(kontumtv.vn) – Trước tình trạng chia rẽ nội bộ, một quan chức Kurd gợi ý sau khi IS bị tiêu diệt, cần chia Iraq thành 3 nước riêng biệt để tránh đổ máu giáo phái.

Một khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bại, Iraq nên được chia thành 3 thực thể riêng biệt, mỗi thực thể có một nhà nước riêng – đó là ý kiến của một quan chức người Kurd hàng đầu.

quan chuc kurd: nen chia iraq thanh 3 nuoc rieng biet sau khi is do hinh 0
Quân nhân Iraq. Ảnh: cbc.ca.

Quan chức này cho rằng 3 nhà nước đó lần lượt là của người Hồi giáo dòng Shiite, người Hồi giáo dòng Sunni và người Kurd.

Ông này giải thích rằng việc chia tách như thế là để tránh tình trạng đổ máu do mâu thuẫn giáo phái.

Quân đội Iraq đã đánh đuổi lực lượng khủng bố IS khỏi một số thành phố mà chiến binh IS chiếm được trong năm 2014 và đang tiến về Mosul – thành phố lớn nhất của Iraq hiện đang bị IS kiểm soát. Nếu Mosul thất thủ điều đó sẽ có nghĩa là “Caliphate” tự xưng của nhóm này chấm dứt sự tồn tại (ít nhất là ở Iraq – ND).

IS đổ, Iraq vẫn chia rẽ

Nhưng nếu IS bị loại bỏ, Iraq có thể vẫn tiếp tục bị chia rẽ sâu sắc. Bạo lực giáo phái đã tiếp diễn trong nhiều năm. Một thỏa thuận chia rẽ quyền lực trước đó cũng chỉ dẫn tới tình trạng bất mãn, bế tắc và tham nhũng.

Masrour Barzani, người đứng đầu Hội đồng An ninh Chính quyền Khu vực của người Kurd (KRG) cho biết, mức độ thiếu tin tưởng lẫn nhau vẫn cao và họ không nên ở “dưới cùng một mái nhà”.

Ông Barzani nói với hãng tin Reuters trong một cuộc phỏng vấn ở thủ phủ người Kurd – Erbil, vào hôm 15/6: “Hình thức liên bang không thực hiện được thì phải chuyển sang hoặc là bang liên hoặc là tách rời hoàn toàn ra. Nếu chúng ta có 3 quốc gia bang liên với nhau, chúng ta sẽ có 3 thủ đô ngang hàng với nhau, không có cái nào đứng trên cái nào”.

Người Kurd đã thực hiện nhiều bước đi để hiện thực hóa giấc mơ độc lập khỏi Iraq trong bao năm ròng. Kể từ khi Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003, Iraq liên tục do người Shiite đa số nắm chính quyền.

quan chuc kurd: nen chia iraq thanh 3 nuoc rieng biet sau khi is do hinh 1
Lính người Kurd. Ảnh: cbc.ca.

Người Kurd đã tự lo công việc nội bộ của mình ở miền bắc và duy trì lực lượng vũ trang riêng – lực lượng Peshmerga, lực lượng này đã và đang chiến đấu chống lại các chiến binh IS với sự trợ giúp từ liên quân của Mỹ.

Ông Barzani phát biểu thêm rằng người Sunni nên được trao cho quyền lựa chọn tương tự ở các tỉnh mà họ chiếm số đông ở miền bắc và tây Iraq.

“Những gì chúng tôi đề xuất là một sự lựa chọn. Theo đó họ không sống cùng một mái nhà nhưng có thể làm hàng xóm tốt với nhau. Một khi họ thoải mái cảm nhận rằng mình có tương lai tươi sáng và ổn định, họ có thể bắt đầu hợp tác với nhau”.

“Phương án không khả thi”

Phản ứng trước bình luận của Barzani, người Sunni cho hay phương án này khó thực hiện. Người Sunni sống rải rác trên khắp lãnh thổ Iraq và việc vạch ranh giới của bất cứ thực thể Sunni nào cũng có thể tạo ra một làn sóng căng thẳng mới.

Không như người Kurd sống tập trung ở miền bắc và miền tây bắc, người Sunni sống nhiều ở cả khu vực lõi của người Shiite và gần Basra ở phía nam.

Hassan al-Shwerid, một nghị sĩ người Sunni nói: “Chia tách Iraq đồng nghĩa với việc có thêm sự hủy diệt, bạo lực và chiến tranh.”

Abdul Rahman Sultan, một thành viên của hội đồng tỉnh Nineveh, cho biết giải pháp trao thêm quyền tự trị cho các vùng sẽ tốt hơn là chia tách đất nước.

Ahmed al-Misari, một nghị sĩ Sunni ở Baghdad, nói: “Sau khi đánh bại Daesh (tức IS), người Iraq nên ngồi với nhau và đạt sự đồng thuận về cách thức quản lý đất nước chứ không phải là chia tách đất nước. Nếu chúng ta muốn có một nước Iraq thống nhất, thì tất cả các cộng đồng sống trong đó cần có các quyền bình đẳng”.

Trong khi đó, ông Barzani cảnh báo về nguy cơ xảy ra “khoảng trống” gây hỗn loạn sau khi giải phóng Iraq hoàn toàn khỏi IS.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi bày tỏ hy vọng vào cuối năm nay (2016) sẽ giành được “thắng lợi cuối cùng” trước IS bằng việc chiếm được Mosul./.

Trung Hiếu/VOV.VNTheo Reuters

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *