(kontumtv.vn) – Ukraine thiết lập vùng phi quân sự, Scotland nói “Không” với ly khai, Mỹ xem lại an ninh Nhà Trắng…

Người đàn ông đầu tiên đột nhập Nhà Trắng ngày 19/9/2014 (Ảnh ABC News)
Chỉ trong 2 ngày 19 và 20/9/2014 đã có 2 vụ đột nhập liên tiếp vào Nhà Trắng, nơi được coi là bảo vệ an ninh tốt nhất trên toàn thế giới.  Ông Omar Gonzalez, người đột nhập vào tòa nhà vào đêm 19/9, đã có thể xâm nhập vào bên trong mà không hề bị ngăn cản. Người này sau đó đã được cơ quan chức năng xác nhận là có đem theo dao.

Cơ quan Mật vụ đã tiến hành xem xét lại quy trình bảo vệ an ninh khi ngay ngày 20/9 tiếp đó lại có một vụ đột nhập vào Nhà Trắng lần thứ 2 diễn ra. Người đàn ông này đã cố tình tiếp cận vào Nhà Trắng từ khu vực dành cho xe cộ ở phía khác của tòa nhà và sau đó đã bị bắt giữ.

Giám đốc Cơ quan Mật vụ Julia Pierson đưa ra yêu cầu xem xét lại quy trình an ninh và kết quả điều tra sẽ được trình lên Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Jeh Johnson.

Chính quyền Ukraine và phe đối lập đã thỏa thuận thiết lập vùng đệm phi quân sự ngày 19/9/2014 (Ảnh Wochit)

Ngày 19/9, tại Thủ đô Minsk của Belarus, các nhà đàm phán đại diện cho chính quyền Kiev và phe đối lập của Ukraine cho biết đã ký thỏa thuận thành lập khu phi quân sự ở miền Đông Ukraine. Theo đó, hai bên đồng ý ngừng sử dụng tất cả vũ khí và rút toàn bộ pháo hạng nặng ra khỏi khu vực phi quân sự. Trước đó Kiev cũng đồng ý tăng quyền tự trịcho miền Đông.

Thỏa thuận này đánh dấu nỗ lực mới nhất nhằm mang lại hòa bình cho miền Đông Ukraine nơi các binh sỹ chính quyền Kiev và phe đối lập đã giao tranh dữ dội kể từ tháng 4/2014, khiến khoảng 3.000 người thiệt mạng.

Xe tải của một đoàn viện trợ thứ ba của Nga chờ bốc dỡ ở Donetsk, Ukraine, ngày 20/9/2014 (Ảnh EFE)

Ngày 20/9, đoàn xe viện trợ thứ ba của Nga đã vượt qua biên giới Ukraine để bàn giao hàng hóa viện trợ cho người dân tại khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine. Đoàn xe gồm 200 chiếc đã bốc dỡ hàng cứu trợ tại Donetsk sau khi vượt qua biên giới Nga-Ukraine. Đây là lần đầu tiên người dân tại Donetsk nhận được hàng cứu trợ từ Nga.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố, người phát ngôn an ninh Ukraine Volodymyr Polevoy đã nói rằng đoàn xe cứu trợ của Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Ukraine. Hai chuyến hàng cứu trợ của Nga tới Ukraine trước đây cũng đều vấp phải sự chỉ trích của Ukraine và các nước phương Tây.

Ukraine và các nước phương Tây luôn nghi ngờ Nga sử dụng đoàn xe nhân đạo làm “vỏ bọc” để cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập ở miền Đông. Nhưng Chính phủ Nga đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc đó, đồng thời khẳng định không có ý định xâm nhập lãnh thổ Ukraine dưới vỏ bọc viện trợ nhân đạo.

Nhà báo người Anh John Cantlie bị tổ chức IS giam cầm (Ảnh trích từ video clip do IS phát tán)

Tổ chức IS ở Iraq và Syria hôm 18/9 đã tung ra một đoạn video với nội dung nhà báo Anh John Cantlie bị chúng bắt tiết lộ “sự thật” về nhóm IS để bác bỏ cách truyền thông phương Tây bấy lâu nay vẫn hay mô tả tổ chức này.

Nhân vật tên Cantlie cho biết ông làm việc cho các tờ báo và tạp chí ở Anh, bao gồm tờ Sunday Times, the Sun và Sunday Telegraph.

Cantlie nói các chính phủ phương Tây khác đã đàm phán để các con tin của mình được thả nhưng riêng chính phủ Anh và Mỹ lại lựa chọn cách làm khác.

Ngoại trưởng Philip Hammond tuyên bố giới chức sẽ cẩn thận xem xét các tài liệu được đưa lên mạng.

Trong một diễn biến liên quan, ông Alan Henning, một công dân Anh đã tình nguyện làm lái xe cho đoàn xe chở hàng viện trợ tại Syria đã bị bắt 10 tháng trước và giờ đang nằm trong tay tổ chức IS. Trong thông điệp của mình gửi đến IS ngày 20/9, bà Barbara Henning thúc giục những kẻ bắt giữ chồng bà hãy thể hiện sự nhân đạo của mình và thả chồng bà ra, nhất là sau những gì chồng bà đã làm tại Syria.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu chào đón những người bị tổ chức IS bắt làm con tin được thả ngày 20/9/2014 (Ảnh EFE)

49 con tin người Thổ Nhĩ Kỳ được trả tự do bao gồm các nhà ngoại giao, gia đình của họ cùng các binh sĩ. Những người này bị bắt giữ hồi tháng 6/2014 từ lãnh sự quán của Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq sau khi các tay súng IS chiếm được một con đập ở thành phố Mosul.

Trước đó, 15/9, Hội nghị Quốc tế về hòa bình và an ninh cho Iraq đã được tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp. Hội nghị đã quy tụ đại diện của khoảng 30 quốc gia và tổ chức quốc tế. Một số nước được cho là ủng hộ một cách dè dặt, tránh đưa ra những cam kết cụ thể đối với các chiến dịch quân sự của Mỹ như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là dè dặt do lo ngại IS mở rộng tấn công sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và sát hại 49 công dân nước này đang bị IS giữ.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Ngân hàng Trung ương Thống đốc G20 tại thành phố Cairns, Australia. (Ảnh Reuters)

Ngày 21/9/2014, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các Ngân hàng Trung ương G20, nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới sau hai ngày họp đã bế mạc tại  thành phố Cairns, Australia. Các nước thành viên G20 đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh, nền kinh tế thế giới hiện đang phải đối mặt với sự suy yếu liên tục của cầu hàng hóa trong khi nguồn cung hàng hóa lại bị thu hẹp lại dẫn đến tăng trưởng kinh tế thế giới bị suy giảm.

Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 15-16/11 tới tại thành phố Brisbane, Australia.

Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt tay Tổng thống Philippines, Benigno S. Aquino III tại Berlin, ngày 19/9/2014 (Ảnh AP)

Tuần qua, Tổng thống Philippines Benino Akino đã có chuyến thăm chính thức tới 4 quốc gia châu Âu gồm Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Đức. Cùng với lãnh đạo các nước châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ủng hộ Philippines trong việc tìm ra giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Thủ tướng Đức đã khẳng định rằng: “Việc dàn xếp các tranh chấp quốc tế cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của UNCLOS”.

Trước đó, tối 18/9, tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp, Tổng thống Philippines Benino Aquino đã có buổi nói chuyện với 2 điểm chính: mối quan hệ đối tác với Pháp và châu Âu; và vấn đề tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Philippines Benino Aquino giới thiệu và phân tích quan điểm của Philippines, trong đó, nhấn mạnh thúc đẩy đối thoại trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và phát huy vai trò của ASEAN là những trọng tâm chính sách của Philippines để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

 Bộ trưởng đầu tiên của Scotland Alex Salmond nhìn những người nói “Không” với ly khai tại Ellon, Scotland, ngày 18/9/2014 (Ảnh AP)

Ngày 18/9, cử tri Scotland đã đi bỏ phiếu để lựa chọn việc “đi hay ở lại” với Liên hiệp Vương quốc Anh. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ do Ủy ban bầu cử Scotland công bố trưa ngày 19/9, có trên 55% cử tri Scotland đã ủng hộ việc ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh, so với hơn 44% bỏ phiếu muốn độc lập. Giới phân tích đã nhận định cử tri Scotland đã lựa chọn một câu trả lời “Không” của lý trí thay vì “Có” của con tim.

Trong một tuyên bố ngay sau khi kết quả trưng cầu ý dân được công bố, Thủ tướng Anh David Cameron đã bày tỏ vui mừng trước việc người dân Scotland quyết định không ly khai và Liên hiệp Anh vẫn thống nhất là một, đồng thời cam kết sẽ trao thêm quyền tự chủ cho Quốc hội Scotland.

Nhiều người dân trên thế giới, đặc biệt là người dân châu Âu như Nga, Tây Ban Nha cũng đã lên tiếng chúc mừng nước Anh và bày tỏ sự đồng tình với quyết định ở lại Anh của người dân Scotland./.

Bích Đào/VOV.VNTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *