(kontumtv.vn) – Mỹ và châu Âu vẫn chưa triển khai toàn bộ vũ khí có được chống lại Vladimir Putin. Nhưng nếu họ áp dụng biện pháp trừng phạt mạnh hơn thì Tổng thống Nga cũng không ngại ngần tuyên bố sẽ khiến các công ty dầu khí phương Tây đang hoạt động ở nước ông phải chịu “đau đớn”.

 Mỹ đã lặng lẽ hướng mục tiêu vào một số ông chủ công nghiệp dầu khí Nga trong loạt cấm vận mới nhất, trong khi châu Âu thì tránh được vấn đề dầu trong danh sách mục tiêu mới chống lại Putin. Dù vậy, ngày 29/4, Putin vẫn ám chỉ rằng, ông đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh dầu nếu bị phản đối hơn nữa.
Putin, Nga, Ukraina, Obama
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Minh Thăng

“Chúng tôi rất mong muốn không phải viện đến bất kỳ biện pháp phản ứng nào”, Tổng thống Nga tuyên bố. “Tôi hy vọng sẽ không phải làm thế. Nhưng nếu điều đó vẫn tiếp tục, chúng tôi tất nhiên phải suy nghĩ về những thành phần đang hoạt động trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga, gồm cả năng lượng”.

Theo giới phân tích, tuyên bố này đang nhằm thẳng vào các dự án lâu dài tại Nga của các tập đoàn dầu khí lớn như BP, Shell, Total và ExxonMobil.

Quan chức chính quyền Obama từng nói rằng, sự giàu có cá nhân của Putin là chọn lựa “hạt nhân” trong các biện pháp cấm vận. Nhưng điều này chỉ hữu dụng nếu việc làm giàu cá nhân là mối quan tâm duy nhất của Putin. Nếu động lực của ông là vinh quang về mặt lịch sử, thì sau đó dầu và tầm quan trọng then chốt của nó với nền kinh tế Nga đáng chú ý hơn nhiều.

Doanh thu từ xuất khẩu dầu giá cao là lý do giải thích vì sao Putin có thể mạnh tay trong cuộc khủng hoảng Ukraina hiện tại. Sản lượng tương lai của Nga tại Siberia và Bắc Cực sẽ củng cố quốc gia cùng với sự nghiệp chính trị của Putin và người kế nhiệm ông xuyên suốt những năm 2020.

Các sản phẩm dầu khí xuất khẩu ước tính chiếm 41% nguồn thu ngân sách nhà nước. Dự toán doanh thu từ dầu và các sản phẩm dầu của Nga ở mức 275 tỉ USD năm nay sẽ chiếm tới ¾ tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Tuy nhiên, bức tranh có thể thay đổi lớn nếu sự trừng phạt của Mỹ và châu Âu áp dụng với hai tập đoàn năng lượng lớn của Nga là Rosneft và Gazprom. Họ cũng có thể ngăn cản các công ty dầu khí phương Tây hỗ trợ Nga phát triển khu khai thác ở Siberia và Bắc Cực. Nhiều nhà phân tích tin rằng, khả năng khai thác của Nga ở Bắc Cực sẽ tê liệt nếu không có chuyên môn phương Tây.

Các biện pháp cấm vận cứng rắn hơn sẽ được Mỹ tiếp tục theo đuổi. Nhưng kể cả khi Washington chuẩn bị nhằm vào các công ty dầu khí của Nga thì ít người tin rằng, châu Âu sẽ theo cùng.

Thái An(theo Quartz)/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *