(kontumtv.vn) – Trong tuần, dư luận thế giới tiếp tục lên án hành vi “khiêu khích”, gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc

Tàu Trung Quốc mang số hiệu 3210 tại Vùng đặc quyền kiinh tế của Việt Nam, ảnh chụp ngày 15/5/2014 (Ảnh AP)

Dư luận quốc tế tiếp tục lên tiếng phê phán việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 16/5, Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney mô tả quyết định của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một hành động khiêu khích, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh không nên tiếp tục gây thêm căng thẳng trong khu vực mà nên hành xử một cách an toàn và chuyên nghiệp.

Trước đó, ngày 14/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đã lên tiếngcảnh báo Trung Quốc rằng, nước này có thể bị cô lập trong bối cảnh các nước châu Á đang ngày một quan tâm đến những căng thẳng ở Biển Đông hiện nay.

Chính giới và các học giả nghiên cứu các vấn đề quốc tế của nhiều nước cũng bày tỏ thái độ “quan ngại” và lên án hành vi vi phạm luật pháp quốc tếcủa Trung Quốc.

Máy bay quân sự Lào bị tai nạn (Ảnh: Thông tấn xã Lào)

Sáng 17/5, máy bay AN- 74TK-300 của Không quân Lào đã bị rơi tại bản Nadi, huyện Pec, thuộc tỉnh Xiangkhouang. Những bức ảnh chụp từ hiện trường vụ tai nạn cho thấy chiếc máy bay bị rơi trong một khu rừng rậm và đã bị hư hại khá nhiều, các mảnh vỡ máy bay đã bị cháy sém.

16 người (trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Lào và một số quan chức cấp cao khác) đã bị thiệt mạng và chỉ có một người sống sót. Theo Thông tấn xã Lào, nguyên nhân của vụ tai nạn hiện đang được điều tra làm rõ.

Những người ủng hộ Nga biểu tình tại trung tâm thành phố Donessk, Ukraine ngày18/5/2014 (Ảnh EFE)

Hội nghị bàn tròn giữa chính phủ tạm quyền Ukraine cùng với đại diện các khu vực và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước này diễn ra hôm qua (17/5), đã khép lại với việc đại diện các khu vực đề nghị Quốc hội Ukraine thông qua một bản ghi nhớ chung về triển vọng giải quyết khủng hoảng. Chính phủ Ukraine mong muốn tổ chức thêm nhiều cuộc đàm phán bàn tròn tại các thành phố khác ở miền Đông, song những chia rẽ này đang làm dấy lên những nghi ngại về khả năng đạt được đột phá trong giải quyết khủng hoảng Ukraine thông qua đàm phán.

“Hội nghị bàn tròn thống nhất dân tộc” diễn ra tại thành phố Kharkov trong bối cảnh căng thẳng tại miền Đông Ukraine gia tăng sau khi 2 khu vực Donetsk và Luhansk tổ chức trưng cầu ý dân và tuyên bố độc lập.

Chính phủ tại Kiev ngày 16/5 đã liệt 2 nhà nước cộng hoà tự thành lập là Donetsk và Lugansk vào danh sách các nhóm khủng bố. Hai khu vực này đã tự tuyên bố trở thành quốc gia có chủ quyền sau cuộc trưng cầu ý dân đầy tranh cãi ngày 11/5. Cả Kiev và phương Tây đều lên án cuộc trưng cầu này và cho rằng nó là bất hợp pháp.

Người biểu tình chống chính phủ Thái Lan tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok, ngày17/5/2014 (Ảnh EFE)

Thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Thái Lan Suthep Thaugsuban ngày 17/5 thúc giục hàng triệu người ủng hộ tham gia “trận chiến cuối cùng” nhằm lật đổ chính phủ tạm quyền và lấy ngày 27/5 là ngày kết thúc chiến dịch chống chính phủ.
Hiện lực lượng biểu tình vẫn tiếp tục gây sức ép lên Thượng viện nước này, đòi bổ nhiệm một Thủ tướng không qua bầu cử.

 

Trong khi đó, Chính phủ tạm quyền Thái Lan cho rằng tổng tuyển cử sẽ là cách tốt nhất để hóa giải khủng hoảng đe dọa đẩy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái và gần hơn tới nguy cơ nội chiến.

Cảnh sát chống bạo động sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán những người biểu tình sau vụ tai nạn hầm mỏ đã khiến 301 thợ mỏ thiệt mạng tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 17/5/2014  (Ảnh AP)

Lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/5 đã kết thúc công tác giải cứu các thợ mỏ trong vụ sập mỏ xảy ra ngày 13/5 ở thị trấn Soma thuộc tỉnh Manisa. Tổng cộng có 301 thợ mỏ thiệt mạng và 485 người được cứu thoát trong vụ sập mỏ. Đây là vụ tai nạn có số nạn nhân cao nhất trong lịch sử ngành khai thác mỏ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ sập mỏ trên đã gây ra một làn sóng phản đối, đỉnh điểm là cuộc tổng đình công trong một ngày 15/5 do 4 tổ chức công đoàn lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi.

Liên đoàn lao động Thổ Nhĩ Kỳ đại diện cho 240.000 người lao động cho rằng, những người đưa ra chính sách tư nhân hóa đã đe dọa sự an toàn của công nhân khi cắt giảm chi phí lao động, gây nên thảm họa vừa qua.

Thủ tướng mới đắc cử của Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước công chúng sau khi thực hiện các nghi lễ trên bờ sông Hằng ở Varanasi, một thành phố cổ kính nơi có hàng triệu người Hindu sùng đạo, ngày 17/5/2014 (Ảnh AP)

Chiều 16/5, Ấn Độ đã công bố kết quả cuộc bầu cử Hạ viện khóa XVI, với chiến thắng áp đảo thuộc về Đảng đối lập Nhân dân Ấn Độ (BJP)

Nhà lãnh đạo đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) vừa giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử tại quốc gia này, ông Narendra Modi hôm 17/5, đã về Thủ đô New Dehli chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực đầu tiên trong 10 năm qua tại Ấn Độ
Cũng trong ngày 17/5, Thủ tướng Manmohan Singh đệ đơn từ chức lên Tổng thống Pranab Mukherjee sau khi đảng Quốc đại cầm quyền thất bại. Tuy nhiên, Thủ tướng Manmohan Singh vẫn làm Thủ tướng tạm quyền cho tới khi Thủ hiến bang Gujarat thuộc Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào tuần tới.

Cao ủy EU phụ trách chính sách đối ngoại Catherine Ashton (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif  chuẩn bị bắt đầu cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna, Áo, ngày 14/5/2014 (Ảnh AP)

Hôm 16/5, nhà đàm phán hạt nhân cấp cao của Iran Abbas Araqchi cho biết Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) vẫn chưa thể đạt được các mục tiêu trong cuộc đàm phán hạt nhân vừa mới kết thúc ở Thủ đô Vienna của Áo.

Trong vòng đàm phán từ ngày 14-16/5, hai bên có kế hoạch bắt đầu soạn thảo các văn bản để có thể đi đến thỏa thuận lâu dài nhằm chấm dứt nhiều năm thù địch và ngờ vực nhau. Mục tiêu của hai bên là phải khắc phục được những khác biệt lớn vẫn tồn tại. Tuy nhiên, theo giới phân tích, mục tiêu này sẽ không dễ đạt được.

Một nhà ngoại giao Phương Tây cho biết Iran và 6 cường quốc vẫn còn“khoảng cách lớn” và Iran cần thể hiện “quan điểm thực tế hơn”. Tuy nhiên, nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Nga – Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran là “khá hữu ích” cho dù không đạt tiến triển về một thỏa thuận./.

Bích Đào/VOV online
Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *