Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vượt qua người đồng cấp nước Mỹ Barack Obama, người nắm giữ danh hiệu này năm 2012.

Đây là năm đầu tiên ông Putin nắm giữ danh hiệu này. Trong khi đó ông Obama đã liên tục được bầu là Nhân vật quyền lực nhất thế giới kể từ khi lên làm Tổng thống Mỹ năm 2009 chỉ trừ năm 2010 khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào được bầu.

Tổng thống Nga Putin đã tăng cường quyền lực của mình tại Nga trong khi Tổng thống Obama đã trải qua những giai đoạn đầy khó khăn trong 2 nhiệm kỳ của mình mà minh chứng gần đây nhất chính là việc chính phủ nước này đã bị buộc phải đóng cửa tạm thời.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh AP)

Hơn thế nữa, ông Obama cũng tỏ ra thất thế trong “ván cờ” Syria cũng như vấn đề rò rỉ thông tin tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Danh sách những Nhân vật quyền lực nhất trên thế giới là bản đánh giá thường niên của Tạp chí Forbes về sức ảnh hưởng thực sự của các nguyên thủ quốc gia, các Chủ tịch tập đoàn và các chuyên gia tài chính, những Mạnh Thường Quân, các giám đốc của các tổ chức phi chính phủ, các tỷ phú và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Danh sách trên bao gồm 72 nhân vật được Forbes lựa chọn trên toàn cầu (tức là mỗi một nhân vật sẽ đại diện cho 100 triệu người trên toàn thế giới).

Trong số 72 nhân vật nêu trên có tới 17 nguyên thủ tại các quốc gia có tổng GDP lên tới 48.000 tỷ USD, bao gồm cả 3 nhân vật quyền lực nhất là Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bên cạnh đó còn có tới 27 Chủ tịch của các tập đoàn có tổng doanh thu hàng năm lên tới 3.000 tỷ USD. Trong số này có cả những tỷ phú mới nổi như người sáng lập Tập đoàn Dangote người Nigeria Aliko Dangote (số 64) và Giám đốc điều hành Tập đoàn Oracle Larry Ellison (số 58).

Trong số 13 người lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách Forbes đáng chú ý có Giáo hoàng Francis (số 4), Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee (số 41), Chủ tịch Volkswagen Martin Winterkorn (số 49), Tổng thống Hàn Quốc Park Geu-hye (số 52), CEO của IBM Virginia Rometty (số 56) và người được Tổng thống Mỹ Obama đề cử là nhà lãnh đạo tiếp theo của Cục dự trữ Liên bang Mỹ bà Janet Yellen (số 72).

CEO của Rosneft và cánh tay phải của Tổng thống Nga Igor Sechin (số 60) và Tổng biên tập tờ New York Times Jill Abramson (số 68) đã trở lại danh sách này sau khi không có tên trong năm 2012.

Chỉ có 9 phụ nữ, chiếm 12% trong tổng số 72 nhân vật quyền lực nhất thế giới do Forbes lựa chọn, một con số còn quá khiêm tốn so với tỉ lệ 50% dân số toàn cầu là phụ nữ.

Tuy nhiên đây vẫn là một bước tiến đáng kể khi mà trong danh sách này ở cả 2 năm 2011 và 2012 đều chỉ có 6 phụ nữ được lựa chọn và năm 2009 chỉ có 3 người được lựa chọn chiếm 4,4% tổng số nhân vật quyền lực nhất thế giới tại thời điểm đó.

Bên cạnh Tổng thống Hàn Quốc Park Geu-hye còn có một số lãnh đạo nữ của các nước trên thế giới lọt vào danh sách năm này như Thủ tướng Đức Angela Merkel (số 5), Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (số 20) và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quốc gia Ấn Độ Sonia Gandhi (số 21).

Hai trong số các tổ chức phi chính phủ quan trọng nhất thế giới cũng được điều hành bởi các nhà lãnh đạo nữ là Giám đốc Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) Christine Lagarde (số 35) và Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan (số 59).

Các tỷ phú như Warren Buffett (số 13), Michael Bloomberg (số 29), Li Ka-shing (số 30), Charles and David Koch (số 31), và Mohammed Ibrahim (số 71) có tên trong danh sách của Forbes không chỉ vì khối tổng tài sản khổng lồ lên đến 564 tỷ USD của mình mà còn bởi những đóng góp tích cực của họ cho những hoạt động từ thiện./.

Trần Khánh/VOV online
Theo Forbes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *