cũng không thể nghĩ ra một kịch bản như vậy.

Israel thì thoát khỏi sức ép sau vụ sát hại hàng loạt có chủ ý chống lại dân thường. (Gần 1.300 người Palestine đã thiệt mạng trong chiến dịch không kích và tấn công trên bộ của Israel tại Gaza. Mà đây không phải vụ đầu tiên, đã có nhiều cuộc tấn công Gaza như thế, cướp đi tính mạng của hàng nghìn người dân Gaza.) Còn Nga bỗng dưng trở thành nạn nhân liên quan đến một vụ giết người hàng loạt trên không (quy mô nhỏ hơn – gần 300 người thiệt mạng) dù chưa có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào khẳng định vụ này là do Moscow gây ra.

Đơn giản. NATO và EU đang hướng tới biên giới Nga như thể muốn chĩa súng vào cổng Điện Kremlin. NATO biện hộ rằng bất kỳ nước nào – dù là Latvia, Gruzia hay Ukraine – đều phải được tự do gia nhập bất cứ “câu lạc bộ” nào mà họ muốn. Và vụ  MH17 đã trở thành cái cớ để EU dồn sức vào ngón tay trỏ của mình. Và giật cò!

  • Bạch Dương/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *