(kontumtv.vn) – Các chuyên gia cho rằng, quan hệ Nga-Thổ khó có thể rạn nứt sau vụ không kích nhầm bởi hai nước cần phối hợp với nhau trong cuộc chiến ở Syria.

Ngày 9/2 vừa qua, chiến đấu cơ Nga đã vô tình không kích nhầm vào vị trí đóng quân của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gần thành phố al-Bab, phía bắc Syria. Vụ việc đã khiến 3 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và 11 binh sĩ khác bị thương.

quan he nga va tho sau vu khong kich nham khien 3 binh si thiet mang hinh 1
Xe bọc thép chở quân của Thổ Nhĩ Kỳ gần thành phố al-Bab, phía bắc Syria. Ảnh: Reuters

Nga – Thổ “phản ứng bình tĩnh” sau vụ việc

Không giống như phản ứng gay gắt của Nga sau vụ tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga ngày 24/11/2015 khiến quan hệ hai nước rơi vào trạng thái “đóng băng”, phản ứng của hai nước sau vụ việc tại al-Bab được đánh giá là khá bình tĩnh và không có động thái nào làm gia tăng căng thẳng.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cho biết “Máy bay chiến đấu của Nga đã vô tính đánh trúng một tòa nhà nơi các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đóng quân” gần thành phố al-Bab – thành lũy cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở phía bắc Syria.

Trước đó trong tháng 1 vừa qua, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí tiến hành các cuộc không kích chung nhằm mục tiêu là các chiến binh IS gần al-Bab. Việc phối hợp này được tiến hành ở cấp độ cao nhất, tuy nhiên vụ việc vừa xảy ra cho thấy sự phối hợp giữa hai bên vẫn chưa thực sự ăn ý.

Nhật báo Kommersant của Nga dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, tọa độ của mục tiêu đã được thỏa thuận trước đó, tuy nhiên bi kịch xảy ra có thể do sự phối hợp hành động không nhuần nhuyễn của các lực lượng mặt đất Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng, vụ tấn công nhầm vào binh sĩ nước này không phải là một hành động cố ý và nó xảy ra khi không quân Nga đang tiến hành không kích các mục tiêu của IS.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Tổng thống Nga Putin đã gọi điện cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, chia buồn về sự cố đáng tiếc này. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt để “ngăn chặn những sự cố tương tự xảy ra trong tương lai”.

“Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể đưa ra một phản ứng gay gắt như ông Putin đã làm sau vụ bắn rơi máy bay năm 2015, nhưng nước này đã không làm như vậy”, ông Alexander Baunov, tổng biên tập website của Trung tâm Carnegie ở Moscow viết trên trang Facebook. “Không giống như năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ hiện không có kế hoạch chơi một trò chơi riêng của mình ở Syria”.

Hiện ngoài việc tiến hành các cuộc không kích chung chống IS, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang cố gắng để thuyết phục cả hai phía trong cuộc nội chiến Syria tiến tới một giải pháp hòa bình. Cùng với Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đồng hỗ trợ cho các cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức tại Astana, Kazakhstan.

Ông Victor Nadein Raevsky, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế cũng tin rằng, sẽ không có sự rạn nứt trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. “Chắc chắn vụ không kích nhầm gây chết người này sẽ không gây ra đổ vỡ. Điều quan trọng bây giờ là hai bên cần tăng cường phối hợp trên mặt đất để tránh xảy ra một sự cố tương tự trong tương lai”.

Những nút thắt khó tháo gỡ xung quanh al-Bab

Các chuyên gia cho rằng, việc giải phóng thành phố al-Bab khỏi tay khủng bố IS chỉ còn là vấn đề thời gian. Hiện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) đang tấn công từ phía bắc. Trong khi đó, quân đội Syria với sự hậu thuẫn của không quân Nga đang tiến lên từ phía nam.

Tuy nhiên với việc Tổng thống Syria al-Assad “rất không hài lòng” với sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria có thể tạo ra nguy cơ xung đột tiềm tàng.

“Mặt trận nơi IS đối đầu với lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng FSA và mặt trận nơi phiến quân đối đầu với quân Chính phủ Syria đang xích gần lại với nhau và cơ bản đã trở thành một mặt trận chung”, ông Ilshat Saetov, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện RAS nhận định.

Ông Saetov tin rằng, điều này nhiều khả năng dẫn đến những giao tranh và tổn thất không cần thiết. Mặt khác, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Syria đều không muốn xảy ra chiến tranh ở mức cao nhất. Đó chính là lý do, ngay cả khi đồng minh của các bên phải chịu tổn thất, cuộc xung đột vẫn sẽ không leo thang.

“Các nguồn lực quân sự của quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ là không thể so sánh”, ông Yuri Mavashev, chuyên gia nghiên cứu Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ nhận định. Ngoài ra, Moscow có đủ ảnh hưởng đối với Tổng thống al-Assad để ngăn ông này có hành động chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặt khác, ông Mavashev chỉ ra rằng, xung đột giữa quân đội ở tiền tuyến là khó kiểm soát, đặc biệt là khi có thể có các đơn vị tình nguyện và lính đánh thuê chiến đấu ở cả hai phía./.

Nguyễn Hùng/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *