(kontumtv.vn) – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung cáo buộc Mỹ và Nhật hợp tác để “khiêu khích”.
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung phát biểu tại ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-La, 1/6/2014 (Ảnh EFE)

Ngày 1/6, ngày làm việc cuối cùng của Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh quốc phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung đã đăng đàn phát biểu. Ông này đã lên tiếng phản bác chỉ trích của lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ, đồng thời “thản nhiên” bác bỏ việc Trung Quốc có những hành động gây hấn trên Biển Đông.

Vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông là vấn đề nóng trong Đối thoại Shangri-La năm nay. Ngay trong bài phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố Học thuyết Abe (Abe Doctrine) trong đó có những tuyên bố cứng rắn về an ninh khu vực, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN.

Abe Doctrine được coi là Tuyên ngôn của Nhật Bản đối với vấn đề an ninh quốc tế trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những hành động đơn phương mang tính khiêu khích nhằm áp đặt chủ quyền của mình đối với khu vực Biển Đông

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Lễ khai mạc Đối thoại An ninh Quốc phòng châu Á- Thái Bình Dương Shangri-La, Singapore, 30/5/2014 (Ảnh Reuters)

Trong bài diễn văn đọc tối 30/5 tại Hội nghị An ninh châu Á (Shangri-La) đang được tổ chức ở Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng chỉ trích các hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với cách hành xử của Việt Nam và Philippines.

Trước những hành động gây hấn liên tiếp của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Thủ tướng Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế và đưa ra 3 nguyên tắc giải quyết căng thẳng.

Thủ tướng Abe nói: “Chúng ta phải tuân thủ triệt để 3 nguyên tắc bao gồm: phải đưa ra đòi hỏi chủ quyền chính xác căn cứ theo luật pháp quốc tế, không được sử dụng sức mạnh và cưỡng ép để thực hiện đòi hỏi chủ quyền, các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (ảnh giữa), Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Samuel Locklear và Tướng Martin Demsey trong một cuộc họp ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc bên lề Đối thoại Shangri-La, ngày 31/5/2014 (Ảnh EFE)

Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 31/5 đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị an ninh châu Á đang được tổ chức ở Singapore.

Cùng ngày, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thể hiện thái độ ủng hộ động thái của Nhật Bản muốn đóng vai trò tích cực hơn nữa trong an ninh khu vực. Mỹ cũng thẳng thừng cảnh báo Trung Quốc hãy dừng ngay các hành vi gây bất ổn để hỗ trợ cho các yêu sách chủ quyền của nước này.

Ông Hagel nói Mỹ không có quan điểm đối với nội dung các tuyên bố chủ quyền của các bên trong khu vực nhưng “Chúng tôi kiên quyết phản đối bất cứ quốc gia nào sử dụng hăm dọa, cưỡng ép, và đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền của mình”.

Cảnh sát Thái Lan ngăn chặn biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự tại một trạm kiểm soát gần Tượng đài Dân chủ, Bangkok, Thái Lan, ngày 1/6/2014 (Ảnh EFE)

Chính quyền quân sự Thái Lan đã triển khai hàng ngàn binh lính và cảnh sát ở trung tâm Thủ đô Bangkok vào 1/6 để ngăn chặn các cuộc biểu tình phản đối vụ đảo chính vừa qua ở nước này.

Sau vụ đảo chính của quân đội Thái Lan ngày 22/5 vừa qua, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc đảo chính này. Việc đảo chính gây được thiện cảm với giới Hoàng gia Thái Lan nhưng lại bất đồng ý kiến với tầng lớp dân nghèo – những người vẫn trung thành ủng hộ cho Chính quyền cũ của bà Yingluck.

Trong bài phát biểu trên truyền hình vào cuối ngày 30/5, Tư lệnh Lục quân Tướng Prayuth Chan- ocha cho biết, quân đội sẽ cần thời gian để hòa giải các lực lượng chính trị đối lập ở nước này và để từng bước lập kế hoạch cải cách. Ông này cũng cho biết, bầu cử sẽ được tiến hành sau khi Thái Lan hoàn thành cải cách. Hiện vẫn chưa rõ thời gian cụ thể cho cuộc bầu cử sắp tới ở Thái Lan.
Một người đàn ông giữ lá cờ Ukraine bên cạnh đám lửa do những người biểu tình đốt ở trung tâm thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 31/5/2014 (Ảnh EFE)

Trong khi chiến sự vẫn tiếp diễn tại một số khu vực miền Đông Ukraine, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Ukraine, ông Poroshenko hôm 27/5 cho biết, chính phủ sẽ đẩy mạnh các hoạt động quân sự, các cuộc tấn công của quân đội chính phủ sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Ông Poroshenko cũng khẳng định, những tay súng nổi dậy muốn giành quyền kiểm soát bằng vũ lực là điều không thể chấp nhận được.

Một đất nước văn minh sẽ không đàm phán với những kẻ khủng bố. Nhà lãnh đạo tương lai của Ukraine nhấn mạnh, bảo vệ người dân là trách nhiệm của nhà nước, do đó, ông Poroshenko cam kết sẽ đầu tư nhiều hơn cho lực lượng quân đội nước này.

Một người ủng hộ tân Tổng thống Abdel- Fattah el- Sissi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, giơ cao áp phích và cờ quốc gia trong một buổi lễ tại quảng trường Tahrir ở Cairo, Ai Cập, ngày 29/5/2014 (Ảnh AP)

Ngày 29/5, nhiều người dân Ai Cập đã tổ chức ăn mừng chiến thắng của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah el-Sisi trong cuộc bầu cử Tổng thống. Kết quả kiểm phiếu tại 27 tỉnh thành trên cả nước Ai Cập công bố cho thấy, Tư lệnh quân đội el-Sisi đã giành được 96,92% trong tổng số hơn 12,8 triệu phiếu được kiểm. Trong khi đó, đối thủ duy nhất của ông- chính trị gia cảnh tả Hamdeen Sabahi chỉ nhận được gần 400.000 phiếu bầu.

Dự kiến, kết quả kiểm phiếu chính thức sẽ được công bố vào ngày 5/6 tới. Người đắc cử sẽ trở thành Tổng thống thứ 6 của Ai Cập. Tổng thống mới sẽ có nhiệm vụ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội nhằm hoàn tất lộ trình chuyển tiếp chính trị, đồng thời khôi phục an ninh và nền kinh tế đang khủng hoảng trầm trọng.

Giới phân tích cho rằng, dù có là ông El- Sissi hay bất kỳ ai đắc cử, người đó cũng sẽ gánh vác trên vai trách nhiệm nặng nề với một Ai Cập bất ổn với nền kinh tế kiệt quệ, sự gia tăng hoạt động của các chiến binh Hồi giáo cực đoan đang hoạt động mạnh tại khu vực bán đảo Sinai và vùng biên giới giáp Libya./.

Bích Đào/VOV online 
Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *