(kontumtv.vn) – Vì điều kiện và đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều kiều bào đã không thể về nước đón Tết. Nhớ quê hương da diết là cảm xúc chung của nhiều người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày cúng ông Công ông Táo, trong căn nhà nhỏ của gia đình chú Vĩnh Hà (80 tuổi, kiều bào Canada) lại rộn ràng, rôm rả tiếng nói cười của nhóm sinh viên Việt Nam và một vài gia đình người Việt sống tại Quebec (Canada). Mọi người cùng nhau vo nếp, rửa lá, đãi đậu… để chuẩn bị gói bánh chưng, chuẩn bị đón Tết.

Ngoài hiên cửa, bếp lửa đã đỏ hồng, khói bốc lên nghi ngút cùng với mùi thơm của nếp, của đậu và mùi lá chuối thơm lừng, xua tan đi cái “lạnh” của những người đang nhớ quê giữa trời Đông đầy tuyết ở nơi này.

Chú thích ảnh
Du học sinh Nguyễn Thị Kiều Oanh cùng gia đình người Pháp làm những món ăn ngày Tết của Việt Nam. Ảnh: NVCC

Chú Vĩnh Hà chia sẻ: “Đã 35 năm đón Tết nơi xứ người nên lúc nào tôi cũng nhớ về quê hương, nhất là những ngày giáp Tết. Dù đón Tết ở nơi xứ người nhưng tôi cũng như đa số người Việt tha hương đều chuẩn bị ngày Tết theo đúng phong tục người Việt như gói bánh chưng, bánh tét, lì xì, cúng ông Công ông Táo, cúng đầu năm, rước ông bà… Đa số người Việt tha hương là những người đã gắn bó với quê hương Việt Nam nên vẫn cố giữ những phong tục tập quán đẹp cho mình và cho thế hệ tiếp nối”, chú Vĩnh Hà chia sẻ thêm.

Theo chú Vĩnh Hà, trước ngày 23 Tết, các du học sinh và một vài gia đình Việt Nam lại tề tựu, sum họp gói bánh chưng, bánh tét để “tìm” lại không khí Tết quê nhà. Những chiếc bánh chưng, bánh tét này sẽ làm quà tặng cho người thân, bàn bè để họ cúng ông Công ông Táo.

Chú thích ảnh
Mâm cơm ngày Tết có bánh mứt, hoa mai, chả giò mang hương vị Tết Việt do Kiều Oanh và những người bạn Pháp cùng chuẩn bị. Ảnh: NVCC

“Cách đây mấy chục năm, lá chuối rất hiếm nên khi nấu bánh chỉ dùng một lá bên trong còn bên ngoài bọc bằng giấy bạc. Tuy nhiên, những năm gần đây, thực phẩm Á Đông được nhập về nhiều và dân bản xứ cũng quen với phở, chả giò, gạo nếp và lá chuối nên những thực phẩm này không còn hiếm như trước. Thường tháng Tết bên mình là khoảng tháng 2 bên này, mà tháng 2 tháng 3 là tháng lạnh nhất tại Canada, nếu nấu bánh trong nhà thì hơi nước bốc lên không thoát ra ngoài được nên phải nấu nồi bánh ngoài hiên”, chú Vĩnh Hà kể.

Trong khi đó, với bạn Nguyễn Thị Kiều Oanh (quê Quảng Nam), trước khi sang Pháp du học, Oanh đã xác định tinh thần sẽ có cái Tết xa nhà và dự định sau 2 năm du học sẽ về Việt Nam thăm gia đình và đón Tết. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 xảy ra khiến cho kế hoạch trở về quê của Kiều Oanh bị thay đổi và Tết 2022 này là cái tết thứ 4 liên tiếp Kiều Oanh phải đón Tết xa gia đình.

Chú thích ảnh
Gia đình chị Thái Oanh và những người bạn đang sinh sống và làm việc tại Pháp cùng nhau đón giao thừa. Ảnh: NVCC

Không thể về Việt Nam đón Tết cùng gia đình, Kiều Oanh quyết định ăn Tết cùng một gia đình người Pháp. Tại gia đình người Pháp này, Oanh cũng chuẩn bị món nem, xôi đậu xanh, gỏi cuốn, bánh mứt… và trang trí hoa mai, hoa đào để giới thiệu với người Pháp về Tết cổ truyền của Việt Nam. “Ngày 30 Tết, tôi bắt tàu đi chợ châu Á tại Paris để mua các nguyên vật liệu chuẩn bị cho các món ăn và đi tàu cao tốc gần 600 km đến Vosges, một tỉnh phía Đông Bắc nước Pháp để ăn Tết cùng những người bạn Pháp”, Kiều Oanh kể.

“Mặc dù xa quê nhưng trong tim tôi luôn hướng về những ngày Tết ở Việt Nam như hướng về nguồn cội, văn hóa truyền thống của dân tộc. Gần 4 năm sống tại Pháp và chưa lần nào được trở về Việt Nam, thời gian tưởng chừng như cứ dài ra thêm và tâm trạng mình lúc nào cũng nôn nao, muốn được về nhà ngay lập tức, nhất là thời điểm cận Tết”, Kiều Oanh ngậm ngùi.

Nhắc đến Tết quê nhà, du học sinh Nguyễn Thị Kiều Oanh bùi ngùi tâm sự: “Tôi thèm được trở lại cái không khí nhộn nhịp, tất bật chuẩn bị mâm cơm ngày Tất niên, nơi các thành viên trong gia đình mỗi người một việc cùng nhau đi chợ, nấu nướng, bày trí các món ăn để cúng ông bà, tổ tiên. Tôi thèm được ăn những lát bánh tét thơm nức mùi nếp, đậu xanh và vị béo ngậy của miếng thịt mỡ. Buổi sáng Mùng 1 Tết cùng mẹ đi tảo mộ và thắp nhang cho ông nội là điều tôi xúc động và trân quý nhất”.

Chú thích ảnh
Chú Vĩnh Hà sẽ mang những đòn bánh tét này làm quà tặng cho người thân, bàn bè để họ kịp cúng ông Công, ông Táo. Ảnh: NVCC

Còn chị Thái Oanh (quê Đà Nẵng) đang sinh sống và làm việc tại Pháp cho biết, Tết Việt Nam rơi vào những ngày đi làm nên cộng đồng người Việt thường tụ họp nhau vào cuối tuần gần nhất của Tết để cùng nhau đón Tết. Cũng giống như ở Việt Nam, dù qua bên này công việc có bận rộn nhưng vào ngày gần Tết, gia đình chị Oanh cũng gói bánh tét, làm thịt mắm, cuốn chả giò, chuẩn bị bàn thờ và làm mâm cơm cúng đêm Giao thừa theo đúng giờ Việt Nam.

“Mỗi lần cúng Giao thừa xong, chúng tôi lại gọi điện thoại về chúc Tết gia đình hai bên nội ngoại. Cũng may giờ có điện thoại, có mạng kết nối nên mình có thể gọi điện thoại trực tiếp về nhà và nhìn thấy không khí đón Tết ở quê nhà”, chị Thái Oanh chia sẻ.

Chị Thái Oanh cho biết, Tết là ngày đoàn viên mà lại xa quê hương, xa nhà nên thấy buồn và nhớ nhà lắm. Lại một năm nữa gia đình chị không thể về Việt Nam đón Tết. Còn Nguyễn Thị Kiều Oanh cũng cho biết, mỗi cái Tết xa nhà, cô đều hướng về gia đình và người thân ở Việt Nam với bao kỷ niệm ngày Tết đoàn viên, sum vầy. Điều cô có thể làm là thường xuyên gọi điện về hỏi thăm và chúc sức khỏe gia đình, để mọi người trong gia đình mình luôn cảm nhận rằng dù ở xa nhưng mình vẫn bên cạnh họ, nhất là những ngày Tết.

“Thêm một năm nữa phải đón Tết online nhưng không sao, mình chỉ cầu mong tất cả mọi người luôn mạnh khỏe, bình an và Việt Nam sẽ sớm hết dịch bệnh, để ngày trở về của mình sẽ vui hơn, ý nghĩa và an toàn hơn”, Kiều Oanh mỉm cười nói.

Đan Phương/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *