(kontumtv.vn) – Chuyến thị sát Biển Đông của ông Carter được cho là nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ về tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực đến Trung Quốc.

bo truong quoc phong my thi sat bien dong, trung quoc thu ten lua hinh 0
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chuyến thăm Philippines. Ảnh: AP

1. Ngày 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cùng người đồng cấp Philippines Gazmin đã có mặt trên tàu sân bay USS John C. Stennis đi thị sát Biển Đông.

Đây đã là lần thứ 2 trong 5 tháng qua, ông Carter lên một chiếc tàu sân bay của Mỹ để thị sát Biển Đông nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ về tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực đến Trung Quốc.

Việc hiện diện trên tàu sân bay USS John C. Stennis cùng quan chức đồng minh Philippines cho thấy Mỹ luôn thực thi đầy đủ cam kết của mình đối với các đồng minh nhằm đối phó với việc Trung Quốc ngày càng có những động thái làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông bằng việc cải tạo phi pháp các bãi đá thành đảo nhân tạo và xây dựng trái phép nhiều đường băng phục vụ mục đích quân sự tại đây.

Hôm 19/4, trang tin Washington Free Beacon đưa tin cho biết, Trung Quốc ngày 12/4 đã tiếp tục thử một tên lửa tầm xa mới có tên DF-41. Nguồn tin không nói rõ địa điểm tiến hành vụ phóng, mà chỉ lưu ý động thái này diễn ra trước thềm chuyến thăm tàu sân bay USS Stennis đang làm nhiệm vụ ở Biển Đông của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter.

Mới đây trong một tuyên bố trên trang web của mình, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định các vụ thử nghiệm thường xuyên trên lãnh thổ Trung Quốc là hoạt động bình thường; đồng thời cho biết “những thử nghiệm này không nhằm vào bất kỳ một quốc gia hay mục tiêu nào”.

bo truong quoc phong my thi sat bien dong, trung quoc thu ten lua hinh 1
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đón Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP

2. Liên quan tới tình hình Biển Đông, trong chuyến thăm tới Bắc Kinh mới đây, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thẳng thắn bày tỏ quan ngại về vấn đề Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc giải quyết trong hòa bình mọi tranh chấp lãnh thổ.

Tờ The Australian dẫn lời lãnh đạo Australia cảnh báo thêm là Trung Quốc có nguy cơ bị ảnh hưởng đến lợi ích ngoại giao lẫn kinh tế nếu tình hình khu vực tiếp tục căng thẳng.

Chuyến thăm của ông Turnbull diễn ra giữa lúc Mỹ thông báo sẽ thường xuyên triển khai lực lượng đến Philippines và tiến hành thêm nhiều cuộc tuần tra chung tại Biển Đông.

bo truong quoc phong my thi sat bien dong, trung quoc thu ten lua hinh 2
Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt chân đến Anh. Ảnh AFP

3. Tối 21/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới thủ đô London, bắt đầu chuyến thăm nước Anh.

Chuyến thăm Anh là một phần trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ tới một số nước Trung Đông và châu Âu để bàn về một loạt điểm nóng liên quan đến cuộc chiến chống IS.

Tuy nhiên, chuyến thăm Anh có thêm một nhiệm vụ đầy khó khăn là thuyết phục cử tri Anh không lựa chọn rời Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 tới.

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh David Cameron ở thủ đô London, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 22/4 một lần nữa nhắc lại lập trường của Mỹ rằng, nướcAnh nên ở lại Liên minh châu Âu, đồng thời cảnh báo, nếu lựa chọn rời Liên minh châu Âu, tức là nước Anh đã “tự làm khó mình” trong các mối quan hệ thương mại với Mỹ.

bo truong quoc phong my thi sat bien dong, trung quoc thu ten lua hinh 3
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (ảnh: AP).

4. Chiều tối 22/4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới thành phố Gaziantep, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới Syria để thăm một trai tị nạn và gặp Thủ tướng nước chủ nhà Ahmed Davutoglu.

Chuyến thăm diễn ra 3 tuần sau khi thỏa thuận  gây tranh cãi giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng nhập cư được xem là tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Theo các chuyên gia, chuyến thăm này nhằm tạo đà mới cho thỏa thuận về nhập cư mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cảnh báo sẽ không tiếp tục thực hiện. Vấn đề khúc mắc chính hiện nay giữa hai bên chính là sự không rõ ràng trong điều khoản liên quan tới việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ lần này của các nhà lãnh đạo châu Âu không hề dễ dàng, đặc biệt là đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel, người vốn được xem là  có công lớn trong thỏa thuận đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi trên thực tế, rất nhiều nước thành viên vẫn phản đối mạnh mẽ việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

bo truong quoc phong my thi sat bien dong, trung quoc thu ten lua hinh 4
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura. Ảnh: AFP

5. Ngày 22/4, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura đã kêu gọi tổ chức họp khẩn trong khuôn khổ Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG) nhằm củng cố lệnh ngừng bắn đang bị đe dọa tại Syria, đồng thời thảo luận những nỗ lực viện trợ nhân đạo và thúc đẩy cuộc hòa đàm tiến triển chậm chạp hiện nay.

Ông Staffan de Mistura cho rằng, 3 vấn đề Syria, gồm hòa đàm, ngừng bắn và viện trợ nhân đạo, giống như chiếc bàn có 3 chân mà bất cứ yếu tố nào lung lay cũng có thể khiến cục diện đổ vỡ.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc cho biết, ông sẽ vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc hòa đàm trong tuần tới, có thể đến hết ngày 27/4, với hy vọng các bên đàm phán đưa ra được những sáng kiến về quá trình chuyển giao chính trị.

Cho đến nay, Chính phủ Syria vẫn cương quyết không đàm phán về tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad mà mong muốn giai đoạn chuyển tiếp sẽ có một chính phủ đoàn kết dân tộc gồm các quan chức hiện nay, đại diện phe đối lập và các chính trị gia độc lập. Trong khi đó, phe đối lập Syria bác bỏ mọi đề xuất cho phép ông Bashar al-Assad tiếp tục nắm quyền.

Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) đại diện cho phe đối lập Syria đã rời khỏi vòng đàm phán này với lý do phản đối chính phủ vi phạm các lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, phe đối lập Syria vẫn để lại một số đại diện tham dự các phiên họp không chính thức mang tính kỹ thuật.

bo truong quoc phong my thi sat bien dong, trung quoc thu ten lua hinh 5
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. Ảnh: Reuters

6. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ngày 22/4 cho biết, bà sẽ kháng nghị lên Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) nếu bị luận tội một cách phi pháp.

Tuyên bố này của bà Rousseff được đưa ra sau khi nhiều chính đảng tại khu vực Mỹ Latin đã lên tiếng phản đối việc luận tội Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, gọi đây là một “cuộc đảo chính thể chế” trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trước đó, Thẩm phán Tòa án Bầu cử Brazil Thereza de Assis đã yêu cầu thu thập các báo cáo quyết toán trong chiến dịch bầu cử năm 2014 có liên quan tới Tổng thống Dilma Rousseff và Phó Tổng thống Michel Temer.

Động thái này diễn ra sau khi Tòa án Tối cao Liên bang Brazil cho phép cảnh sát thu thập thông tin liên quan tới những cáo buộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Petrobras đã sử dụng tiền tham ô để tài trợ cho chiến dịch quảng bá tranh cử Tổng thống và Phó Tổng thống của bà Rousseff và ông Temer.

bo truong quoc phong my thi sat bien dong, trung quoc thu ten lua hinh 6
Chú thích ảnh

7. Ngày 16/4, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã san phẳng nhiều ngôi nhà ở Ecuador và khiến hơn 570 người chết, hơn 4.600 người bị thương.

Thiệt hại do trận động gây ra ước tính lên tới hàng tỷ USD và sẽ khiến cho nền kinh tế của Ecuador bị suy giảm trong năm nay. Chính phủ của Tổng thống Rafael Correa đang phải cân nhắc nhiều chính sách nhằm huy động nguồn lực tài chính để tái thiết sau thảm họa này.

Phát biểu trước báo giới ngày 20/4, sau khi đến thị sát các khu vực bị ảnh hưởng, Tổng thống Ecuador Rafael Correa nhận định, thảm họa động đất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khu vực, phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng như nhà cửa, đường sá và các tòa nhà cao tầng.

Theo ông Rafael Correa, ước tính thảm họa thiên tai này đã gây thiệt hại đến 3 tỷ USD và có thể khiến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này giảm 2% đến 3%.

bo truong quoc phong my thi sat bien dong, trung quoc thu ten lua hinh 7
Ảnh minh họa. Nguồn: Yonhap

8. Ngày 23/4, Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắn một vật thể được cho là tên lửa ra khu vực ngoài khơi vùng biển phía Đông của nước này.

Nguồn tin từ văn phòng Tổng tham mưu Trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên thực hiện vụ bắn tên lửa vào lúc 18h30 phút chiều 23/4 (giờ địa phương).

Trước đó vào ngày 15/4 vừa qua, Triều Tiên cũng đã phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm trung từ bờ biển phía Đông của Triều Tiên, song vụ phóng dường như đã thất bại.

Trước đó hôm 21/4, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Su-yong đã nói rằng, Bình Nhưỡng không có lựa chọn nào khác ngoài việc phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ.

Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên được đưa ra tại cuộc họp cấp cao ở trụ sở Liên Hợp Quốc về chủ đề “Những mục tiêu phát triển bền vững 2030”, trong đó ông cũng cáo buộc rằng, Mỹ đang tiến hành tập trận chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

bo truong quoc phong my thi sat bien dong, trung quoc thu ten lua hinh 8
Bà Hillary Clinton và ông Donald Trump. Ảnh AP

9. Chiến thắng mới đây tại New York đã giúp 2 ứng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ là Donal Trump và Clinton thêm tự tin về khả năng đối đầu với nhau.

Tỷ phú Trump đã giành lại quyền kiểm soát trong cuộc đua để tìm ra ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng hòa tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới, với một chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang New York.

Trong khi đó, ứng cử viên của Đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng có chiến thắng lớn bất ngờ trước đối thủ là Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders, khiến bà tự tin tuyên bố: “Chiến thắng đang ở rất gần”.

Kết quả cuộc bỏ phiếu ở New York có tác động đáng kể tới quyết định đề cử của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong bối cảnh cả hai ứng viên hàng đầu của hai đảng đều liên tiếp thất bại trong các cuộc bầu cử sơ bộ trước đó./.

 

 

Nguyễn Hùng/VOV.VNTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *