(kontumtv.vn) – Cuộc gặp này có thể chấm dứt sự đối kháng kéo dài hơn 50 năm và tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ

.
Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ Barack Obama trước cuộc hội đàm hôm 11/4. (Ảnh: Reuters)

1. Ngày 11/4, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ đang diễn ra tại Panama, Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ đã có cuộc hội đàm được xem là “bước ngoặt lịch sử” trong quan hệ giữa hai nước.

Sở dĩ cuộc gặp này được dư luận hết sức quan tâm bởi đây là cuộc gặp đầu tiên của các nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba kể từ sau cuộc Cách mạng Cuba năm 1959 và kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1961.

Miêu tả cuộc gặp trên là một “cuộc gặp lịch sử”, Tổng thống Mỹ Obama cho biết, hai nước có thể chấm dứt sự đối kháng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Trong khi đó, Chủ tịch Cuba Raul Castro cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các bước đi nhằm hướng tới bình thường hóa quan hệ với Washington.

Dư luận và báo giới đồn đoán rằng, Tổng thống Obama sẽ công bố quyết định đưa Cuba ra khỏi cái mà Washington cho là “danh sách các nước bảo trợ khủng bố” sau cuộc hội đàm này.

Tới nay, việc La Habana vẫn nằm trong danh sách trên chính là một trong những rào cản lớn nhất trên con đường bình thường hóa quan hệ song phương, được hai nhà lãnh đạo công bố hồi tháng 12/2014.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ giữa Cuba và Mỹ đang ấm lên, ngày 9/4,Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Cuba Rodriguez đã có cuộc hội đàm tại Panama – 1 ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ.

Hình ảnh vệ tinh việc Trung Quốc cải tạo bãi Vành Khăn (Ảnh CSIS)

2. Ngày 9/4, Trung Quốc đã tuyên bố nhấn mạnh, các đảo nhân tạo mà nước này đang cải tạo trên Biển Đông sẽ giúp tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây.

Không những thế, Trung Quốc còn cho rằng, những đảo nhân tạo này có thể được sử dụng để cung cấp các dịch vụ dân sự cho các nước láng giềng.

Tuyên bố của phía Trung Quốc được đưa ra không lâu sau khi Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Washington, công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành cải tạo trên bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Động thái này của Trung Quốc đã khiến các quan chức Mỹ đồng loạt lên tiếng chỉ trích.

Chỉ vài giờ sau khi Bắc Kinh công khai công bố kế hoạch sử dụng các đảo nhân tạo mà nước này đang cải tạo một cách trái phép trên Biển Đông, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đang lợi dụng vị thế nước lớn và sức mạnh quân sự của mình để o ép các nước khác ở Biển Đông.

“Chúng tôi rất quan ngại về việc Trung Quốc không tuân thủ các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế và đang lợi dụng vị thế một nước lớn và sức mạnh quân sự của mình để o ép các nước khác”, Tổng thống Obama nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đáp lại những quan ngại này, ngày 10/4, Trung Quốc cho rằng chính Washington mới là nước đang tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đồng thời kêu gọi Washington cần “thật sự nỗ lực trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định” trong khu vưc?.

Nhật Bản khẳng định theo đuổi chính sách một quốc gia hòa bình (Ảnh: Reuters)

3. Ngày 7/4, Nhật Bản đã công bố Sách Xanh ngoại giao năm 2015. Trong cuốn sách này, Nhật Bản đã khẳng định lại những cống hiến của mình đối với nền hòa bình, sự phát triển, phồn vinh của khu vực và thế giới, đồng thời nhấn mạnh sẽ kiên trì con đường đó và cống hiến tích cực hơn nữa.

Liên quan tới quan hệ đối với Trung Quốc, Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản cho rằng kể từ cuộc hội đàm cấp cao giữa hai nước được thực hiện vào tháng 11/2014, quan hệ hai nước được cải thiện từng bước, các cuộc đối thoại dần dần được nối lại.

Tuy nhiên, Sách Xanh cũng khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản và Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và vùng trời của mình.

Liên quan tới quan hệ với Hàn Quốc, Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực của hai bên trong 50 năm qua kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, khi đề cập tới quần đảo Takeshima theo cách gọi của Nhật Bản còn phía Hàn Quốc gọi là Dokdo, Sách xanh giữ lập trường và khẳng định: “Tham chiếu từ sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều thừa nhận đó là lãnh thổ của Nhật Bản”.

Trong một động thái liên quan, Nhật Bản vừa công khai trên Internet những tư liệu lịch sử liên quan tới chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Takeshima/Dokdo.

Trước đó ngày 6/4, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã phê duyệt nội dung của 18 sách giáo khoa về lịch sử, giáo dục công dân và địa lý. Dự kiến, bộ sách mới sẽ được sử dụng vào năm tới tại các trường trung học cơ sở. Theo nội dung sách giáo khoa mới của Nhật, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc thuộc về chủ quyền của Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 8/4 (Ảnh: Reuters)

4. Trong một diễn biến liên quan đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sáng 8/4 tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đang ở thăm nước này.

Tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí điều chỉnh chính sách hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ, mở rộng hơn nữa hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter nhấn mạnh rằng hai nước tăng cường quan hệ quốc phòng góp phần làm ổn định khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Giới quan sát nhận định rằng, chuyến thăm đầu tiên ông Carter đến Nhật Bản trên cương vị tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dường như để khẳng định, Mỹ không lơ là châu Á dù đang phải giải quyết rất nhiều vấn đề ở Trung Đông, Bắc Phi và Đông Âu.

Tiếp sau chuyến thăm Nhật Bản, chặng dừng chân thứ 2 trong chuyến thăm châu Á của ông Ashton Carter là Hàn Quốc.

Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-Koo, hai bên đã thảo luận về mối đe dọa của chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đối với bán đảo Triều Tiên và đối với nước Mỹ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quân đội Mỹ cần phải luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu khi đồn trú tại Hàn Quốc, ông Carter khẳng định, Mỹ đang đầu tư vào việc tăng cường năng lực của binh sĩ nước này phù hợp với tình hình an ninh đầy biến động trong khu vực.

Ông Carter cũng cho biết, Mỹ sẽ điều máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cùng nhiều hệ thống tối tân để thực hiện các cuộc chiến tranh mạng đến châu Á.

Theo giới quan sát, chính sách tái cân bằng lực lượng sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một thành tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama. Trong bối cảnh Mỹ dường như đang “phân tâm” vì các diễn biến tình hình ở Trung Đông, Ukraine, 2 chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carternhằm khẳng định, Mỹ không hề “lơ là” châu Á.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Ngoại trưởng Iran Zarif (Ảnh: iranpulse.al-monitor.com)

5. Sau 8 ngày đàm phán thâu đêm tại Lausanne (Thụy Sĩ), ngày 2/4 (chậm 2 ngày so hạn chót 31/3), Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran, mở đường hướng tới một thỏa thuận cuối cùng trước hạn chót vào ngày 30/6 tới, đã nhận được những đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, sau khi đạt được thỏa thuận khung này, vẫn còn rất nhiều khó khăn mà các bên liên quan cần phải vượt qua để tới được một thỏa thuận cuối cùng. Bất chấp thỏa thuận khung vừa đạt được vào tuần trước, các bên liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn để bảo vệ quan điểm của mình.

Đại Giáo chủ Iran Ali Khamenei ngày 9/4 yêu cầu dỡ bỏ mọi lệnh cấm vận chống lại Iran, ngay trong ngày thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với nhóm P5+1 được hoàn tất.

Trong khi đó ngày 9/4, Tổng thống Rowhani cũng tuyên bố Iran chỉ ký thỏa thuận hạt nhân cuối cùng nếu tất cả các biện pháp trừng phạt chống nước này được bãi bỏ ngay trong ngày ký kết và không từ bỏ các quyền lợi chính đáng.

Đáp lại những tuyên bố cứng rắn này, Bộ Ngoại giao Mỹ sáng nay tái khẳng định lập trường lệnh cấm vận chống Iran sẽ được bãi bỏ theo từng giai đoạn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke nói: “Theo các thông số trong thỏa thuận khung, lệnh cấm vận sẽ được đình chỉ từng bước, phụ thuộc vào việc Iran đáp ứng các cam kết cụ thể”.

Dù còn nhiều khó khăn để tiến tới một thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân của Iran, ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn bày tỏ lạc quan các cường quốc và Iran có thể hoàn tất thỏa thuận.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Triều Tiên (Ảnh Tân Hoa xã)

6. Ngày 9/4, Triều Tiên đã khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13 với cam kết sẽ thúc đẩy chương trình hạt nhân.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Pak Pong-Ju nhấn mạnh, năm 2014 là “một năm đại thành công và sẽ tạo ra nền tảng để giành được thắng lợi trong mọi lĩnh vực”.

“Mục tiêu trong năm 2015 là thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước với ưu tiên là giải quyết vấn đề lương thực trong nước bằng việc tăng cường sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và đánh bắt cá cũng như tập trung sản xuất năng lượng và đầu tư cho công nghiệp luyện kim”, ông Pak tuyên bố.

Ông Pak cũng khẳng định: “Điều quan trọng nhất là cần phải tiếp tục đường lối chính sách của Đảng Lao động Triều Tiên trong việc phát triển kinh tế đồng thời với phát triển hạt nhân”.

Cũng trong kỳ họp này, Triều Tiên đã tuyên bố thay đổi nhân sự trong Ủy ban Quốc phòng Quốc gia nước này.

Theo đó, ông Pak To Chun sẽ thôi không là Ủy viên Ủy ban Quốc phòng sau khi ông được điều chuyển sang cương vị mới.

Trong khi đó, ông Kim Chun Sop sẽ trở thành Ủy viên mới của Ủy ban Quốc phòng theo sự bổ nhiệm của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un./.

Nguyễn Hùng/VOV.VNTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *