(kontumtv.vn) – Giới phân tích cho rằng, những gì ông Poroshenko sẽ phải đối mặt trên cương vị Tổng thống sẽ “không ngọt như vị chocolate”.

Ông Petro Poroshenko, một tỷ phú được mệnh danh là “Vua chocolate” ngày 25/5 đã tuyên bố trở thành Tổng thống Ukraine sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống cùng ngày. Như vậy, sau khi chính thức trở thành Tổng thống Ukrane, ông Poroshenko sẽ phải bắt tay vào nhiệm vụ cực kỳ khó khăn là ổn định tình hình trong nước, dung hòa lợi ích Đông  – Tây cùng hàng loạt các mục tiêu khác như phục hồi kinh tế, đại phẫu căn bệnh tham nhũng…

Một cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine ngày 25/5 (Ảnh: Reuters)

Cho đến trước cuộc bầu cử Tổng thống ngày 25/5, Ukraine vẫn đang quay cuồng trong bất ổn khi lực lượng ly khai ở miền Đông Nam vẫn kiên quyết không chịu xuống thang. Rõ ràng, nhiệm vụ khó khăn nhất lúc này của vị tân Tổng thống Ukraine là dập tắt làn sóng nổi dậy thân Nga trong khi dẫn dắt đất nước theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với phương Tây.

Dù mới chỉ tuyên bố chiến thắng, chưa chính thức nhậm chức, nhưng theo giới phân tích ông Poroshenko sẽ phải đối mặt với nhiều sóng gió khi ngồi vào “chiếc ghế nóng”. Ông Matthew Rojansky Giám đốc viện Kenan thuộc Trung tâm Woodrow Wilson nhận định: “Ông ấy (Poroshenko) đang ở giữa một tảng đá lớn và một bức tường kiên cố, sẽ rất khó để thoát ra”.

Petro Poroshenko là ai?

Ông Poroshenko là nhân vật được đảng UDAR giới thiệu ra tranh cử Tổng thống Ukraine. Đảng UDAR do cựu vô địch quyền anh thế giới Vitali Klitschko lãnh đạo. Nhưng nhân vật này đã rút khỏi cuộc đua, tuyên bố ủng hộ Poroshenko – người chủ trương thân phương Tây và có quan điểm cứng rắn bài trừ tham nhũng.

Ông Klitschko lý giải quyết định của mình như sau: “Cơ hội giành chiến thắng duy nhất là đề cử một ứng cử viên từ lực lượng dân chủ”.

Poroshenko, 48 tuổi, sinh ra tại vùng Odessa ở khu vực Tây Nam Ukraine. Ông tốt nghiệp với bằng kinh tế quốc tế tại Kiev năm 1989. Ông từng giữ các vị trí quản lý trong các doanh nghiệp vào cuối những năm 1990, bao gồm vị trí Tổng giám đốc công ty đầu tư Ukrprominvest.

Poroshenko bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1998. Năm 2002, ông thành lập đảng riêng, có tên là Solidarity, và giữ chức Chủ tịch đảng này cho đến năm 2002. Năm 2003, ông cho ra mắt kênh truyền hình Channel 5, sau này trở thành kênh truyền hình quan trọng có quan điểm đối lập.

Poroshenko từng là một trong những đồng minh thân cận nhất của cựu Tổng thống Viktor Yushchenko trong suốt cuộc Cách mạng Cam năm 2004.

Sau đó, ông giữ một loạt chức vụ cao cấp trong chính quyền, từng đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng Ukraine. Ông từ chức năm 2011 cùng với toàn thể nội các của bà Yulia Tymoshenko sau khi ông Viktor Yanukovich lên nắm quyền Tổng thống.

Năm 2012, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại.

Ông là tác giả của một số cuốn sách và các ấn phẩm học thuật về kinh tế. Poroshenko là một trong những người giàu nhất Ukraine hiện nay. Tạp chí Forbes của Mỹ ước tính tổng trị giá tài sản của ông hiện nay là 1,3 tỷ USD.

Ông Petro Poroshenko hiện là người giàu thứ 7 ở Ukraine (Ảnh: AFP)

Giới phân tích cho rằng, nếu trở thành Tổng thống, ông Poroshenko nhiều khả năng sẽ tập trung lôi kéo các nguồn vốn đầu tư từ Tây Âu nhưng cũng sẽ không bỏ qua cơ hội hợp tác với Nga.

Trên thương trường, ông Poroshenko từng kinh doanh với cả Nga, châu Âu. Bất chấp mối quan hệ với các đối tác Nga đã xấu đi nhiều sau khi Moscow cấm nhập khẩu mặt hàng chocolate từ tháng 7/2013 và việc Nga ra lệnh đóng cửa một trong số các nhà máy của Poroshenko trị giá 200 triệu USD, với kinh nghiệm sẵn có, chắc chắn ông Poroshenko sẽ không bỏ qua Nga vì những giá trị to lớn mà mối quan hệ này có thể mang lại.

Thế Đông – Tây vẫn là một câu hỏi hóc búa

Trong khi cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống diễn ra, điểm nóng Donbass ở miền Đông Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Lực lượng ly khai ở miền Đông cho rằng, cuộc bầu cử này chỉ đơn thuần là một sự kiện để hợp pháp hóa cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn lật đổ Chính phủ dân cử tại Kiev.

Theo Itar-Tas, ngày 26/5, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự phong (DPR), ông Denis Pushilin cho biết khu vực này đã ban bố tình trạng thiết quân luật. Giải thích cho quyết định này, ông Pushilin cho biết: “Thiết quân luật được áp đặt tại vùng lãnh thổ của DPR. Mục đích chính là nhằm quét sạch các đơn vị quân đội của Ukraine ra khỏi lãnh thổ của cộng hòa này”.

Bình luận về tuyên bố của ông Poroshenko rằng, Donbass sẽ là điểm đến đầu tiên sau khi ông chính thức tiếp quản cương vị Tổng thống Ukraine, ông Pushilin cho rằng, chuyến đi này là không thích hợp bởi tất cả các ứng cử viên Tổng thống đã không đả động đến sự kiện giới chức Kiev hậu thuẫn gây ra vụ thảm sát ở Odessa. Ông Pushilin nói: “Ông Poroshenko sẽ không có gì để nói ở đây”.

Bên cạnh đó, ông Pushilin cũng khẳng định, đối thoại giữa DPR với giới chức Kiev “chỉ có thể diễn ra với sự tham gia của trung gian” và rằng, chính quyền DPR “sẵn sàng thảo luận về những vấn đề liên quan tới trao đổi con tin và việc quân đội Ukraine khỏi lãnh thổ của DPR”.

Tuy nhiên, ông Petro Poroshenko, người sắp trở thành tân Tổng thống Ukraine sau cuộc bầu cử ngày 25/5, đã loại trừ khả năng đàm phán với lực lượng ly khai ở miền Đông nếu lực lượng này không từ bỏ vũ khí.

Ông Poroshenko cũng tuyên bố sẽ không bao giờ công nhận “sự chiếm đóng Crimea” của Nga đồng thời khẳng định “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine là điều tối thượng đối với ông.

Có thể thấy, ông Poroshenko đã tỏ ra rất hiểu thời thế khi ngay lập tức vẽ nên hình tượng một “hòa giải viên” khi tuyên bố hoạt động đầu tiên của ông sau khi nhậm chức là tới trung tâm của làn sóng ly khai ở vùng Donbass.

Tổng thống Nga Putin chưa đưa ra bình luận về kết quả bầu cử Tổng thống Ukraine (Ảnh: RIA)

Điều này có vẻ phù hợp với tuyên bố trước đó của ông cho rằng: “Những bước đi đầu tiên của tôi nói riêng và bộ máy lãnh đạo Ukraine nói chúng là tập trung tìm cách kết thúc sự hỗn loạn, mang lại hòa bình ổn định, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine. Hành động quyết đoán của chúng tôi hy vọng là sẽ mang lại kết quả nhanh chóng”.

Ông cũng nói rằng ông muốn dẫn dắt Ukraine hướng đến một mối quan hệ gần gũi hơn với Liên minh châu Âu (EU).

Mục tiêu rõ ràng là vậy, nhưng với việc những người ly khai ở miền Đông tẩy chay cuộc bỏ phiếu, vẫn còn quá sớm để có thể biết được thực sự có bao nhiêu người chấp nhận ông Poroshenko trở thành tân Tổng thống Ukraine.

Lực lượng ly khai ở khu vực Đông Nam Ukraine tuyên bố sẽ làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu và thực tế là họ đã thành công khi nhiều điểm bỏ phiếu ở khu vực này đã bị đóng cửa, nhiều lá phiếu bị đánh cắp trong khi các quan chức bầu cử bị đe dọa, thậm chí bị bắt cóc. Nhiều công dân ở miền Đông Ukraine từ lâu đã bày tỏ nghi ngờ về tính hợp pháp của Chính quyền lâm thời Kiev, thậm chí họ đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để đòi quyền tự chủ lớn hơn.

Một ngày trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết “Nga sẽ hợp tác với bộ máy chính quyền mới của Ukraine được bầu theo ý chí và nguyện vọng của người dân nước này” nhưng cũng nói thêm rằng, ông vẫn tiếp tục coi ông Yanukovich là Tổng thống hợp pháp của Ukraine.

Về phần mình, ông Paroshenko  khẳng định chắc chắn sẽ gặp người đồng cấp phía Nga, Vladimir Putin một khi kết quả chính thức được công bố. Không chỉ vậy ông này gọi Moscow là một đối tác quan trọng song khẳng định Crimea cần phải được trả về cho Kiev.

Nhà phân tích chính trị Taras Berezovets thuộc Trung tâm Truyền thông Berta Communications ở Kiev nhận định: “Ông Poroshenko thực sự mong muốn giải quyết những khúc mắc hiện nay với Moscow và muốn bắt đầu hợp tác kinh doanh càng sớm càng tốt. Nhưng trên cương vị Tổng thống, ông ấy không có quyền nói về vấn đề kinh doanh trước khi câu hỏi liên quan đến Crimea được giải quyết”.

Theo chuyên gia Berezovets, ông Poroshenko cũng không có quyền ngăn chặn chiến dịch “chống khủng bố” vì nó liên quan đến an ninh của cả nước. Như vậy, dù chưa chính thức ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Ukraine, ông Poroshenko đã phải đối mặt với một nhiệm vụ “bất khả thi” bởi việc dung hòa được lợi ích của lực lượng thân Nga trong khi vẫn chèo lái con tàu Ukraine tiến gần hơn với EU dường như là điều không thể.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Sau tuyên bố giành chiến thắng của ông Poroshenko, các nhà phân tích Ukraine đã lên tiếng cảnh báo “ông vua chocolate” không nên vui mừng quá sớm bởi ông gánh trên vai trọng trách nặng nề giúp Ukraine thoát khỏi những rắc rối hiện nay mà việc làm này không hề đơn giản.

Trong khi cuộc bầu cử diễn ra, quân đội Ukraine vẫn triển khai chiến dịch trấn áp lực lượng ly khai ở miền Đông (Ảnh: Reuters)

Ông Taras Berezovets nhận định: “Người dân không đánh giá được Poroshenko, sự lựa chọn của họ đơn giản chỉ là hy vọng thoát khỏi tình trạng rối ren hiện nay càng sớm càng tốt”.

Tuy nhiên, theo ông Berezovets, ông Poroshenko sẽ phải đối mặt với quá nhiều trở ngại để đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân. Trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Poroshenko đề xuất một số cải cách kinh tế trong đó có việc hợp tác với EU. Bên cạnh đó, ông cũng hứa hẹn sẽ giảm số lượng các loại thuế, hạn chế nguồn nội tệ chuyển sang các ngân hàng nước ngoài.

Xuất phát điểm từ một thương gia, những tuyên bố này của ông Poroshenko dường như mang nhiều sức nặng nhưng trên thực tế, Tổng thống có rất ít quyền lực để thực hiện những thay đổi này. Theo Hiến pháp hiện hành của Ukraine, Quốc hội có quyền quyết định ban hành pháp luật cũng như chỉ định một Chính phủ đại diện cho liên minh Nghị viện. Tổng thống là người phụ trách công tác thực thi pháp luật, an ninh quốc phòng cũng như đối ngoại.

Ông Poroshenko được cho là chính trị gia không có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các phe phái trong Quốc hội và như vậy sẽ không có đủ ảnh hưởng đến Quộc hội để thông qua một đạo luật như tuyên bố. Hiện tại đồng minh duy nhất của ông Poroshenko chính là các thành viên của đảng UDAR (vỏn vẹn có 40 người trong tổng số 450 ghế tại Quốc hội).

Trong khi đó, một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên cho rằng, ông Poroshenko sẽ phải đẩy nhanh chiến dịch làm trong sạch bộ máy công quyền, đẩy lùi nạn tham nhũng nếu muốn xích lại gần châu Âu. Ông này nói: “Đó sẽ là một tiến trình khó khăn bởi sẽ không dễ gì có thể phá vỡ các thói quen trong quá khứ”.

Tôi đã “đút lót và hối lộ” cả đời mình, và rồi sẽ tiếp tục phải làm như thế”, một cử tri có tên Iryna than phiền. “Các lãnh đạo chính trị mới trúng cử cũng sẽ hành xử tương tự. Đó là chuyện thường ngày ở Ukraine”.

Về những khó khăn trên phương diện kinh tế, Nhà kinh tế học Oleksandr Zholud thuộc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng Quốc tế ở Kiev cho rằng, nếu muốn thực sự cải thiện môi trường đầu tư, nhà lãnh đạo mới của Ukraine sẽ phải giải được bài toán khó ở khu vực Đông Nam.

Ông Zholud nói: “Nếu ông Poroshenko bắt đầu với cải cách trong hệ thống luật pháp, đó là sự thay đổi rất tích cực cho các doanh nghiệp. Thiếu các quy định của pháp luật chính là rào cản ngăn các nhà đầu tư thâm nhập thị trường. Tuy nhiên, để bắt đầu làm được việc đó, ông Poroshenko cần phải quản lý được xung đột ở miền Đông”.

Ông Poroshenko nói thêm: “Việc ông Poroshenko giành chiến thắng là tín hiệu tích cực với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nó không phải là một tín hiệu quan trọng. Chỉ khi cuộc xung đột ở Donbass được giải quyết, các nhà đầu tư mới nghiêm túc xem xét đầu tư tại Ukraine”./.

Hùng Cường/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *