(kontumtv.vn) – Thiết quân luật được áp dụng trên toàn lãnh thổ Thái Lan, tuy nhiên điều này không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân.

Lúc 6h ngày 20/5 (theo giờ Thái Lan), thông qua hệ thống truyền hình nhà nước, Tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha thông báo áp dụng thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Thái Lan và có hiệu lực bắt đầu từ 3h sáng. Việc áp dụng thiết quân luật không gây bất ngờ đối với các chuyên gia và giới thạo tin, bởi nhiều tín hiệu cho thấy quân đội sẽ có động thái mạnh mẽ nào đó trước sự đối đầu ngày càng tăng cao và khó kiểm soát giữa lực lượng ủng hộ và lực lượng chống chính phủ hiện nay tại Bangkok. Đại Tướng Prayuth Chan-ocha đã 2 lần tuyên bố quân đội sẽ can thiệp nếu xẩy ra bạo loạn và thiết quân luật được chọn là câu trả lời.

Ngoài rất ít những tổ chức phản đối, đa số các tổ chức xã hội tại Thái Lan tỏ thái độ ủng hộ việc áp dụng thiết quân luật sau khi tướng Prayuth Chan-ocha đưa ra các bản tuyên bố khác nhau với quyền lực được quy định trong Đạo luật Thiết quân luật.

Tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha trong buổi họp tuyên bố áp dụng Thiết quân luật (Ảnh: Bangkok Post)
Quyền Thủ tướng tạm quyền Niwatthamrong Boonsongphaisan cũng bày tỏ tin tưởng việc quân đội áp dụng thiết quân luật theo đúng như luật quy định, sẽ giúp lấy lại trật tự xã hội và đây cũng là mục tiêu của chính phủ tạm quyền hiện nay. Ông Niwatthamrong tuyên bố, chính phủ có thể song hành điều hành công việc với quân đội. Đảng Vì nước Thái cầm quyền tỏ thái độ không ủng hộ, tuy nhiên cả hai nhóm biểu tình ủng hộ và chống chính phủ đều tuyên bố chấp nhận lệnh không tuần hành.
Thái Lan là nước có Đạo luật Thiết quân luật 100 năm nay, trong đó quy định quân đội được quyền tuyên bố thiết quân luật. Sau hơn 6 tháng với các cuộc biểu tình giữa hai lực lượng bất đồng quan điểm kéo dài triền miên cả ngày lẫn đêm, mức độ đối đầu ngày càng căng cao với những tín hiệu cho thấy khả năng xẩy ra xung đột dẫn đến bạo loạn dữ dội, thì việc áp dụng thiết quân luật ở một mức độ nào đó lại là có lợi cho xã hội. Trong ngày 20/5, các bản tuyên bố do Bộ Chỉ huy bảo vệ trị an (POMC) – cơ cấu cao nhất điều hành các hoạt động trong khuôn khổ thiết quân luật – do đại tướng Prayuth Chan-ocha đứng đầu, đưa ra phần lớn đã có hiệu quả trong việc giữ vững tình hình an ninh trật tự xã hội tại Thái Lan.
Một điều khác cần phải nói là trong hơn 6 tháng qua, tại Bangkok đã xẩy ra hơn 50 vụ việc như đánh bom, xả súng, bắn lựu đạn… làm 30 người chết và hơn 800 người bị thương. Vì vậy những bản tuyên bố được đưa ra sau khi công bố áp dụng thiết quân luật như bản tuyên bố số 10 lúc hơn 9h tối 20/5, cấm một số đối tượng không được mang vũ khí hay vật liệu nổ theo người hay các bản tuyên bố khác cấm cả hai nhóm biểu tình không được tuần hành, hay cắt sóng 14 đài truyền hình và một số đài phát thanh cộng đồng có thiên hướng rõ ràng trong việc đưa tin ủng hộ cho cả hai lực lượng chống đối và ủng hộ chính phủ rõ ràng đã giúp cho tình hình ổn định hơn.
Trong hơn 6 tháng qua, tại Bangkok đã xẩy ra hơn 50 vụ việc như đánh bom, xả súng, bắn lựu đạn… làm 30 người chết và hơn 800 người bị thương. (Ảnh: AP)

Thời gian qua, vài ngày lại xẩy ra một vụ xung đột, bắn giết hay ẩu đả gây chết và bị thương nhiều người tại Bangkok, vì vậy trong ngắn hạn với các bản tuyên bố được đưa ra trong ngày 20/5, trật tự xã hội tại Bangkok cũng như tại Thái Lan bước đầu được ổn định. Do quân đội cũng chưa công bố một lộ trình giải quyết khủng hoảng, vì vậy những gì xẩy ra ngày 20/5 được nhiều bên ủng hộ, nhất là khối doanh nghiệp.

Mới đây, phát biểu trước những người ủng hộ, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố rằng, sẽ ra “đầu hàng” nếu cuộc biểu tình vào ngày 27/5 không thể lật đổ Chính phủ tạm quyền. Tuy nhiên, những tuyên bố tương tự đã xẩy ra nhiều lần. Hay như ông Suthep Thaugsuban từng tuyên bố “trận chiến cuối cùng” tới 12 lần trong hơn nửa năm biểu tình nay và chẳng biết bao giờ sẽ trận chiến cuối cùng thật sự? Bởi qua hàng chục lần quan sát để đưa tin về cuộc biểu tình do ông Suthep Thaugsuban lãnh đạo, thì đây tiếp tục là một chiến thuật kêu gọi tập hợp những người ủng hộ tại những thời điểm mà cựu Hạ Nghị sỹ này thấy cần thiết.

Tuy nhiên, sau khi Bộ Chỉ huy bảo vệ trị an (POMC) công bố bản thông báo số 2 quy định lực lượng biểu tình của ông Suthep Thaugsuban chỉ được ở tại 2 địa điểm cụ thể, ông Suthep Thaugsuban đã lập tức chấp hành và rút khỏi một tòa nhà trong khuôn viên văn phòng Phủ Thủ tướng, nơi ông chiếm giữ hơn một tuần qua và tuyên bố “đóng đô” lâu dài. Hiện cuộc biểu tình chống chính phủ đang trong thời kỳ thoái trào, một phần người biểu tình đã mệt mỏi do kéo dài hơn 200 ngày đêm, một phần vì không còn động lực khi những yêu sách do ông Suthep đưa ra đã được đáp ứng trong chiến thuật tạm thoái lui của chính phủ dưới thời bà Yingluck Shinawatra cầm quyền.

Tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha
Theo quan sát của phóng viên VOV thường trú tại Bangkok (Thái Lan), việc triển khai binh sỹ vũ trang, ô tô và xe vận tải quân sự đến một số địa điểm quan trọng không làm đảo lộn nhiều đến cuộc sống của người dân Bangkok. Các công sở, ngân hàng, siêu thị… vẫn hoạt động bình thường, đường vẫn tắc như một phần tất yếu của cuộc sống tại Bangkok. Bộ Chỉ huy bảo vệ trị an (POMC) đã mời đại diện các tổ chức, lãnh đạo cấp cao các Bộ, ban ngành đến 4 địa điểm trên toàn quốc để giải thích về nguyên nhân áp dụng thiết quân luật.
Thượng viện Thái Lan cho rằng, thiết quân luật không ảnh hưởng tới tiến trình lập pháp, trong khi đó chính phủ tạm quyền đã nhất trí với Ủy ban bầu cử quốc gia, hoãn tổng tuyển cử dự kiến ngày 20/7 sang ngày 3/8/2014. Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD hay còn gọi là những người Áo Đỏ), lực lượng ủng hộ chính phủ cũng có động thái xuống thang, không tuần hành mặc dù tối qua vẫn biểu tình tại chỗ. Còn thị trường chứng khoán Thái Lan xáo trộn không nhiều.
Hiện tại, điều người dân cảm thấy bị ảnh hưởng nhất là các kênh phát thanh và truyền hình công cộng thỉnh thoảng phải đồng loạt ngừng chương trình thường lệ để phát thông báo hoặc hoạt động của Bộ chỉ huy bảo vệ trị an (POMC). Điều nhiều người lo lắng là trong thời gian tới, với quyền lực rất lớn được trao cho quân đội, các bản thông báo tiếp theo sẽ như thế nào, bởi theo đạo luật Thiết quân luật, quyền tự do của công dân sẽ bị hạn chế, tuy nhiên đến cấp độ nào lại do quân đội quyết định và công bố.

Đồng thời, Tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha cũng cho biết, quân đội sẽ tổ chức các cuộc đàm phán giữa các bên có quan điểm đối đầu nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng chính trị hiện nay và việc áp dụng Thiết quân luật giai đoạn đầu là nhằm ngăn chặn bạo loạn bùng phát ở mức độ đẫm máu hơn.

Cũng theo quan sát của phóng viên VOV, đảo chính sẽ ít khả năng xảy ra. Nếu muốn thì quân đội đã làm đảo chính, nhưng đảo chính quân sự năm 2006 đã cho quân đội Thái Lan nhiều bài học giá trị đến ngày nay, khi không cho các bên cơ hội thỏa hiệp. Trong lịch sử Thái Lan, Thiết quân luật đã được áp dụng 7 lần nhưng đều xẩy ra sau đảo chính quân sự, nhưng lần này Thái Lan vẫn đang có một chính phủ cho dù quyền lực bị hạn chế theo luật do là tạm quyền. Không những thế, chính phủ hiện nay lại càng suy yếu khi ghế Thủ tướng còn trống và nay lại hoạt động dưới sự “giám sát” của quân đội như Đạo luật Thiết quân luật quy định.

Vị thế chông chênh hiện nay là điều bất lợi cho chính phủ nếu đối mặt với cáo buộc vi hiến, điều mà cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và 9 thành viên nội các vừa bị tòa án Hiến pháp Thái Lan loại khỏi chính phủ. Đảo chính quân sự là nhằm lật đổ chính phủ và nếu lật đổ chính phủ mà không cần quân đội trực tiếp tham gia, tại Thái Lan người ta gọi đó là đảo chính tư pháp./.

Xuân Sơn/VOV – Bangkok

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *